Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 14:21 (GMT +7)
Bình Liêu: Chủ động đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
Thứ 6, 23/06/2023 | 14:31:39 [GMT +7] A A
Quán triệt, thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên địa bàn biên giới là vấn đề cấp thiết, đang được cấp ủy, chính quyền và các lực lượng trong tỉnh đẩy mạnh, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Ghi nhận tại huyện Bình Liêu, địa phương có đường biên giới dài trên 43,1km với 96% là đồng bào dân tộc thiểu số.
Từ lâu, những người dân ở thôn Nà Sa (xã Hoành Mô) như gia đình ông Hoàng Kim Hưởng đã quen với các cuộc thăm hỏi của các cán bộ địa phương tại nhà. Những cán bộ biên phòng, công an, hải quan, bí thư - trưởng thôn, thường đến để hỏi han sức khỏe, đời sống, công ăn việc làm của các thành viên trong gia đình ông Hưởng; phổ biến một vài thông tin mới về tình hình an ninh, quốc phòng, kinh tế - chính trị - xã hội trên địa bàn xã Hoành Mô cũng như huyện Bình Liêu. Được tiếp nhận thông tin trực tiếp bằng tiếng địa phương với cách truyền đạt dễ hiểu, ông Hưởng và các thành viên gia đình rất nhanh đã nắm bắt được nội dung tuyên truyền.
"Ở thôn này, sóng điện thoại và internet đôi khi không tốt lắm, người dân chúng tôi cũng không có thói quen thường xuyên xem tivi hay đọc báo, nên nhiều chủ trương mới của Đảng, Nhà nước và địa phương, gia đình không nắm được. Được các cán bộ đến nhà thường xuyên trao đổi, cung cấp thêm thông tin mới, tuyên truyền, vận động bà con không tiếp tay cho các đối tượng xấu, gây rối ANTT trên địa bàn, dân chúng tôi cũng hiểu và làm theo" - Ông Hoàng Kim Hưởng cho biết.
Theo ông Bùi Xuân Chiều, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nà Sa, người dân trong thôn sử dụng điện thoại chủ yếu để nhắn tin, gọi điện, không nhiều người biết khai thác mạng internet. Số ít sử dụng mạng internet vào mục đích giải trí, không chủ động tiếp cận thông tin tuyên truyền qua mạng xã hội hay các phần mềm, nhóm zalo của địa phương. Xác định được yếu tố đặc thù này, các lực lượng biên phòng, công an, hải quan và cấp ủy, chính quyền địa phương chủ yếu dùng hình thức xuống dân, tuyên truyền, vận động trực tiếp, góp phần tăng cường tình cảm gắn bó tự nhiên giữa cán bộ và nhân dân, tạo thuận lợi cho các hoạt động tuyên truyền, bảo vệ nền tảng, tư tưởng của Đảng.
Người dân trên xã Hoành Mô nói riêng, huyện Bình Liêu nói chung còn được hỗ trợ triển khai các mô hình kinh tế, phát triển đời sống nhân dân. Các chương trình hỗ trợ bà con phát triển kinh tế được "trợ lực" bằng nhiều chính sách, điển hình là Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Tỉnh ủy “Về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.
Thực hiện Nghị quyết này cùng nhiều chính sách giảm nghèo, đến hết năm 2022 huyện Bình Liêu chỉ còn 154 hộ nghèo, hộ cận nghèo; thu nhập bình quân đạt hơn 62 triệu đồng/người/năm, phấn đấu đến năm 2025 đạt 100 triệu đồng/người. Huyện hiện không còn nhà ở tạm, nhà dột nát, 11 thôn đủ điều kiện ra khỏi diện đặc biệt khó khăn; 100% hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, sử dụng điện đảm bảo an toàn, chất lượng.
An sinh xã hội được quan tâm, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện là yếu tố quan trọng để huyện triển khai thuận lợi các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là thực hiện công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên địa bàn thời gian qua.
Từ tháng 5/2019-3/2022, các cấp ủy và Ban Chỉ đạo 35 huyện đã ban hành 7 kế hoạch để triển khai Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị "Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới", Chỉ thị số 42-CT/TU ngày 4/8/2020 của BTV Tỉnh ủy "Về tăng cường công tác lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong đấu tranh ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ, triệt phá thông tin giả, sai sự thật, xấu, độc trên không gian mạng về tỉnh Quảng Ninh", đảm bảo phù hợp với thực tiễn địa bàn. Các chi, đảng bộ cơ sở, các cơ quan, ban, ngành cũng chủ động triển khai các kế hoạch gắn với nhiệm vụ chuyên môn; chú trọng các nhiệm vụ về công tác tư tưởng, thông tin tuyên truyền, bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ biên giới, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Huyện duy trì hoạt động tài khoản mạng xã hội facebook, zalo của Ban Chỉ đạo 35 huyện, chủ yếu chia sẻ những bài viết thuộc chuyên mục "Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng" trên Tạp chí Tuyên giáo; chuyên mục "Chống diễn biến hòa bình", "Phòng chống tự diễn biến, tự chuyển hóa" của báo Quân đội Nhân dân, các bài viết của "Tuyên giáo Quảng Ninh"... Ban CHQS huyện thiết lập các chuyên mục, website, blog, facebook đăng bải các tin, bài, bình luận ủng hộ các quan điểm đúng đắn, đấu tranh các quan điểm sai trái; mở rộng liên kết các trang như "Hạ Long muôn màu", "Hoa sim biên giới Bình Liêu", "Đất và người Quân khu 3", "Vững tin theo Đảng"...
Huyện chỉ đạo đẩy mạnh công tác lý luận chính trị và bồi dưỡng, giáo dục bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Theo ông Dương Ngọc Khoa, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy, từ năm 2019 đến nay, huyện tổ chức gần 100 lớp bồi dưỡng lý luận chính trị, nghiệp vụ, chuyên đề cho khoảng 7.200 học viên. Đây là lực lượng chủ công trong công tác phòng ngừa, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch theo tinh thần Nghị quyết số 35-NQ/TW. Thời gian tới, huyện sẽ tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng 35 cấp cơ sở, cộng tác viên của Ban Chỉ đạo 35; trong đó tập trung tập huấn, hướng dẫn cách thức đấu tranh phản bác các quan điểm, thông tin sai trái trên internet, mạng xã hội.
Hoàng Yến
Liên kết website
Ý kiến ()