Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 16:40 (GMT +7)
Đảm bảo an toàn mùa mưa bão
Thứ 7, 23/07/2022 | 07:40:37 [GMT +7] A A
Theo dự báo của cơ quan chuyên môn, năm 2022, thời tiết, khí hậu, đặc biệt là mưa bão có diễn biến thất thường, với hướng di chuyển phức tạp. Để chủ động phòng chống thiên tai, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản, nhất là trong mùa mưa bão, tỉnh Quảng Ninh đã và đang chủ động triển khai nhiều giải pháp.
Chủ động phòng chống thiên tai từ cơ sở
Theo ghi nhận tại TP Hạ Long, địa bàn có nhiều điểm xung yếu về sạt lở, ngập lụt điển hình như: Một số khu vực có nguy cơ sạt lở cao ở ta luyhai bên cao tốc Hạ Long - Vân Đồn; sạt lở trên các tuyến đường giao thông đi các xã Đồng Lâm, Đồng Sơn, Kỳ Thượng; khu vực sườn đồi của các xã vùng cao, khu vực xung quanh Dự án khu đồi ngân hàng, Dự án đồi thủy sản Bãi Cháy; khu vực mái taluy dương hai bên đường dẫn lên cầu Tình Yêu (phường Giếng Đáy); ngập lụt tại các khu vực xung quanh nghĩa trang An Lạc Viên; các điểm nguy cơ ngập lụt cục bộ, lũ ống, lũ quét và sạt lở đất tại các xã, phường: Hà Khánh, Bãi Cháy, Hà Lầm, Cao Thắng, Hà Khẩu, Bằng Cả, Thống Nhất, Đồng Lâm, Đồng Sơn, Kỳ Thượng...
Để chủ động ứng phó với mưa bão, áp thấp... thành phố đã huy động sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, đoàn thể, nhân dân và các đơn vị chủ lực trên địa bàn; thực hiện quán triệt và nghiêm túc phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện, kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ); “3 sẵn sàng” (chủ động phòng tránh; đối phó kịp thời; khắc phục khẩn trương, có hiệu quả).
Cùng với đó, tăng cường rà soát, quản lý chặt chẽ, chính xác số lượng, vị trí các khu vực xung yếu dễ xảy ra sạt lở, ngập lụt trên toàn địa bàn thành phố; theo dõi sát lượng tàu thuyền, thuyền viên và ngư trường hoạt động khai thác tại các vị trí, tọa độ; rà soát, đánh giá tình trạng của toàn bộ phương tiện, vật tư trang thiết bị liên quan đến phòng chống thiên tai (PCTT), tìm kiếm cứu nạn (TKCN) và PCCC để sẵn sàng, chủ động khi có tình huống thiên tai xảy ra trên địa bàn.
Ông Nguyễn Tuấn Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hạ Long, cho biết: Để chủ động ứng phó với bất thường của thời tiết, phòng chống thiên tai, thành phố đã xây dựng kế hoạch, kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN để thống nhất công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt, thành phố đã khoanh vùng “điểm nóng” tại các khu vực trên biển và khu vực trên bờ có nguy cơ sạt lở đất đá, ngập lụt; các khu vực đê, kè chắn sóng; hồ đập và khu vực dễ xảy ra nguy cơ lốc xoáy để xử lý và bố trí người, trang thiết bị sẵn sàng ứng trực 24/24h. Trong đó, đã phân công lực lượng vũ trang của thành phố là đơn vị nòng cốt trong công tác PCTT&TKCN trên địa bàn.
Còn tại Vân Đồn, UBND huyện tổ chức họp Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện triển khai công tác ứng phó với áp thấp nhiệt đới, bão; giao nhiệm vụ cụ thể cho thành viên Ban Chỉ huy, Chủ tịch UBND xã, thị trấn, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chủ động rà soát, kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân sống trên các bè nuôi trồng thủy sản, tàu thuyền lên bờ tránh trú an toàn; quán triệt nhiệm vụ kiên quyết cưỡng chế đối với người dân chây ì tại bè, thuyền không chịu lên bờ tránh trú bão. Đồng thời, chỉ đạo và trực tiếp kiểm tra hoạt động hệ thống hồ đập, các công trình thuỷ lợi, đê kè, có phương án chủ động tu bổ, sửa chữa; chủ động kiểm tra các điểm xung yếu có nguy cơ sạt lở, ngập lụt để có phương án di dân ra khỏi vùng nguy hiểm...
