Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 21:31 (GMT +7)
Vân Đồn chủ động các phương án “3 trước, 4 tại chỗ”
Thứ 7, 19/06/2021 | 09:38:50 [GMT +7] A A
Với phương châm “phòng là chính”, huyện Vân Đồn luôn tích cực, chủ động, quyết liệt, nghiêm túc trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN). Việc triển khai từ các đơn vị, địa phương, đặc biệt là LLVT đóng quân trên địa bàn, luôn trách nhiệm, rõ ràng, ứng cứu nhanh, kịp thời, hiệu quả, với phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”.
Chuẩn bị sớm các phương án
Mùa mưa bão năm nay ở Việt Nam bắt đầu với cơn bão số 2. Mặc dù theo dự báo không ảnh hưởng trực tiếp đến Quảng Ninh, nhưng là một huyện đảo, ngay từ sớm UBND huyện Vân Đồn đã chủ động ban hành công điện về việc theo dõi diễn biến và chủ động các biện pháp phòng chống, tránh bị động, bất ngờ.
Nhìn lại năm 2020, năm điển hình cho tính chất phức tạp, cực đoan, bất thường của thiên tai. Từ đầu năm, mưa to kèm dông lốc vào các thời điểm rất hiếm khi xảy ra, thậm chí chưa từng xảy ra. Tại huyện Vân Đồn, cơn bão số 2, số 7 và đợt mưa lớn kéo dài vào đầu tháng 8 đã gây ngập úng cục bộ một số khu dân cư trên địa bàn thị trấn Cái Rồng, dọc tuyến đường 334, khu vực cánh đồng thôn Đầm Tròn (xã Bình Dân), sạt lở đất đá mái ta luy tuyến đường nối xã Đông Xá và khu tái định cư xã Đoàn Kết. Tuy nhiên, nhờ có sự chủ động, tích cực kịp thời, linh hoạt, cương quyết và sát thực tiễn, bám địa bàn của lãnh đạo huyện, sự hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng, Vân Đồn không bị thiệt hại lớn về mưa bão.
Hiện tại, dù mới bước vào đầu mùa mưa bão năm 2021, nhưng với những diễn biến được dự báo còn phức tạp hơn so với năm 2020, huyện đã chủ động rà soát, nắm tình hình, xác định các điểm xung yếu, trọng điểm để có phương án đề phòng ngay từ sớm.
Ông Từ Tú Dương, Trưởng Phòng NN&PTNT, Phó trưởng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và Phòng thủ dân sự (PTDS) huyện Vân Đồn, cho biết: Hệ thống đê, đập, kè trên địa bàn huyện đã được đầu tư củng cố. Tuy nhiên, khi có mưa bão, triều cường dâng cao vẫn có thể xảy ra sạt lở, rò rỉ hoặc nước lũ tràn qua mặt đập, nguy cơ gây vỡ đập, sạt lở kênh mương, hư hỏng các tuyến đường giao thông... Nhiều khu vực có nguy cơ xảy ra lốc xoáy, ngập lụt hoặc xảy ra đắm tàu, thuyền, vỡ bè nuôi trồng thuỷ sản. Nhiều vị trí ngập lụt cục bộ trên tuyến đường 334, khu vực thôn Đầm Tròn, xã Bình Dân, khu vực thôn Xuyên Hùng, xã Đài Xuyên.
Phát huy sức mạnh tổng hợp
Trước tình hình đó, ngay từ đầu năm, huyện đã kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS từ huyện đến cơ sở; xây dựng kế hoạch và tổ chức luyện tập phương án PCTT-TKCN&PTDS. Phát huy sức mạnh tổng hợp, lấy lực lượng, phương tiện tại chỗ là chính, phát huy vai trò của LLVT trong ứng cứu, xử lý các sự cố; đồng thời nhanh chóng khắc phục hậu quả, ổn định đời sống sinh hoạt của nhân dân. Huyện thường xuyên kiểm tra hệ thống đê điều, hồ, đập, kè, bến cập tàu, đặc biệt là tại các khu vực trọng điểm. Đồng thời, lập kế hoạch tu sửa những nơi xung yếu trước mùa mưa, bão.
