Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 03:31 (GMT +7)
Chủ động phòng chống dịch Covid-19 dịp Tết Nguyên đán
Thứ 7, 14/01/2023 | 11:41:37 [GMT +7] A A
Đến thời điểm hiện tại, dịch bệnh Covid-19 cũng như các loại dịch bệnh khác trên địa bàn vẫn tiếp tục được kiểm soát hiệu quả. Hiện mỗi ngày toàn tỉnh chỉ ghi nhận vài ca mắc mới Covid-19, đây là mức thấp nhất kể từ khi dịch bùng phát. Tuy nhiên với quan điểm tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước dịch bệnh, Quảng Ninh tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh từ xa, từ sớm, từ cơ sở, đảm bảo nhân dân đón Tết an toàn, yên vui.
Thời điểm cách đây 1 năm, số ca mắc Covid-19 của Việt Nam cũng như Quảng Ninh bùng phát trên diện rộng. Song nhờ được bao phủ hiệu quả vắc xin trong cộng đồng, Quảng Ninh cùng với cả nước đã nhanh chóng vượt qua đại dịch. Theo báo cáo của Sở Y tế, từ đầu vụ dịch đến nay, Quảng Ninh ghi nhận trên 360.000 ca mắc Covid-19, phần lớn ca bệnh thuộc thể nhẹ hoặc vừa. Từ tháng 8/2022 đến nay, kết quả đánh giá cấp độ dịch của 177/177 xã, phường trong toàn tỉnh đều duy trì ở cấp độ 1, dịch bệnh được kiểm soát tốt. Độ bao phủ vắc xin nằm trong top 5 toàn quốc. Kết quả đó đã góp phần không nhỏ để Quảng Ninh giữ vững địa bàn “An toàn - Ổn định - Phát triển”, tạo điều kiện phục hồi mạnh mẽ ngành du lịch, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đưa Quảng Ninh là một điểm sáng, điển hình của cả nước về phòng, chống đại dịch và thực hiện thành công “mục tiêu kép”.
Mặc dù tình hình dịch Covid-19 đã cơ bản được khống chế, nhưng dự báo vẫn sẽ có những diễn biến phức tạp, khó lường. Theo nhận định của Bộ Y tế, đầu năm 2023, số ca mắc mới Covid-19 có thể tăng lên do lưu lượng người dân di chuyển tăng. Cùng với đó, từ 8/1/2022, Trung Quốc đã thực hiện điều chỉnh chính sách phòng chống dịch cùng với việc nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch của một số nước là nguy cơ sẽ gia tăng số trường hợp mắc Covid-19 trong thời gian tới, đặc biệt là trong các hoạt động giao thương, xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, du lịch, lễ hội trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội xuân 2023.
Hiện các biến chủng mới của Sars-CoV-2 vẫn liên tục xuất hiện, mới đây, biến chủng phụ XBB của Omicron có đặc tính lây lan nhanh nhất từ trước đến nay đã được ghi nhận xuất hiện tại TP HCM. Hiện nay dù Quảng Ninh là một trong những địa phương có tỷ lệ tiêm chủng vắc xin cao nhất cả nước, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng dịch. Toàn tỉnh vẫn còn trên 1.800 trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi chưa tiêm mũi 1, 18.900 trẻ chưa tiêm mũi 2; trên 9.000 trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi chưa tiêm mũi 3; nhiều đối tượng bệnh nền, cao tuổi vẫn chưa tiêm mũi 4.
Để đảm bảo an toàn cho người dân vui xuân, đón Tết, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động các phương án phòng, chống dịch Covid-19 cũng như các loại dịch bệnh khác theo đúng phương châm từ xa, từ sớm, từ cơ sở. Hiện nay, các đơn vị y tế đã sẵn sàng kích hoạt lại 100% năng lực thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19. Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng các thuốc, hóa chất và trang thiết bị dự trữ để phục vụ cho công tác phòng dịch; tổ chức trực dịch 24/24 giờ trong các ngày nghỉ lễ, Tết để theo dõi, nắm bắt tình hình dịch bệnh xảy ra trên địa bàn.
Trung tâm Y tế các địa phương đã bố trí các “Đội đáp ứng nhanh với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm và các sự kiện y tế công cộng” để thực hiện trực phòng, chống dịch bệnh, phòng chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn quản lý.
Trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán sắp tới, dự kiến lượng người thông quan qua khu vực cửa khẩu sẽ tăng cao vì vậy công tác phòng dịch tại đây được đề cao và thực hiện chặt chẽ theo quy định. Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế tỉnh Hoàng Văn Lương, cho biết: Tổ kiểm dịch Y tế Quốc tế đã lên phương án phối hợp với cơ quan quản lý cửa khẩu bố trí vị trí, địa điểm thực hiện lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 trong trường hợp phát hiện người có triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19 và phân luồng di chuyển của hành khách, đảm bảo thuận tiện, không gây ảnh hưởng tới các công tác khác. Trung tâm Kiểm dịch cũng căn cứ tình hình thực tế tại mỗi cửa khẩu để bố trí cán bộ, điều chuyển cán bộ nếu cần thiết, đảm bảo nhân lực thực hiện công tác kiểm soát và xét nghiệm khi cần. Đơn vị cũng đã lập kế hoạch đề nghị cung cấp vật tư, hóa chất phục vụ công tác lấy mẫu xét nghiệm. Đặc biệt, đẩy mạnh công tác truyền thông, thường xuyên cập nhật, thay đổi nội dung truyền thông phù hợp với tình hình dịch bệnh và chính sách phòng chống dịch.
Đồng chí Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Ngoài chủ động các phương án quản lý, kiểm soát, sẵn sàng về nhân lực, việc tiêm chủng vắc xin vẫn là biện pháp quan trọng nhất trong phòng, chống dịch. Hiện nay, ngành Y tế và các địa phương đang tích cực phối hợp đẩy nhanh công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho tất cả những trường hợp đủ điều kiện. Trong đó, tập trung rà soát, triển khai việc tiêm nhắc lại cho 100% người dân có chỉ định tiêm theo quy định, lưu ý bảo đảm các nhóm nguy cơ, nhất là người cao tuổi, người có bệnh lý nền, người suy giảm miễn dịch; thực hiện tiêm chủng vắc xin cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi theo đúng quy định.
Để tiếp tục kiểm soát dịch bệnh một cách khoa học, an toàn, hiệu quả; đồng thời tận dụng tối đa các cơ hội thúc đẩy giao thương, thu hút khách du lịch, giữ vững đà phát triển kinh tế - xã hội, ngoài sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương thì quan trọng nhất vẫn là người dân phải chủ động trong phòng, chống dịch, bảo vệ bản thân, gia đình, thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới, tham gia tiêm chủng đầy đủ các mũi vắc xin phòng Covid-19.
Thu Chung
- Sáng 13/1: Việt Nam chỉ còn 7 ca COVID-19 nặng thở oxy; TP HCM lên phương án ứng phó với biến thể phụ XBB.1.5
- Ngày 12/1: Ca mắc COVID-19 tại Việt Nam tăng gấp hơn 2 lần trong 24h qua
- Hầu hết triệu chứng COVID kéo dài "sẽ hết sau một năm"
- Nhật Bản đối mặt nguy cơ dịch bệnh cúm mùa và COVID-19
- Sáng 12/1: Không còn bệnh nhân COVID-19 nặng phải thở máy; 2 biến thể phụ BQ.1 và BQ.1.1 đang nổi lên ở Mỹ
- Tăng cường giám sát chặt chẽ dịch COVID-19 tại các cửa khẩu dịp Tết
Liên kết website
Ý kiến ()