Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:51 (GMT +7)
Sẵn sàng phương án phòng chống thiên tai
Thứ 6, 27/05/2022 | 08:01:23 [GMT +7] A A
Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, thời tiết có nhiều diễn biến bất thường, khả năng cao xảy ra thiên tai như mưa lớn, giông lốc gây ngập úng, lũ quét, sạt lở đất... Để chủ động ứng phó trước những diễn biến tiêu cực của thời tiết, tỉnh Quảng Ninh tăng cường các biện pháp phòng, chống thiên tai.
Những ngày gần đây, nhiều địa phương trong cả nước xảy ra mưa lớn gây ngập lụt, sạt lở đất làm thiệt hại đáng kể về tài sản và ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân. Tại Quảng Ninh, ngày 10/5 có mưa lớn kéo dài, lượng mưa phổ biến từ 50-100mm, cục bộ có nơi trên 150mm, gây ngập cục bộ, sạt lở đường tại một số khu vực: Cẩm Phả, Hạ Long, Vân Đồn... Khi thiên tai xảy ra, những khu vực hứng chịu hậu quả đầu tiên và nặng nề nhất là vùng dân cư ở các đô thị lớn, các vùng trũng dễ bị ngập úng; vùng sản xuất thủy sản, hoạt động vận tải, du lịch biển..., vì vậy, việc triển khai các biện pháp để chủ động phòng chống thiên tai vô cùng cấp bách.
Tại TP Hạ Long, theo rà soát của địa phương, hiện trên địa bàn có khoảng 50 điểm tiềm ẩn nguy cơ ngập úng, sạt lở. Ông Nguyễn Tuấn Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Long, cho biết: Thành phố đang đẩy mạnh triển khai đầu tư, cải tạo, nâng cấp hạ tầng các khu dân cư, khu đô thị hình thành trước năm 2005. Trong đó, yêu cầu các phường rà soát, lên phương án và triển khai đầu tư cải tạo, nâng cấp một số tuyến đường; xây dựng mới hệ thống cống thoát nước và thay thế các cống cũ hư hỏng; thiết kế cống thoát nước thải sinh hoạt, xử lý chênh cốt đường, thiết kế hệ thống điện theo hướng hạ ngầm... Nổi bật là một số dự án: Cải tạo chỉnh trang tuyến đường Ba Lan, thuộc phường Giếng Đáy; công trình xây dựng, sửa chữa, khắc phục tuyến kè tại tổ 4, khu 1, phường Hà Trung; xây dựng mới hệ thống cống thoát nước và thay thế các cống cũ hư hỏng, xử lý chênh cốt đường trong khu vực tổ 65, khu 7, phường Cao Thắng...
Thành phố chỉ đạo các xã, phường, đơn vị tăng cường khơi thông cửa thu nước trên các tuyến đường chính để đảm bảo thu nước mặt đường xuống hệ thống cống thoát nước; yêu cầu các chủ đầu tư dự án xây dựng có biện pháp phân thủy, tạo hố lắng trước khi nước chảy xuống hệ thống cống chung của thành phố, cũng như phải chuẩn bị thiết bị máy móc, nhân lực thường trực 24/24h khi có mưa, để khắc phục tình trạng ngập lụt phát sinh.
Còn tại huyện Bình Liêu đã triển khai xây dựng hệ thống cống hộp và đường dẫn thay thế 12 đường tràn trên địa bàn với tổng chiều dài trên 2,2km, tổng mức đầu tư trên 56 tỷ đồng tại các xã: Đồng Văn, Vô Ngại, Lục Hồn, Húc Động, Đồng Tâm và thị trấn Bình Liêu. Đây là những công trình quan trọng nhằm khắc phục tình trạng chia cắt cục bộ, gián đoạn giao thông giữa các thôn, bản trên địa bàn vào mùa mưa lũ... Đến nay, các hạng mục cống hộp thay thế đường tràn đang được đẩy nhanh tiến độ thi công đảm bảo đúng tiến độ đưa vào sử dụng trước mùa mưa lũ năm 2022. Huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát các điểm có nguy cơ cao, xây dựng phương án gia cố các tuyến kè, chủ động theo dõi diễn biến thời tiết và đặc biệt chú trọng công tác sơ tán, đảm bảo an toàn nhân dân tại các vùng xung yếu...
