Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:18 (GMT +7)
Chủ động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm
Thứ 4, 27/12/2023 | 13:29:04 [GMT +7] A A
Ngành Y tế tỉnh luôn xác định nâng cao năng lực hệ thống y tế phòng, chống dịch bệnh để sẵn sàng chủ động, đáp ứng kịp thời với tình hình dịch bệnh khó lường hiện nay.
Từ đầu năm 2023 đến nay trên địa bàn tỉnh có sự gia tăng về các bệnh giao mùa: Cúm, sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm não Nhật Bản… Đối tượng mắc bệnh là tất cả mọi người, đặc biệt là những người mắc các bệnh mãn tính sức đề kháng yếu, người già và trẻ nhỏ.
Để kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm, căn cứ tình hình dịch bệnh trong và ngoài địa bàn tỉnh, Sở Y tế đã chủ động tham mưu và chỉ đạo tăng cường phòng, chống các dịch bệnh khi giao mùa, thời điểm xảy ra nhiều tình huống thiên tai bất thường và thời điểm chuẩn bị bước vào năm học mới. Nhời vậy, tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, ghi nhận các ca mắc lẻ tẻ trong cộng đồng, không ghi nhận các ổ dịch lớn cũng như sự bùng phát và lan rộng không kiểm soát của dịch bệnh, không để xảy ra tình trạng dịch chồng dịch. Từ đầu năm 2023 đến nay trên địa bàn tỉnh có 533 ca sốt xuất huyết, 443 ca mắc tay chân miệng, 545 ca mắc thuỷ đậu, 42 ca mắc quai bị...
Quảng Ninh một trong những địa phương đầu tiên trong nước triển khai hệ thống báo cáo bệnh truyền nhiễm trên phần mềm đến trạm y tế tuyến xã; qua đó giúp các xã, phường chủ động hơn trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, tỉnh luôn quan tâm đầu tư trang thiết bị, máy móc, nâng cao năng lực xét nghiệm phòng, chống dịch cho các đơn vị y tế trên địa bàn. Thạc sĩ Nguyễn Thị Hiền, Trưởng Khoa Xét nghiệm Vi sinh - Huyết học (CDC Quảng Ninh), cho biết: Từ tháng 10/2023 Khoa được hoạt động tại trụ sở CDC mới, diện tích được sử dụng khoảng 1.800m2, các khu vực được bố trí riêng biệt theo đúng quy định. Khoa được đầu tư thêm các hệ thống máy móc, như máy bắn mẫu tự động, thiết bị tải lượng virus Roche Cobas 5800…, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng xét nghiệm.
Để tạo lá chắn bảo vệ sức khỏe, vắc-xin là một trong những biện pháp thiết thực, hiệu quả. Do đó tỉnh thường xuyên chỉ đạo ngành Y tế tỉnh phối hợp cùng chính quyền địa phương triển khai hiệu quả việc tiêm chủng vắc-xin. Ngành Y tế thường xuyên rà soát nhu cầu vắc-xin trong công tác tiêm chủng mở rộng, xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí mua sắm hằng năm, đẩy mạnh tiêm vắc-xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong 24 giờ đầu tại các bệnh viện, tăng cường giám sát bệnh truyền nhiễm trong tiêm chủng, giám sát chặt chẽ công tác quản lý, tiếp nhận, bảo quản vắc-xin và vật tư phục vụ tiêm chủng. Bên cạnh đó ngành Y tế quan tâm tạo điều kiện, đồng thời kiểm tra, hướng dẫn cách thức hoạt động cho các trung tâm tiêm chủng vắc-xin dịch vụ, nhằm đem lại chất lượng tiêm chủng cao cho người dân và giảm tải tình trạng khan hiếm vắc-xin cho các cơ sở y tế công lập.
Công tác tuyên truyền tới người dân được đẩy mạnh, nhằm hạn chế sự bùng phát của dịch bệnh, nâng cao ý thức cá nhân trong việc chủ động chấp hành các khuyến cáo của bác sĩ và cơ quan y tế; nâng cao sức đề kháng của bản thân; duy trì lối sống lành mạnh...
Hoài Minh
Liên kết website
Ý kiến ()