Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:59 (GMT +7)
Chủ động giám sát, ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ
Thứ 2, 08/08/2022 | 07:14:31 [GMT +7] A A
Bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện lần đầu tiên trên khỉ vào năm 1958, ca bệnh đầu tiên trên người được ghi nhận vào năm 1970 tại Congo. Bệnh đậu mùa khỉ có thể lây từ người sang người khi tiếp xúc gần, lây qua vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và qua tiếp xúc với các vật dụng bị nhiễm mầm bệnh như chăn, ga, gối, đệm.
Bệnh thường diễn biến nặng ở trẻ em, phụ nữ có thai, người bị suy giảm miễn dịch. Thời gian ủ bệnh từ 5-21 ngày (thường từ 6-13 ngày). Bệnh đậu mùa khỉ có các biểu hiện triệu chứng tương tự như bệnh đậu mùa, tuy nhiên hay gặp tổn thương da toàn thân và có hạch to.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên trong năm 2022 phát hiện tại Anh (ngày 13/5), đến ngày 25/7/2022 thế giới đã ghi nhận 16.836 trường hợp mắc bệnh tại 74 quốc gia trên toàn thế giới, trong đó 16.693 ca xuất hiện ở các quốc gia chưa từng ghi nhận ca bệnh, 5 trường hợp tử vong tại châu Phi. Các ca bệnh được phát hiện đều không có tiền sử đi về từ vùng có dịch, các quốc gia ghi nhận ca bệnh chưa từng lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ trước đây. Các trường hợp mắc bệnh được xác định là bị nhiễm vi rút đậu mùa khỉ chủng Tây Phi và có đặc điểm giống chủng vi rút lây truyền từ Nigeria sang một số quốc gia năm 2018, 2019. Tối 23/7/2022, WHO đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu vì làn sóng bùng phát các ca mắc đậu mùa khỉ tại nhiều nước trên thế giới.
Tại Việt Nam đến nay vẫn chưa ghi nhận trường hợp mắc đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh đậu mùa khỉ tiếp tục diễn biến phức tạp, cảnh báo nguy cơ xuất hiện và lây lan tại Quảng Ninh. Bởi Quảng Ninh là nơi có nhiều đầu mối giao thông, thương mại, du lịch và công nghiệp, cảng hàng không quốc tế, cửa khẩu quốc tế và nội địa, có nhiều khách trong nước và nước ngoài đến tham quan, công tác, học tập, du lịch.
Trước các khuyến cáo từ WHO và hướng dẫn từ Bộ Y tế, Sở Y tế Quảng Ninh đã lên kế hoạch, chỉ đạo các đơn vị y tế triển khai các giải pháp phòng dịch đậu mùa khỉ trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là tại các cửa khẩu, các cơ sở khám, chữa bệnh, tăng cường truyền thông trong cộng đồng.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh sẽ là bộ phận thường trực để giám sát, tổng hợp, báo cáo và tham mưu cho Sở Y tế trong công tác phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn tỉnh. Đồng thời phối hợp với Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế giám sát người nhập cảnh qua cửa khẩu, sân bay, cảng biển để phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ bằng cách giám sát thân nhiệt, triệu chứng phát ban có bóng nước cấp tính.
Đặc biệt lưu ý các dấu hiệu: Đau đầu, sốt (>38,5 độ C), nổi hạch (sưng hạch bạch huyết), đau cơ, đau lưng, suy nhược, có yếu tố dịch tễ trong vòng 21 ngày. Các trường hợp có các dấu hiệu này sẽ được đưa đến những cơ sở y tế có khu cách ly để được kiểm tra, theo dõi; lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm 100% các ca nghi ngờ, đặc biệt chú trọng các ca từ vùng dịch đến.
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong tỉnh tích cực sàng lọc, ghi nhận, phát hiện các dấu hiệu cảnh báo về các trường hợp nghi ngờ; xây dựng kế hoạch thu dung, cách ly và điều trị bệnh nhân, duy trì hoạt động thường xuyên của bệnh viện khi có dịch, hạn chế tử vong khi có bệnh nhân, thông báo kịp thời cho trung tâm y tế cùng cấp để điều tra, xử lý ổ dịch.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Sở đã huy động mạng lưới truyền thông giáo dục sức khỏe của ngành, mạng lưới cộng tác viên dân số, tình nguyện viên tham gia chương trình sức khỏe cộng đồng; đặc biệt là vai trò rất quan trọng của các cơ quan truyền thông trong tuyên truyền phòng dịch bệnh đậu mùa khỉ đến từng hộ dân. Qua công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 vừa qua đã cho thấy ý thức của mỗi người dân trong phát hiện, phòng chống dịch là rất quan trọng. Chúng tôi hy vọng tiếp tục nhận được sự phối hợp tích cực của người dân trong phòng bệnh đậu mùa khỉ.
Nguyễn Hoa
- Ấn Độ giúp Việt Nam đào tạo chuyên gia phòng chống bệnh đậu mùa khỉ
- Mỹ chính thức tuyên bố dịch đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng
- Tính hiệu quả và mức độ sẵn có của vaccine đậu mùa khỉ hiện nay
- Các nước châu Âu đối phó bệnh đậu mùa khỉ
- Đều có bóng nước trên da, làm sao để phân biệt đậu mùa khỉ và thuỷ đậu?
Liên kết website
Ý kiến ()