Công tác đảm bảo an toàn hồ, đập chứa nước cũng đang được tỉnh đẩy mạnh thực hiện. Toàn tỉnh có 183 công trình đập, hồ chứa nước, với tổng dung tích thiết kế 359 triệu m3, trong đó, các hồ chứa có dung tích lớn trên 10 triệu m3 đều đảm bảo chỉ số an toàn cao.
Công ty TNHH MTV Thủy lợi Đông Triều hiện phụ trách quản lý, vận hành tổng số 20 hồ, đập, với 10 trạm bơm, phục vụ sinh hoạt và tưới tiêu trên địa bàn toàn TX Đông Triều. Theo ông Vũ Văn Tòng, Phó Giám đốc Công ty, đơn vị đã hoàn thành nhiều dự án, như nạo vét lòng hồ Bến Châu và Yên Dưỡng; rà soát, bảo dưỡng lại hệ thống các trạm bơm tưới tiêu, đảm bảo năng lực cung cấp và chống thất thoát nguồn nước. Đặc biệt, 18 hệ thống đo mực nước tự động và 4 trạm đo mưa được lắp đặt xong, vận hành tốt, đã giúp cung cấp số liệu chính xác, kịp thời cho công tác điều hành. Đây cũng là điều kiện để đảm bảo an toàn cho toàn hệ thống công trình trong mùa mưa bão.
Không chỉ tại Công ty TNHH MTV Thủy lợi Đông Triều, Sở NN&PTNT chỉ đạo tất cả các đơn vị, địa phương liên quan duy trì công tác thường trực 24/24h để vận hành an toàn hồ chứa và tiến hành rà soát, gia cố, tu bổ các tuyến, điểm, các hạng mục công trình xung yếu; đảm bảo các điều kiện về an toàn hồ đập; thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, tiến hành khảo sát, đo đạc và xây dựng phương án ứng phó, phòng chống mưa bão kịp thời.
Trên địa bàn tỉnh có hơn 500 công trình được đánh giá hiện trạng đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. Tỉnh đã lắp đặt và đưa vào sử dụng hệ thống trạm quan trắc mưa tự động tại một số địa phương để quan trắc, cảnh báo mưa lũ; phê duyệt phương án vùng trọng điểm phòng chống thiên tai trên địa bàn, gồm: Vùng đê Hà Nam (TX Quảng Yên); dân cư sạt lở vùng lũ quét; vùng dân cư và tàu thuyền hoạt động trên Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long và vùng biển Quảng Ninh; vùng đê tả sông Kinh Thầy (TX Đông Triều); vùng hồ chứa nước Yên Lập, để làm cơ sở cho các địa phương, đơn vị tổ chức thực hiện phương án ngay trước mùa mưa bão. Toàn tỉnh hiện có 66 vị trí tự nhiên có điều kiện thuận lợi để tàu thuyền neo đậu tránh trú với diện tích khoảng 16,1km2.
Mới đây, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ban, ngành, đơn vị trên địa bàn tỉnh theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền và người dân chủ động phòng tránh nhằm giảm thiểu thiệt hại; kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất. Đồng thời, rà soát, sẵn sàng các biện pháp bảo vệ sản xuất nông nghiệp và tiêu thoát nước khu vực trũng thấp, khu đô thị, khu dân cư tập trung và khu công nghiệp.
Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lụt, sạt lở đất, nhất là về con người, các cấp, ngành, địa phương, lực lượng chức năng cần chủ động phối hợp trong công tác phòng chống ngập lụt, sạt lở đất tại các khu dân cư, trên các tuyến đường giao thông của tỉnh. Trong đó, khẩn trương theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình mưa lũ, sạt lở đất, ngập lụt để cảnh báo người dân chủ động có biện pháp phòng tránh; sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các tuyến đê, hồ đập; đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân trong mọi tình huống khi có mưa, lũ, sạt lở đất đá...
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()