Riêng đối với những điểm hay xảy ra sạt lở, ngập lụt cục bộ làm ảnh hưởng đến người dân, hoa màu tại các vị trí, như: Tuyến đường 334, khu vực thôn Đầm Tròn (xã Bình Dân), khu vực thôn Xuyên Hùng (xã Đài Xuyên), khu vực thôn Đài Làng (xã Vạn Yên)... địa phương bố trí nhân lực, vật lực trực địa bàn 24/24h để chủ động đảm bảo an toàn, khắc phục xử lý sau mưa bão, giúp giao thông thông suốt trên các tuyến đường.
Với các biện pháp quyết liệt trong công tác phòng chống lụt bão của Vân Đồn, thiệt hại đã giảm đáng kể. Đặc biệt, trong năm 2021, mặc dù trên địa bàn Quảng Ninh phải hứng chịu 5 cơn bão lớn và ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển Vân Đồn, nhưng trên địa bàn huyện không thiệt hại về người. Các công trình giao thông, thủy lợi, hạ tầng không bị ảnh hưởng lớn.
Tới nay, 13/13 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã xây dựng, triển khai đồng loạt các biện pháp phòng chống lụt bão. Coi phòng chống thiên tai là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Lấy phương châm "3 trước, 4 tại chỗ" làm chủ đạo, bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng, tài sản của người dân.
Huy động tổng lực
Theo dự báo, năm 2022 mưa bão tiếp tục xu hướng bất thường, cực đoan, trái quy luật. Từ tháng 7 đến tháng 9, thời điểm mùa mưa, bão và áp thấp bắt đầu hoạt động ở vùng phía bắc Biển Đông, làm ảnh hưởng trực tiếp đến toàn địa bàn Quảng Ninh. Ngoài sự chủ động của các địa phương, các cấp, ngành, đơn vị cũng đã và đang vào cuộc tích cực thực hiện các phương án đảm bảo an toàn mùa mưa bão, nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.
Theo đó, tỉnh quan tâm chỉ đạo tăng cường quản lý nhà nước, đầu tư tu bổ, sửa chữa hệ thống đê điều trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn 2019-2021, bằng nguồn vốn của Trung ương và của tỉnh, 3 tuyến đê xung yếu là Hà Nam (TX Quảng Yên), Hồng Phong (TX Đông Triều) và Đồng Rui (huyện Tiên Yên) với tổng chiều dài 55km đã được đầu tư sửa chữa kiên cố hóa. Một số dự án neo đậu tránh trú bão cũng đã được khởi công, bước đầu đi vào sử dụng như: Khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng kết hợp cảng cá loại I tại huyện Vân Đồn, sau khi hoàn thành cả dự án, có thể đáp ứng nhu cầu neo đậu, tránh trú bão cho khoảng 1.000 tàu cá công suất đến 1.000CV, đồng thời đáp ứng nhu cầu cập cảng, bốc xếp, giao thương hàng hóa cho ngư dân; dự án Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tại huyện Cô Tô, dự kiến khởi công vào cuối năm 2022, khi hoàn thành có thể đáp ứng nhu cầu tối đa chỗ đỗ tránh trú bão cho 1.200 tàu/800CV...
Cùng với đó, nhiều công trình phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; hệ thống trạm quan trắc mưa tự động tại một số địa phương để quan trắc, cảnh báo mưa lũ sớm; phê duyệt phương án vùng trọng điểm phòng, chống thiên tai trên địa bàn, làm cơ sở để các địa phương, đơn vị thực hiện các giải pháp trước mùa mưa bão... cũng đã được thực hiện.
