Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 16/01/2025 19:16 (GMT +7)
Chủ động chăm sóc, bảo vệ cây trồng vụ đông xuân
Thứ 5, 25/01/2024 | 15:26:33 [GMT +7] A A
Vụ đông xuân năm nay diễn ra trong điều kiện thời tiết biến đổi thất thường, gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất chung. Trước tình hình đó, ngành Nông nghiệp và các địa phương đã nhanh chóng vào cuộc, xây dựng các phương án hướng dẫn người dân trong việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại, đảm bảo sản xuất hiệu quả.
Vụ đông 2023, TX Quảng Yên gieo trồng gần 2.000 ha, trong đó tập trung vào diện tích rau màu đạt trên 1.800ha với các loại có giá trị kinh tế cao, như: Bắp cải, súp lơ, su hào, cà chua, rau cải… Diện tích còn lại là cây lấy củ, cây hoa và cây khác tập trung ở các phường, xã như: Minh Thành, Đông Mai, Cộng Hòa, Tiền An, Quảng Yên, Hiệp Hòa. Hiện nông dân đang triển khai nhiều biện pháp, trong đó chú trọng chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, nhất là việc bón phân, tưới nước, giữ ấm cho rau… theo quy trình VietGAP, nhằm đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, đảm bảo thu hoạch đúng vào dịp Tết.
Tuy nhiên, trong những ngày này, liên tục có những đợt rét đậm, rét hại, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng, TX Quảng Yên đã tăng cường tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của các xã, phường, khuyến cáo bà con nông dân không gieo trồng gối vụ các loại rau màu khi nhiệt độ ngoài trời thấp hơn 15 độ C. Đối với diện tích rau màu đã đến kỳ thu hoạch, thị xã khuyến khích người dân thu hoạch sớm, đúng lứa để đảm bảo năng suất, tránh thiệt hại; sử dụng nilon, rơm, rạ phủ luống, làm vòm che, nhà lưới, nhà màng để phòng chống rét cho các loại cây trồng. Đồng thời, chăm sóc, tưới đủ ẩm theo nhu cầu dinh dưỡng của từng cây trong những ngày rét đậm; bón phân đầy đủ, cân đối để cây trồng khỏe mạnh tăng khả năng chống rét. Những ngày có sương muối, giá buốt, người dân cần phun nước trên mặt lá làm rụng, tan hạt sương tránh hiện tượng cháy lá khi có ánh nắng xuyên qua...
Còn tại TX Đông Triều, địa phương có kế hoạch gieo trồng gần 1.370ha cây vụ đông các loại. Để tăng diện tích, phát huy thế mạnh trồng, sản xuất hoa, cây cảnh, ngay từ khi kết thúc vụ mùa, địa phương đã tranh thủ điều kiện thời tiết ấm áp đầu vụ tiến hành làm đất sớm, kịp thời triển khai sản xuất cây vụ đông, trọng tâm là cây có giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ tốt. Do đó, ngoài hoa và cây cảnh, diện tích cây trồng vụ đông như ngô, khoai lang, củ đậu, khoai tây... cũng được mở rộng thêm. Theo Phòng Kinh tế TX Đông Triều, để triển khai theo đúng khung thời vụ, thị xã đã yêu cầu các xã, phường xây dựng kế hoạch làm đất, cung ứng các loại vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng chất lượng cho người dân. Đồng thời, thực hiện kiên cố hóa kênh mương, làm tốt công tác thủy lợi nội đồng, gia cố các trạm bơm, cầu cống đáp ứng yêu cầu sản xuất; liên tục theo dõi diễn biến thời tiết để khuyến cáo người dân bám sát lịch thời vụ, xây dựng phương án tưới, tiêu nước phục vụ sản xuất cũng như quá trình sinh trưởng, phát triển của cây màu; xây dựng kế hoạch tiêu thụ cho từng vùng cụ thể.
Vụ đông xuân 2023-2024, toàn tỉnh gieo trồng khoảng 31.740ha. Trong đó, lúa xuân trên 15.000ha, ngô gần 4.600ha, rau xanh các loại trên 7.000ha… Đến thời điểm này, tổng diện tích gieo trồng cây vụ Đông ước đạt gần 7.700 ha, đạt 100% kế hoạch. Hiện nay cây vụ đông đã thu hoạch được khoảng 7.220 ha (chủ yếu rau các loại, ngô, tương, khoai lang, lạc) ước đạt 93,9%, những cây còn lại như khoai tây, hoa và cây khác... tiếp tục chăm sóc, chuẩn bị thu hoạch.
Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn Quảng Ninh, thời tiết có nền nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 0,5-1,5 độ C, không khí lạnh hoạt động yếu hơn TBNN, số ngày rét đậm, rét hại ít hơn so với TBNN và các đợt rét đậm, rét hại có xu hướng không kéo dài. Lượng mưa xấp xỉ và cao hơn TBNN. Diễn biến thời tiết phức tạp sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của các loại cây trồng và tình hình phát sinh, gây hại của các đối tượng sinh vật hại. Để chủ động phòng chống các đối tượng sinh vật gây hại trên cây trồng, bảo vệ an toàn cho sản xuất, hạn chế thấp nhất thiệt hại do sinh vật hại gây ra, góp phần đảm bảo năng suất, sản lượng và nâng cao chất lượng nông sản, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT) đã xây dựng phương án bảo vệ thực vật vụ đông xuân 2023-2024.
Ông Trần Văn Thực, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, cho biết: Từ đầu vụ đến nay, nông dân ở các địa phương trong tỉnh đã đẩy nhanh tiến độ gieo trồng cây màu vụ đông và tích cực chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại. Phần lớn diện tích cây màu vụ đông đã gieo trồng đang sinh trưởng, phát triển tốt. Hiện, Chi cục đang tích cực phối hợp với các địa phương tổ chức hướng dẫn nông dân thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật sản xuất, sơ chế và bảo quản nông sản. Khuyến khích người dân đầu tư ứng dụng quy trình tưới nước tiết kiệm, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”. Đồng thời, hướng dẫn người dân sản xuất cây màu vụ đông theo quy trình VietGAP, sử dụng phân bón theo nguyên tắc “5 đúng, 1 cân đối”. Đơn vị cũng sẽ thường xuyên tổ chức thực hiện công tác điều tra, dự tính dự báo để phát hiện sớm các đối tượng sâu bệnh và chủ động trong công tác phòng trừ.
Đối với cây ăn trái, Chi cục sẽ tham mưu cho Sở cùng với các địa phương đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng; đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi liên kết với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu để bao tiêu sản phẩm, hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn cho nhà vườn, hợp tác xã, tổ hợp tác cách quản lý sâu bệnh hại trên cây ăn trái, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả, vệ sinh vườn, tỉa cành, tạo tán, hướng dẫn ghi chép sổ tay nhật ký canh tác tại các vùng trồng có gắn kết với doanh nghiệp. Đồng thời, hướng dẫn nông dân dự trữ nước trong các kênh, mương, có biện pháp tích nước tối đa trước khi mùa khô tới và sử dụng hiệu quả phương pháp tưới tiết kiệm.
Dương Hà
Liên kết website
Ý kiến ()