Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:55 (GMT +7)
Chủ động phòng chống bệnh lây từ động vật sang người
Thứ 5, 11/04/2024 | 07:52:07 [GMT +7] A A
Hiện nay, trên thế giới đang phải đương đầu với sự xuất hiện và lan truyền của nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Tại Hội nghị trực tuyến ngày 27/3/2024, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Khoảng 75% các dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi là các bệnh lây truyền từ động vật sang người hoặc có nguồn gen từ bệnh của động vật. Việt Nam là một trong những điểm nóng về dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó có dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người, như cúm A(H5N1), SARS, dại, than, dịch hạch, ký sinh trùng…
Trong những năm qua, bệnh cúm gia cầm và bệnh dại thường xuyên xảy ra tại Việt Nam, trong đó bệnh dại là một trong những bệnh truyền nhiễm lưu hành có số ca tử vong cao nhất.
Cụ thể, năm 2023, cả nước ghi nhận 82 trường hợp tử vong do bệnh dại (tăng 12 ca so với năm 2022); riêng gần 3 tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 27 trường hợp tử vong, cao hơn gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2023 (10 trường hợp). Ðáng chú ý, gần đây xuất hiện các trường hợp mắc bệnh có thời gian ủ bệnh ngắn, từ 10-15 ngày, trong đó nhiều trường hợp là trẻ em dưới 5 tuổi, bị chó, mèo cắn ở vùng đầu, mặt, gây thương tích nặng ở khu vực gần thần kinh trung ương.
Bệnh cúm gia cầm trên người (cúm A-H5N1) không ghi nhận ca mắc mới kể từ năm 2014, nhưng trong tháng 8/2022 và tháng 3/2024 đã ghi nhận hai trường hợp mắc mới, trong đó có 1 trường hợp tử vong tại tỉnh Khánh Hòa vào ngày 23/3/2024 vừa qua. Tích lũy từ năm 2003 đến nay, cả nước ghi nhận 128 người nhiễm cúm A(H5N1), trong đó có 65 người tử vong (50,8%).
Đặc biệt, ngày 6/4/2024, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng đã xác nhận ca mắc cúm A/H9 đầu tiên tại Việt Nam là bệnh nhân nam, 37 tuổi, cư trú tại xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Theo kết quả điều tra dịch tễ, nơi bệnh nhân sinh sống thuộc khu chợ buôn bán gia cầm, đồng thời trước cửa nhà bệnh nhân có buôn bán gia cầm...
Tại Quảng Ninh, từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình dịch bệnh dại trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp. Đến nay đã ghi nhận 5 ổ dịch dại trên động vật (Đầm Hà 3, Hạ Long 1, Bình Liêu 1) tăng 3 ổ dịch so với cùng kỳ năm 2023. Toàn tỉnh ghi nhận 1.165 trường hợp bị chó, mèo cắn (tăng 47,15% so với cùng kỳ năm 2023), 34 người bị chó dại cắn, 98 trường hợp được chỉ định tiêm huyết thanh kháng dại (tăng gần 2 lần so với cùng kỳ 2023).
Các chuyên gia y tế cho biết, thời điểm hiện tại đang là giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thay đổi bất thường chính là điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển, gia tăng sự tương tác giữa các chủng vi rút cúm, cùng nguy cơ lây nhiễm sang các loài động vật có vú. Vì vậy, thời gian tới vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm các chủng vi rút cúm gia cầm sang người. Bệnh cúm gia cầm trên người hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vắc-xin phòng bệnh.
Để phòng, chống các bệnh lây từ động vật sang người, thời gian qua, các địa phương, các ngành chức năng của tỉnh đã xác định và thiết lập các vùng an toàn dịch bệnh; chủ động giám sát, phát hiện dịch bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, bệnh dại… để kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm những ổ dịch phát sinh tại cộng đồng. Đồng thời, rà soát, tổ chức tiêm phòng, tiêm bổ sung vắc-xin phòng bệnh trên các loài vật nuôi; tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép qua biên giới…
Theo Sở Y tế, với nguồn bệnh lây truyền từ động vật, việc kiểm soát nguồn lây khó khăn nên công tác phòng, chống và kiểm soát các bệnh lây truyền từ động vật sang người không chỉ dựa vào nỗ lực của ngành Y tế mà cần sự phối hợp liên ngành một cách chủ động, chặt chẽ, thường xuyên. Đồng thời cần sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương các cấp, ban, ngành liên quan và đặc biệt là sự tham gia chủ động của người dân, cộng đồng.
Bảo Bình
Liên kết website
Ý kiến ()