Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:27 (GMT +7)
Chủ động phòng chống dịch bệnh dại
Thứ 6, 08/03/2024 | 16:24:22 [GMT +7] A A
Dại là bệnh truyền nhiễm từ chó, mèo sang người qua vết cắn, liếm, có tỷ lệ tử vong tới 100% một khi virus dại xâm nhập vào hệ thống thần kinh trung ương của người mắc. Tại Quảng Ninh, ngay sau khi xuất hiện ổ dịch dại trên chó tại huyện Đầm Hà, công tác khoanh vùng, dập dịch đã được các địa phương trong toàn tỉnh nhanh chóng triển khai.
Tại xã Dực Yên (huyện Đầm Hà) những ngày này, trên hệ thống loa FM của xã thường xuyên truyền đi các thông tin về tính chất nguy hiểm cũng như các biện pháp phòng, chống bệnh dại trước, sau phơi nhiễm cho người và động vật, để người dân chủ động phòng bệnh cho bản thân, cộng đồng.
Từ khi xảy ra vụ việc chó dại tấn công 13 học sinh và thầy giáo Trường Tiểu học và THCS Dực Yên 9 (xã Dực Yên, huyện Đầm Hà), mọi công tác ngăn chặn, khoanh vùng, dập dịch đã được chính quyền địa phương vào cuộc triển khai quyết liệt. Xã Dực Yên đã thành lập 3 chốt kiểm soát dịch bệnh tại các thôn: Yên Sơn, Đồng Tâm và Đông, tổ chức phun tiêu độc khử trùng, rắc vôi bột toàn bộ 4/4 thôn của xã. Công tác rà soát đàn chó, mèo trên địa bàn cũng nhanh chóng được triển khai để tiến hành tiêm chủng. Đến ngày 7/3, toàn xã đã tiêm phòng được 778/938 con chó, mèo, đạt tỷ lệ 82,9% tổng đàn, trong đó đàn chó đạt tỷ lệ 99%.
Trước sự nguy hiểm của dịch bệnh dại cũng như sự tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương, 421/421 hộ nuôi chó, mèo trên địa bàn xã đã ký cam kết thực hiện nghiêm các quy định trong phòng, chống dịch bệnh dại. Ông Trần Văn Thứ, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Tây, xã Dực Yên (huyện Đầm Hà) cho biết: Người dân thôn Tây những ngày qua rất nghiêm túc trong việc quản lý chó, mèo nhà mình, trong đó chủ động nhốt lại để theo dõi sát sao xem có dấu hiệu lạ hay không; chấp hành nghiêm quy định không thả rông, nếu cho ra đường thì phải đi theo và phải cho rọ mõm.
Ngoài xã Dực Yên, từ đầu năm tới nay, huyện Đầm Hà ghi nhận 2 ổ dịch dại trên chó ở xã Tân Bình và thị trấn Đầm Hà. Ngay sau khi công bố địa phương có dịch ngày 1/3/2024, huyện Đầm Hà đã thành lập tổ công tác chỉ đạo, kiểm tra công tác phòng chống bệnh dại trên địa bàn toàn huyện, phân công thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống dịch tại các xã. Đối với cấp xã, đã thành lập 9 Tổ công tác phòng, chống dịch dại động vật, xử lý chó, mèo thả rông không đeo rọ mõm theo quy định; tổ chức ký cam kết tới 4.528 hộ nuôi chó, mèo thực hiện tiêm phòng vắc xin dại, không giết mổ, bán chạy chó ốm, chết làm phát tán dịch bệnh; thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng toàn bộ vùng uy hiếp, vùng đệm với 184 lít hóa chất các loại. Huyện phấn đấu đến ngày 10/3 tiêm chủng xong 100% đàn chó, mèo trên địa bàn.
Ông Hoàng Vĩnh Khuyến, Chủ tịch UBND huyện Đầm Hà, khẳng định: Xác định kiểm soát dịch bệnh dại có hiệu quả hay không phụ thuộc rất lớn vào việc có quản lý tốt được đàn chó, mèo trên địa bàn. Do đó, huyện đã chỉ đạo chính quyền các xã thành lập và hoạt động thường xuyên các tổ kiểm soát tiêu hủy chó, mèo vô chủ, thả rông không đeo rọ mõm trên địa bàn huyện. Đối với những cá nhân nuôi chó, mèo không tuân thủ các quy định của pháp luật trong quản lý chó, mèo, địa phương sẽ xử phạt nghiêm.
Theo thông tin từ CDC Quảng Ninh, từ đầu năm tới nay, toàn tỉnh dù không ghi nhận ca mắc dại nào trên người, tuy nhiên 13/13 địa phương đều ghi nhận các trường hợp bị chó, mèo cắn, cào, với trên 900 người được ghi nhận đã tới các cơ sở y tế để tiêm vắc - xin dự phòng phơi nhiễm.