Công tác đảm bảo an toàn giao thông mùa mưa bão cũng được thực hiện xuyên suốt. Hiện Quảng Ninh đang có 2 tuyến cao tốc là Hạ Long - Hải Phòng và Hạ Long - Vân Đồn. Để hạn chế tối đa tác động của thời tiết đối với hạ tầng 2 tuyến cao tốc, tránh những rủi ro, duy trì giao thông thông suốt ngay cả trong những ngày mưa bão, các đơn vị quản lý đã tiến hành rà soát, nhận định nguy cơ; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn để đánh giá, lập kịch bản giả định những tình huống có thể xảy ra và triển khai các biện pháp khắc phục, xử lý và giải quyết tình huống.
Ngoài ra, Quảng Ninh cũng có 7 tuyến quốc lộ với hơn 492km; 451km đường tỉnh và trên 1.500km đường liên xã, liên thôn. Với việc thường xuyên duy tu, bảo dưỡng và bố trí lực lượng kịp thời đã giúp cho giao thông của tỉnh luôn thông suốt, ít xảy ra ùn tắc cục bộ dẫn đến giảm thiểu được các vụ tai nạn giao thông trong mùa mưa bão.
Ông Nguyễn Thiên Vương, Phó Chánh Văn phòng (Ban ATGT tỉnh), cho biết: Để đảm bảo ATGT trong thời tiết mưa bão, đơn vị đã thành lập đoàn liên ngành thực hiện công tác kiểm tra, giám sát một số tuyến đường có nguy cơ xảy ra sạt lở, nhằm kịp thời sửa chữa, nâng cấp đảm bảo người và phương tiện lưu thông an toàn. Bên cạnh đó, yêu cầu các đơn vị quản lý tuyến đường bố trí nhân lực, vật tư, để kịp thời sửa chữa, ứng phó trước các tình huống xấu nhất xảy ra. Trong năm, Ban ATGT tỉnh đã phối hợp với Sở GTVT tiến hành rà soát các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn mất ATGT để có phương án giải quyết.
Để chủ động phòng, tránh sự cố, tai nạn điện xảy ra trong mùa mưa bão, Công ty Điện lực Quảng Ninh (PC Quảng Ninh) cũng đã chỉ đạo điện lực các địa phương quan tâm công tác đảm bảo an toàn điện, tổ chức ứng trực 24/24h, tăng cường kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó khi có sự cố bất ngờ xảy ra. Công ty cũng tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn khách hàng thực hiện các biện pháp an toàn trong việc lắp đặt dây điện sau thiết bị đo đếm điện năng; tiếp tục triển khai chương trình hiện đại hóa và ngầm hóa lưới điện; lắp đặt dây hỗ trợ chống đứt dây dẫn trung thế ở các vị trí tập trung đông người như các trường học, các chợ... Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng và độ an toàn khi sử dụng, cung cấp điện cho người dân, doanh nghiệp.
Đặc biệt, để chủ động ứng phó tình huống mưa trên địa bàn các địa phương trong mùa mưa bão, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS tỉnh đã đề nghị các ngành, địa phương, đơn vị chủ động các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, tài sản trước những diễn biến của mùa mưa bão.
Theo đó, các địa phương bố trí người gác tại các ngầm giao thông, vị trí ngập, không cho phương tiện và người qua lại khi có lũ, ngập sâu; khơi thông hệ thống thoát nước, dọn dẹp đất đá từ trên cao tràn xuống khu dân cư, đường giao thông, nhất là khu vực đô thị; TKV, Tổng Công ty Đông Bắc triển khai các phương án ứng phó mưa lớn đối với các khu vực khai thác hầm lò, bãi thải, các vùng có nguy cơ sạt lở và chuẩn bị phương tiện sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu; công ty TNHH MTV thủy lợi, các địa phương quản lý hồ chứa kiểm tra, rà soát phát hiện kịp thời sự cố công trình; triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước...
Hiện đang mùa mưa bão, dưới sự tác động của tình trạng biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan thường xuyên xảy ra, không theo quy luật, mức độ nghiêm trọng ngày càng gia tăng. Do vậy, việc dự báo, nắm chắc tình hình, diễn biến của thời tiết, chủ động các phương án, tình huống đối phó sẽ giúp giảm thiểu những thiệt hại do mưa, bão gây ra, góp phần đảm bảo ổn định cuộc sống, sinh hoạt của người dân.
Minh Đức
Liên kết website
Ý kiến ()