Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 15:16 (GMT +7)
Chủ động đề phòng thời tiết cực đoan
Thứ 7, 11/05/2024 | 21:54:11 [GMT +7] A A
Biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, kéo theo là hiện tượng thời tiết cực đoan, bất thường. Việc chủ động các phương án, biện pháp ứng phó kịp thời với những hiện tượng thời tiết nguy hiểm cần đặc biệt coi trọng.
Từ đầu năm đến nay, tại nhiều địa phương trên cả nước xuất hiện nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, như: Nắng nóng kéo dài, hạn hán; có nơi lại xuất hiện mưa to, giông lốc và mưa đá. Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cũng liên tiếp xảy ra hiện tượng giông, lốc, sấm chớp, mưa đá... gây thiệt hại về người và tài sản. Điển hình, ngày 29/3, một số khu vực thuộc Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí... có mưa giông, lốc, mưa đá. Mặc dù chỉ kéo dài khoảng 20 phút, nhưng đã khiến ngập cục bộ, tốc mái nhà, làm gẫy nhiều cây xanh, đổ cột điện tại một số ví trí. Mới đây, sáng sớm ngày 25/4, trên sông Chanh (TX Quảng Yên) xảy ra vụ lật thuyền nan do giông lốc bất ngờ làm 4 người đi khai thác thủy sản thiệt mạng...
Theo nhận định của các chuyên gia khí tượng thủy văn, mùa hè năm nay, nhiệt độ trung bình sẽ cao hơn trung bình chung nhiều năm và có thể có những đợt nắng nóng cực đoan. Bão, áp thấp nhiệt đới có thể xuất hiện nhiều hơn, hướng di chuyển phức tạp và tập trung nhiều nửa cuối mùa bão...
Để chủ động ứng phó với thiên tai, các địa phương, đơn vị trong tỉnh đã và đang chuẩn bị các phương án cụ thể để phòng, chống những tác động từ thời tiết cực đoan, trong đó chú trọng tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nhân dân chủ động trong sản xuất và có phương án đảm bảo an toàn cho gia đình cũng như hoa màu, nuôi trồng. Nhiều đơn vị đã chủ động các phương án PCTT, như: Ngành Than sớm chỉ đạo các đơn vị coi trọng công tác phòng ngừa, nhận diện nguy cơ, chủ động thực hiện PCTT-TKCN theo phương châm "3 trước, 4 tại chỗ" và "từ sớm, từ xa, từ cơ sở". Để đảm bảo an toàn tối đa cho sản xuất và con người trong mùa mưa bão, ngành Than tăng cường kiểm tra đột xuất việc thực hiện nhiệm vụ PCTT-TKCN tại các đơn vị, trọng tâm là kiểm tra bề mặt địa hình tại các khai trường, ngoài mặt bằng và địa hình mặt mỏ, khu vực nước mặt có nguy cơ ảnh hưởng đến các công trình mặt bằng và hầm lò cũng như mặt bằng công nghiệp, nhà xưởng vật kiến trúc...
Ngành GT-VT chủ động công tác PCTT, trong đó đã xây dựng kế hoạch, thực hiện kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN; phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh nắm tình hình diễn biến thời tiết; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong ngành, nhà đầu tư hạ tầng giao thông trên địa bàn tổ chức kiểm điểm, đánh giá, rút kinh nghiệm và lập kế hoạch, phương án cụ thể triển khai nhiệm vụ phòng chống mưa bão. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, đánh giá hiện trạng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy nội địa; xác định các vị trí xung yếu, có nguy cơ sạt lở cao, đề xuất phương án khắc phục; kiểm tra hệ thống thoát nước đảm bảo thông thoát khi có mưa lớn... Đặc biệt, đối với các vị trí đèo dốc, xung yếu có khả năng sụt trượt, các đơn vị quản lý rà soát để sửa chữa mặt đường bị hư hỏng; bổ sung, sơn sửa cọc tiêu, biển báo hiệu và xây dựng kế hoạch phân luồng giao thông, huy động nhân lực, vật tư thiết bị, dự phòng nguyên vật liệu tại các vị trí trung tâm, dễ lấy, dễ vận chuyển để sẵn sàng ứng phó với diễn biến thiên tai với mục tiêu khắc phục thiệt hại phải đảm bảo nhanh nhất, hiệu quả, an toàn và đúng quy định.Đối với các dự án giao thông đang được triển khai, các chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng phương án cụ thể, sát thực tế để chủ động phòng chống mưa bão; quan tâm yếu tố thoát nước, xử lý những mái taluy âm dương có nguy cơ sạt lở cao tại các vị trí thi công gần khu dân cư...