Khi có dự báo bão có đổ bộ vào đất liền, trong đó có địa bàn Quảng Ninh, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS huyện đều tổ chức các lực lượng, phương tiện kêu gọi tàu, thuyền vào nơi neo đậu tránh trú bão an toàn, kêu gọi đưa người lên bờ tránh trú bão, trong trường hợp cần thiết có biện pháp cưỡng chế toàn bộ người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm cả trên biển và trên bộ.
Cảng Cái Rồng hiện có 94 phường tiện, 70 tàu cao tốc, 15 tàu gỗ, 2 tàu vỏ composite và 6 phương tiện tàu của các đơn vị chuyên ngành đóng trên địa bàn. Ông Đặng Ngọc Thiết, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Vận tải Ka Long, cho biết: Khi có thông tin bão, chúng tôi bố trí 100% quân số trực 24/24h; thông tin bằng loa đài cho các chủ tàu. Đồng thời, phối hợp với các lực lượng yêu cầu phương tiện vào nơi neo đậu đã được sắp xếp, bố trí tại khu vực cảng để đảm bảo an toàn.
Với vai trò là đơn vị nòng cốt, thường trực công tác TKCN, Ban CHQS huyện đã chủ động trong triển khai, hiệp đồng thực hiện nhiệm vụ PCTT-TKCN, xây dựng phương án sát với thực tế, điều kiện địa bàn, duy trì nghiêm chế độ trực từ huyện đến cơ sở. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với Lữ đoàn 242, Đồn Biên phòng Quan Lạn, Đồn Biên phòng Quan Lạn Ngọc Vừng, Trạm Rada 485, Cảng vụ Vạn Hoa sẵn sàng lực lượng, phương tiện làm nhiệm vụ, chủ động nắm bắt thông tin và xử lý tình huống xảy ra. Ban CHQS huyện sẵn sàng phương án tổ chức huy động CBCS, lực lượng dân quân tự vệ, phương tiện tàu xuồng tham gia công tác ứng cứu kịp thời khi có sự cố xảy ra.
Theo Trung tá Đan Mạnh Hùng, Phó Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Vân Đồn, khó khăn nhất trong công tác PCTT-TKCN trên địa bàn huyện là việc thiếu các trang thiết bị, vật tư. Khi có bão từ cấp 8 trở lên, hệ thống phương tiện cứu hộ được huy động trên địa bàn huyện không thể đáp ứng được. Do đó, Ban chủ động thực hiện các phương án phòng là chính, vận động ngư dân, các hộ nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn trước khi bão về. Nhận thức của người dân đã có nhiều chuyển biến, phần lớn đã chủ động gia cố lồng bè từ sớm, di chuyển, di dời tài sản trước khi bão về, nhưng vẫn còn không ít hộ dân có tư tưởng tiếc của, "bám trụ" để bảo vệ tài sản. Lực lượng chức năng vận động, thuyết phục không thành công, trong tình huống cấp bách, khi tiến hành cưỡng chế lại có những hành động chống đối, gây khó khăn cho công tác PCTT trên địa bàn.
Để công tác phòng, chống mưa bão năm 2021 của huyện triển khai có hiệu quả, theo ông Trương Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS huyện Vân Đồn: Bên cạnh sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng của các đơn vị, địa phương là tiếp tục thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền, nhất là vào đầu mùa mưa và trước các cơn bão, ở các vùng thường xuyên có nguy cơ xảy ra ngập lụt, sạt lở do mưa bão, lũ lụt, để nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động của nhân dân. Có như vậy mới có thể giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất do thiên tai gây ra, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Hằng Ngần
Liên kết website
Ý kiến ()