Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 07:25 (GMT +7)
Chủ động phòng chống bệnh sốt xuất huyết
Thứ 2, 27/06/2022 | 07:16:50 [GMT +7] A A
Để ngăn chặn không để dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) bùng phát, ngành Y tế đã chủ động các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt là công tác tuyên truyền, vận động người dân.
Năm 2021, TP Hạ Long là một điểm nóng về dịch SXH, với trên 350 ca mắc. Ngành y tế đã phối hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp phòng chống. Nhờ tăng cường dọn vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi, lồng ghép với công tác tuyên truyền mà dịch SXH được kiểm soát.
Bác sĩ Dương Thu Hà, Phụ trách Khoa Kiểm soát bệnh tật, TTYT TP Hạ Long, cho biết: Những năm gần đây tuy dịch bệnh SXH có tăng lên trên địa bàn nhưng vẫn được kiểm soát tốt. Khi ghi nhận ca mắc, chúng tôi đã chỉ đạo trạm y tế phường phối hợp phun hóa chất xử lý triệt để ổ dịch, tăng cường công tác giám sát công tác phòng chống dịch ở từng hộ dân.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, từ đầu năm đến ngày 23/6, toàn tỉnh đã ghi nhận 22 ca SXH. Cụ thể: Quảng Yên 4 ca, Đông Triều 4 ca, Móng Cái 4 ca, Hạ Long 3 ca, Hải Hà 2 ca, Đầm Hà 2 ca, Cẩm Phả 1 ca, Vân Đồn 2 ca. Kết quả xét nghiệm 9 ca dương tính; số mắc tăng 6 ca so với cùng kỳ năm 2021; không ghi nhận trường hợp tử vong.
Cũng theo CDC Quảng Ninh, đơn vị đã phối hợp TTYT tuyến huyện chủ động giám sát ca bệnh, điều tra muỗi, lăng quăng để biết sự biến động bất thường của các chỉ số vector truyền bệnh tại các vùng trọng điểm. Từ đó, các biện pháp can thiệp được triển khai để ngăn chặn sự bùng phát dịch SXH một cách kịp thời, hiệu quả. Theo đó, kết quả giám sát vector tại một số địa bàn đã ghi nhận các chỉ số cao trên ngưỡng gây dịch, thậm chí một số điểm cao gấp 2 lần ngưỡng gây dịch như ở xã Đông Xá, thị trấn Cái Rồng (huyện Vân Đồn); phường Hoành Bồ, xã Lê Lợi (TP Hạ Long); thị trấn Bình Liêu (huyện Bình Liêu)…
Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường, cùng với công tác phòng, chống dịch Covid-19, ngành y tế tăng cường công tác giám sát, lồng ghép tuyên truyền người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống SXH tại địa phương. Sở Y tế đã chỉ đạo các TTYT tuyến huyện chủ động tham mưu cho chính quyền cùng cấp chỉ đạo và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với ngành y tế để triển khai chiến dịch diệt lăng quăng, từ đó đảm bảo cho các hộ gia đình tại vùng có dịch, có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát. Tổ chức phun hóa chất 100% tại các hộ gia đình ở khu vực có dịch. Đồng thời nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh các tuyến, đặc biệt tuyến y tế cơ sở trong việc phát hiện thu dung điều trị bệnh nhân.
SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Dengue gây ra. Bệnh lây lan chủ yếu do muỗi vằn Aedes aegypti đốt người bệnh sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Hiện nay, bệnh SXH chưa có vắc-xin, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Nếu bệnh nhân không được điều trị kịp thời, nguy cơ dẫn đến tử vong rất cao.
Bác sĩ Hoàng Thị Nhung, khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bãi Cháy, cho biết: Triệu chứng của bệnh SXH là sốt cao trong 5 ngày kèm theo biểu hiện xung huyết, chảy máu chân răng, nhức đầu, chán ăn, đau cơ, khớp, nhức 2 hố mắt… Nếu mắc các triệu chứng trên, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Bởi SXH có thể biến chứng nặng nề, nguy hiểm đến tính mạng, như: Xuất huyết trên da, mũi miệng, phổi, tiêu hóa, não…; suy các tạng: Gan, tuần hoàn, hô hấp; tràn dịch màng phổi, viêm phổi…
Để phòng chống bệnh SXH, người dân cần tích cực thực hiện các biện pháp phòng bệnh là diệt muỗi, lăng quăng và phòng chống muỗi đốt. Người dân cần dọn dẹp sạch sẽ, tạo không gian thoáng đãng ở nơi làm việc, sinh sống từ trong nhà đến xung quanh nhà; không để đọng nước làm phát sinh lăng quăng, muỗi (lật úp các xô, lọ, chai cũ không dùng đến; cọ rửa và thay nước lọ hoa, dọn dẹp mái hiên, nóc nhà, máng xối… để tránh muỗi đẻ trứng và phát sinh lăng quăng). Người dân có thể sử dụng bình xịt, hương muỗi, thuốc xịt hoặc thoa để xua muỗi, mặc quần áo dài tay, mắc màn khi ngủ kể cả ban ngày để tránh muỗi đốt; cho người bị SXH nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác; tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất để phòng, chống dịch SXH.
Nguyễn Hoa
- Sốt xuất huyết tăng 97%, chuyên gia khuyến cáo những dấu hiệu cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế sớm
- Sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, Bộ Y tế khuyến cáo cách phòng bệnh
- Các biện pháp tự nhiên tránh muỗi đốt phòng sốt xuất huyết đơn giản, hiệu quả
- Sốt xuất huyết dễ trở nặng hơn khi từng nhiễm COVID-19
- Đã có hơn 43.600 ca mắc, 22 người tử vong vì sốt xuất huyết: Bộ Y tế tiếp tục yêu cầu quyết liệt phòng chống
- Bác sĩ chỉ cách hạ sốt an toàn cho trẻ sốt xuất huyết
Liên kết website
Ý kiến ()