Trong năm 2023, toàn tỉnh cũng ghi nhận 6 địa phương có xuất hiện các ổ dịch dại trên chó, mèo là: Hải Hà, Móng Cái, Ba Chẽ, Bình Liêu, Uông Bí, Hạ Long, trong đó có 2 ca tử vong tại Hải Hà và Uông Bí.
Trước sự nguy hiểm của bệnh dại, mới đây, ngày 1/3, UBND tỉnh ban hành văn bản số 483/UBND-KTTC về việc tập trung đợt cao điểm thực hiện các biện pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh. Trong đó, yêu cầu các sở, ngành, địa phương thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch bệnh dại trên địa bàn tỉnh; tập trung rà soát thống kê kiểm đếm chính xác số lượng đàn chó, mèo trên địa bàn để tiến hành tiêm phòng chủ động; hướng dẫn, yêu cầu các chủ nuôi ký cam kết thực hiện việc khai báo, nuôi nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình; áp dụng các chế tài xử lý các cá nhân vi phạm quy định về nuôi chó, mèo; tăng cường truyên truyền, nâng cao ý thức, nhận thức của người dân về sự nguy hiểm của bệnh dại, các biện pháp sơ cứu và xử trí kịp thời khi bị chó, mèo cắn, tầm quan trọng của tiêm chủng vắc xin và huyết thanh phòng dại….
Để kịp thời điều trị dự phòng phơi nhiễm cho người dân khi gặp các trường hợp bị chó, mèo cắn, cào, liếm vào các vết thương hở, các bệnh viện, trung tâm y tế các địa phương chủ động chuẩn bị đầy đủ vắc - xin để tiêm sớm nhất cho bệnh nhân ngay tại cơ sở. Năm 2023, để tạo thuận lợi cho người dân ở các vùng xa, đi lại không thuận tiện, ngành Y tế chỉ đạo tổ chức thêm 6 điểm tiêm huyết thanh tại một số địa phương trên địa bàn toàn tỉnh.
Bác sỹ Đoàn Ngọc Thanh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ba Chẽ, cho biết: Hiện đơn vị đã chuẩn bị cơ số vắc -xin tại địa bàn, đồng thời đã có kế hoạch cử nhân viên y tế đi tập huấn kỹ thuật tiêm, phấn đấu triển khai tiêm huyết thanh kháng dại ngay trong tháng 3 này, đảm bảo xử trí sớm nhất cho bệnh nhân phơi nhiễm dại. Cùng với đó, các trạm y tế xã cũng tăng cường công tác phối hợp với chính quyền địa phương, tuyên truyền để nhân dân chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh dại trên chó, mèo, cũng như không để lây lan sang người.
Bên cạnh sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành chức năng, hiện vẫn còn tình trạng chó, mèo thả rông tại những nơi công cộng, kể cả ở những thành phố lớn, đông người. Điều này cũng tiềm ẩn nguy cơ lây lan bệnh dại trên động vật cũng như sang người. Theo ghi nhận của các cơ quan y tế, dù ý thức của phần lớn người dân đã được nâng cao, chủ động đi tiêm phòng ngay khi bị chó, mèo cắn, song vẫn còn một bộ phận người dân có tâm lý chủ quan, hoặc trì hoãn tiêm chủng, chỉ đi tiêm khi chó, mèo có dấu hiệu phát bệnh. Điều này là hết sức nguy hiểm, bởi khi virus dại đã tấn công lên hệ thần kinh trung ương, thì tỷ lệ tử vong là 100%, không có bất cứ phương thức nào để cứu chữa.
Tiến sỹ Vũ Quyết Thắng, Giám đốc CDC Quảng Ninh, nhấn mạnh: Dịch dại hết sức nguy hiểm và không thể chủ quan. Từ đầu năm tới nay, dịch dại trong toàn quốc diễn biến hết sức phức tạp và đã có 17 ca tử vong. Tại Quảng Ninh, dù chỉ ghi nhận dịch bệnh tại huyện Đầm Hà, song các địa phương còn lại cũng cần quan tâm, chủ động phòng trước dịch bệnh, tiêm phòng đầy đủ và quản lý tốt đàn chó, mèo; các đơn vị y tế địa phương cần tăng cường truyền thông để nhân dân biết cách xử lý đúng khi bị chó, mèo cắn. Còn với vắc-xin dại, hiện đang sử dụng là loại vắc -xin thế hệ mới, các tác dụng phụ có thể gặp phải chủ yếu bao gồm: Sưng, nóng, đỏ, đau tại vết tiêm, sốt, mệt sau tiêm, tương tự tất cả các loại vắc-xin khác, chưa ghi nhận bất cứ trường hợp tai biến lâu dài nào sau khi tiêm. Do đó, người dân cần đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm phòng vắc xin dại để được phòng bệnh kịp thời nhất, không nên chủ quan với tính mạng của bản thân mình.
Nguyễn Trang
Liên kết website
Ý kiến ()