Với mạng lưới đường thủy nội địa đa dạng trải khắp toàn tỉnh, đan xen nhiều nhiều luồng tuyến vận tải hàng hóa và hành khách, bước vào mùa mưa bão cũng là cao điểm du lịch hè, các lực lượng chức năng đang tăng cường giải pháp bảo đảm TTATGT trên các tuyến đường thủy. Bên cạnh siết chặt công tác tuần tra bảo đảm TTATGT đường thủy phục vụ nhân dân, du khách, lực lượng cảnh sát đường thủy (Công an tỉnh) tăng cường tuyên truyền, cảnh báo đến ngư dân, người điều khiển phương tiện nâng cao cảnh giác trước các hiện tượng thời tiết cực đoan có thể xảy ra... Lực lượng cũng tổ chức tổng rà soát điều kiện an toàn kỹ thuật, trang thiết bị cứu sinh, cứu đắm, phương án PCCC trên tất cả các phương tiện phục vụ hành khách; yêu cầu chủ các phương tiện niêm yết các pa nô hướng dẫn cứu sinh thoát hiểm ở những nơi hành khách dễ quan sát. Theo Trung tá Nguyễn Văn Thìn, Đội trưởng Đội CSGT Đường thủy, Phòng CSGT (Công an tỉnh), hiện trên toàn tuyến đường thủy của Quảng Ninh có 63 điểm tránh trú bão. Đơn vị đã điều tra cơ bản và in ra thành tờ rơi phát cho tất cả các phương tiện hoạt động động trên tuyến đường thủy Quảng Ninh nắm bắt để chủ động ứng phó khi có thiên tai bất thường...
Ngoài ra, các ngành chức năng của tỉnh cũng tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các công trình công cộng trên địa bàn tỉnh; tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân nắm bắt thông tin dự báo, cảnh giác với thiên tai, tổ chức sản xuất theo hướng sử dụng cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên và đặc điểm thiên tai từng vùng, thích ứng với biến đổi khí hậu...
Tại Hội nghị tổng kết công tác PCTT - TKCN năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024, tỉnh tổ chức mới đây, đồng chí Nghiêm Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT - TKCN và PTDS tỉnh, đã yêu cầu các đơn vị, địa phương nêu cao tinh thần, trách nhiệm của người đứng đầu, lấy phương châm "3 trước, 4 tại chỗ" làm chủ đạo, bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân trong mùa mưa bão; tiếp tục kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp; rà soát an toàn về cơ sở hạ tầng, trong đó có các hồ chứa, các công trình xây dựng; đẩy mạnh rà soát, căn cứ tình hình thực tiễn xây dựng kế hoạch, phương án hiệp đồng, ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai với từng loại hình, từng tình huống thiên tai cụ thể có thể xảy ra đảm bảo sát thực tế, nhất là phương án ứng phó bão mạnh, mưa lớn, sạt lở đất, lũ quét. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận và xuyên suốt từ tỉnh đến các thôn, bản, góp phần nâng cao năng lực thích ứng, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra; nâng cao năng lực xử lý tình huống, sự cố, chỉ huy, điều hành tại chỗ để ứng phó thiên tai đạt hiệu quả, tuyệt đối tránh tư tưởng chủ quan.
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()