Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:31 (GMT +7)
Chủ động nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển
Thứ 4, 11/05/2022 | 08:27:49 [GMT +7] A A
Với quan điểm động lực quan trọng nhất của sự tăng trưởng kinh tế bền vững chính là con người, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh Quảng Ninh đã nhanh chóng chỉ đạo các ngành, đơn vị, doanh nghiệp chủ động xây dựng phương án đảm bảo nguồn lao động. Cùng với phòng chống dịch hiệu quả, việc ôn định nguồn nhân lực là giải pháp quan trọng góp phần giữ vững sức khỏe sản xuất, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, thực hiện thắng lợi mục tiêu kép năm 2022 của tỉnh.
Nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao luôn được Quảng Ninh xác định là một trong 3 đột phá chiến lược, là yếu tố quan trọng, nền tảng vững chắc tạo đà cho sự phát triển bền vững. Ngay từ rất sớm, tỉnh đã quan tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao với việc ban hành cơ chế, chính sách riêng, nhằm thu hút lao động và phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn. Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền các cấp đều nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác phát triển nguồn nhân lực, từ đó có sự quan tâm đúng mức, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và đầu tư nguồn lực tài chính phù hợp cho nhiệm vụ này.
Điển hình như ngành LĐ-TB&XH, để thực hiện triệt để công tác đào tạo nguồn nhân lực, Sở đã chủ động xây dựng các kịch bản, phương hướng và tăng cường liên kết đào tạo nghề trong điều kiện bình thường mới. Trong đó phải kể đến các hoạt động như hợp tác quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp; đổi mới công tác tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh và định hướng nghề nghiệp; phát huy vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong giáo dục nghề nghiệp; gắn kết tuyển sinh, đào tạo với thị trường lao động, việc làm; tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp… Ngành cũng đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động... thông qua đầu mối là Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. Năm 2022, Sở LĐ-TB&XH đặt mục tiêu đào tạo nghề cho 38.500 người, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 85,85%, trong đó tỷ lệ có bằng cấp, chứng chỉ đạt 47,5%.
Tương tự, với ngành du lịch, trước khi dịch bùng phát, du lịch Quảng Ninh có khoảng 63.000 lao động, trong đó có 26.000 lao động trực tiếp. Qua khảo sát, lao động trực tiếp của du lịch Quảng Ninh hiện còn khoảng 16.000, như vậy gần 10.000 người đã bỏ việc. Do đó, ngay trong giai đoạn chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, Sở Du lịch đã thực hiện hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp theo các nghị quyết của Chính phủ và của tỉnh để duy trì lực lượng lao động du lịch. Riêng trong năm 2021, sở đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt danh sách, kinh phí hỗ trợ cho 684 hướng dẫn viên du lịch bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 với tổng số tiền là 2,5 tỷ đồng; hỗ trợ giảm phí 50% cho 126 hồ sơ thủ tục hành chính liên quan đến cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành, phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch.
Trong năm 2022, Sở Du lịch tiếp tục thu hút lao động tuyển dụng ngành du lịch thông qua kết nối trực tuyến, ngày hội việc làm tại các địa phương, kết nối doanh nghiệp du lịch với cơ sở đào tạo để các doanh nghiệp đặt hàng theo nhu cầu. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện các giải pháp thu hút học sinh, sinh viên học nghề du lịch; nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập, đặc biệt là kỹ năng nghề; bố trí sinh viên tham gia phục vụ các hội nghị, hội thảo, sự kiện, thực tập tại doanh nghiệp du lịch vào thời vụ du lịch, thời điểm đông khách đảm bảo đúng chuyên ngành được học để giúp sinh viên dễ tiếp cận.
Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp triển khai, thực hiện các bộ tiêu chuẩn nghề du lịch Việt Nam; kết nối cơ sở đào tạo với doanh nghiệp du lịch; tổ chức hội thi nghiệp vụ du lịch nhằm vinh danh doanh nghiệp, lao động tiêu biểu, tạo cơ hội cho người lao động học hỏi kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, gắn bó với nghề.
Bên cạnh giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động giới thiệu việc làm, “chìa khóa” để thu hút và giữ chân người lao động lựa chọn gắn bó lâu dài với doanh nghiệp phải kể đến các chế độ đãi ngộ hấp dẫn, giải pháp bảo đảm sự an toàn trong lao động, sản xuất trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19. Điển hình như các chỉ đạo của tỉnh về ưu tiên quỹ đất phát triển nhà ở cho công nhân lao động, người thu nhập thấp ở khu vực đô thị. Tiêu biểu, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã đầu tư xây dựng khoảng 30 dự án nhà ở tập thể, trên 2.700 căn hộ, đáp ứng chỗ ở gần 8.000 công nhân. Tổng Công ty Đông Bắc hiện đã đầu tư xây dựng 2 khu nhà ở tập thể công nhân, với tổng số hơn 1.000 căn nhà chung cư, đủ đáp ứng chỗ ở cho trên 4.500 công nhân.
Còn tại KCN Hải Yên (TP Móng Cái), hiện đã có khoảng 4.000 công nhân được đáp ứng chỗ ở tại 4 khối nhà ở tập thể 5 tầng được đơn vị đầu tư xây dựng... Ngày 24/3 vừa qua, dự án khu nhà ở công nhân và chuyên gia KCN Đông Mai tại TX Quảng Yên đã được khởi công, Dự án có quy mô 5 tòa nhà 6 tầng với 1.000 căn hộ, đáp ứng được chỗ ở cho khoảng 5.500 người. Mỗi căn hộ có diện tích từ 26-67m2, giá trị từ 185-476 triệu đồng/căn, được đánh giá là phù hợp với thu nhập của công nhân lao động.
Dự báo từ cơ quan chuyên môn, nhu cầu lao động của Quảng Ninh giai đoạn 2021-2030 còn tiếp tục tăng cao. Riêng nhu cầu lao động cần có của tỉnh ước đến năm 2025 là khoảng 798.000 người và đến năm 2030 cần trên 874.000 người. Vì vậy, để đáp ứng được nguồn lao động lâu dài, phù hợp với yêu cầu phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm là một trong những vấn đề hết sức quan trọng. Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang có tác động sâu rộng đến tất cả các lĩnh vực trong đời sống KT-XH, trong đó có lĩnh vực lao động, việc làm. Sự tác động này làm sẽ thay đổi cơ cấu lao động, bản chất và chất lượng của việc làm, vì vậy cần tiếp tục có những giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới.
Hoài Anh
Liên kết website
Ý kiến ()