Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 12:26 (GMT +7)
Chủ động các giải pháp nâng cao hiệu quả phòng chống thiên tai
Thứ 6, 06/09/2024 | 05:26:00 [GMT +7] A A
Từ đầu năm 2024 đến nay, một số đợt thiên tai nghiêm trọng đã xảy ra trên địa bàn tỉnh như rét đậm, rét hại; mưa lớn, dông lốc, sét, mưa đá… Tuy nhiên, nhờ thực hiện tốt phương châm "Ba trước, bốn tại chỗ", "Hành động sớm - Chủ động trước thiên tai" để chủ động, tích cực ứng phó với biến đổi khí hậu, Quảng Ninh đã thực hiện hiệu quả công tác phòng tránh và giảm nhẹ hậu quả của thiên tai.
Thời gian qua, Quảng Ninh đã dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác phòng chống thiên tai. Tỉnh uỷ- HĐND – UBND tỉnh đã có nhiều chỉ đạo sát sao về vấn đề này. Trong đó, Tỉnh uỷ đã ban hành Chương trình hành động số 39-CTr/TU ngày 04/6/2020 về thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai; Nghị quyết 10-NQ/TU ngày 26/9/2022 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030; Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 11/8/2021 về tăng cường, chủ động các biện pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; Thông báo số 1251-TB/TU ngày 04/6/2024 về tăng cường, chủ động các biện pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai…
Từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh cũng ban hành hàng loạt văn bản như: Văn bản số 819/UBND-NLN1 ngày 08/4/2024 về triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh năm 2024; số 74/TB-UBND ngày 22/4/2024 thông báo kết luận tại Hội nghị tổng kết công tác Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024; số 1487/UBND-KTTC ngày 10/6/2024 về việc tiếp tục ứng phó mưa lớn, lũ, lũ quét và sạt lở đất…
Quan điểm của tỉnh là tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trước mọi diễn biến bất thường của thời tiết; thực hiện tốt phương châm "Ba trước, bốn tại chỗ", "Hành động sớm - Chủ động trước thiên tai" để chủ động, tích cực ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai. Đồng thời, đổi mới tư duy, cách tiếp cận quản trị an ninh phi truyền thống để quản trị rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn để giảm thiểu tối đa thiệt hại về tính mạng, tài sản cho người dân trước thiên tai, nhất là bão, mưa lớn, lũ, sạt lở đất, lũ quét.
Từ năm 2021 đến năm 2024, Quảng Ninh đã dành tổng kinh phí hơn 1.895 tỷ đồng để triển khai 156 nhiệm vụ, dự án phục vụ công tác phòng, chống thiên tai. Các nhiệm vụ, dự án phục vụ công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh tập trung chủ yếu vào: Xây dựng, nâng cấp hồ chứa nước; duy tu bảo dưỡng đê điều; xây dựng các khu neo đậu tránh trú bão; cải tạo, nâng cấp tuyến kênh tiêu thoát nước và trồng, chăm sóc bảo vệ rừng...
Tỉnh cũng cũng đầu tư trọng điểm cho công tác dự phòng, cảnh báo thiên tai sớm như lắp đặt 75 điểm đo mưa tự động tại các khu vực xung yếu thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai và thượng lưu các hồ chứa lớn; 11 trạm khí tượng thủy, hải văn kết nối với các trang thông tin của Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ NN&PTNT để phát ra các cảnh báo chất lượng, nhất là mỗi khi có mưa lớn, kéo dài.
Đặc biệt, trong thời điểm này, khi hầu hết các dự báo, các mô hình của quốc tế đều chung nhận định là bão số 3 (YAGI) sẽ tiếp tục tăng cường độ và đổ bộ đất liền từ Quảng Ninh đến Ninh Bình vào khoảng chiều tối 7/9, Quảng Ninh đã và đang tập trung khẩn trương triển khai các phương án phòng, chống, ứng phó bảo đảm an toàn về người và tài sản trên địa bàn. Tỉnh hoãn các cuộc họp không thật cấp bách, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phân công từng đồng chí trong Ban Thường vụ, Thường trực UBND trực tiếp xuống các địa bàn trọng điểm để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, kiểm tra công tác phòng, chống bão, lũ. Đồng thời, theo dõi chặt chẽ thông tin diễn biến, tuyên truyền ảnh hưởng của bão để nhân dân biết, phối hợp chính quyền thực hiện biện pháp phòng, tránh; thông báo cho tàu thuyền đang hoạt động trên biển chủ động phòng tránh, đảm bảo an toàn.
UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương, đơn vị triển khai biện pháp đảm bảo an toàn cho nhân dân, du khách; thực hiện các phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ chứa, vị trí có nguy cơ ngập lụt, sạt lở, công trình đang thi công, bãi thải mỏ; kiên quyết di dời dân ra khỏi vị trí mất an toàn, trên khu nuôi trồng thủy sản. Các đơn vị, địa phương cũng sẵn sàng lực lượng, phương tiện tổ chức canh gác tại điểm xung yếu, ngập lụt và tại vị trí có ngầm tràn khi có lũ, không cho người, phương tiện qua lại, xử lý sự cố, di dời dân cư khi có yêu cầu.
Tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị tập trung chằng chống nhà cửa, nhà xưởng, thiết bị, cây xanh, xong trước 16 giờ ngày 6/9, di dời người dân ở các khu nuôi trồng thủy sản về nơi an toàn trước 1 giờ ngày 6/9, thực hiện cấm biển từ 11 giờ ngày 6/9. Quảng Ninh quyết tâm giảm thiểu tối đa thiệt hại về tính mạng, tài sản cho người dân trước thiên tai.
Bảo Bình
Liên kết website
Ý kiến ()