Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 18:27 (GMT +7)
Chủ động các biện pháp phòng, chống cơn bão số 3
Thứ 5, 25/08/2022 | 14:15:53 [GMT +7] A A
Theo dự báo của Cơ quan khí tượng thủy văn, cơn bão số 3 (Maon) đang di chuyển trên biển đông vào đất liền có sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 có khả năng ảnh hưởng đến khu vực Quảng Ninh nhất là khu vực biển từ Vân Đồn, Cô Tô, Móng Cái và gây mưa lớn trên diện rộng. Để kịp thời ứng phó, hiện các địa phương và ngành chức năng trên địa bàn tỉnh đang tập trung triển khai đồng bộ những biện pháp phòng, chống bão.
Trước diễn biến của cơn bão, để chủ động phòng chống, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do cơn bão gây ra, UBND tỉnh đã liên tục phát đi các Công điện về việc chủ động ứng phó bão số 3. Trong đó, giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành chức năng, địa phương tập trung các biện pháp cao nhất cho công tác phòng chống bão. Thực hiện các chỉ đạo của tỉnh, ngay khi có tin khẩn cấp về cơn bão, các ngành, địa phương trên địa bàn đã nhanh chóng triển khai nhiều biện pháp để phòng chống nhằm giảm thiểu thiệt hại do cơn bão gây ra.
Cụ thể, tại huyện Cô Tô, trước tình hình diễn biến của cơn bão số 3, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện đã phân công các tổ công tác của huyện, các lực lượng chức năng tập trung kiểm soát các vị trí xung yếu có nguy cơ sạt lở cao, các hộ dân có nguy cơ bị tốc mái, ngập nước để chủ động phương án khi cần thiết.
Trao đổi với phóng viên, đồng chí Vũ Văn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Cô Tô, cho biết: Huyện đặt nhiệm vụ quan trọng nhất là đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân. Hiện nay địa phương đã yêu cầu các xã, thị trấn đảm bảo quân số lực lượng ứng trực 24/24 giờ; đồng thời đã kêu gọi trên 400 tàu thuyền trên vùng biển huyện Cô Tô về nơi tránh trú bão an toàn.
Để đảm bảo an toàn cho du khách trên địa bàn, huyện đã cập nhật và thông tin thường xuyên đến tất cả khách du lịch về diễn biến cơn bão số 3, lịch tàu chạy để chủ động di chuyển về đất liền. Đối với các công trình thủy lợi, đê điều, hồ đập lực lượng chức năng tại các xã, thị trấn trên địa bàn đã chủ động điều tiết, khơi thông cống thoát không để xảy ra tình trạng ngập lụt. Đồng thời tiếp tục bám sát địa bàn, chủ động chuẩn bị các phương tiện, vật tư phòng chống thiên tai, duy trì lực lượng trực phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn khi có trường hợp cần thiết.
Cùng với huyện Cô Tô, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tập trung thực hiện tốt phương châm 3 trước (chủ động phòng chống trước, phát hiện xử lý trước, phương tiện, vật tư chuẩn bị trước) và “4 tại chỗ” (lực lượng, chỉ huy, phương tiện, hậu cần tại chỗ). Chủ động rà soát lại hệ thống đê điều trên địa bàn, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho nhân dân tại các khu vực có nguy cơ cao về ngập lụt, sạt lở; lưu ý các nhà tạm dưới chân mái kè, vùng trũng để sẵn sàng phương án di chuyển dân về nơi an toàn khi cần với phương châm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và tài sản trong mọi tình huống; tổ chức trực canh 24/24 giờ tại các ngầm tràn, đường giao thông; tuyên truyền nhân dân không ra suối đánh cá, vớt củi, bơi lội... khi có lũ.
Đối với các hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, hiện người dân đã hoàn thành cấy lúa vụ mùa với diện tích toàn tỉnh trên 22.200ha. Theo ông Vũ Duy Văn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, để chủ động phòng chống khả năng mưa lớn do ảnh hưởng của bão, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị thủy lợi trực 24/24 giờ quản lý vận hành hệ thống đê điều, hồ đập. Các địa phương đã chủ động thông báo để người dân khơi thông kênh mương nội đồng, các kênh tiêu, kiểm tra tôn cao bờ vùng, bờ thửa, bờ kênh tiêu đảm bảo tiêu nước nhanh cho các vùng có nguy cơ ngập úng.
Đối với cây công nghiệp, cây ăn quả, ngành nông nghiệp khuyến nghị người dân khẩn trương cắt tỉa, chằng néo thân cây hoặc cành lớn theo 3 hướng để hạn chế đổ gãy. Đối với cây đang mang quả, nếu đến kỳ thu hoạch, khuyến khích người dân chủ động thu sớm trước khi mưa bão xảy ra, tỉa bỏ bớt quả trên chùm để giảm va đập gây hư hỏng hoặc rụng... Trong nuôi trồng thủy sản, Sở NN&PTNT hướng dẫn người dân tại các vùng nuôi tôm và cá, có kế hoạch điều tiết nước trong ao nuôi để hạn chế thay đổi độ mặn do mưa lớn; chủ động kiểm tra hoạt động của tôm, cá nuôi và môi trường nước trước và sau mưa để có biện pháp xử lý kịp thời; chuẩn bị máy phát điện, máy sục khí đề phòng khi điện lưới bị mất.
Trong hoạt động sản xuất của ngành than, để ứng phó với ảnh hưởng của bão số 3 nói riêng và an toàn trong mùa mưa bão nói chung, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã chủ động triển khai các phương án nhằm kiểm soát tối đa hoạt động sản xuất trong mùa mưa bão. Hiện nay, các khu vực trọng điểm như bãi thải mỏ được củng cố, những công trình chống ngập nước ở các đơn vị được tăng cường, hệ thống hầm bơm, trạm điện được nâng công suất hoạt động. Với sự chủ động ở mức cao nhất, TKV và các đơn vị sẵn sàng bảo vệ an toàn cho người và diện sản xuất, hạn chế thất thoát tài nguyên trong mùa mưa bão.
Cùng với những biện pháp chống sạt lở khu vực bãi thải, đai tầng trong khai trường, TKV cũng đã yêu cầu các đơn vị khai thác than lộ thiên căn cứ tình hình thời tiết, xác định vị trí phù hợp để di chuyển thiết bị đảm bảo an toàn, phòng tránh sự cố xảy ra khi ngập moong khai thác. Còn các đơn vị khai thác than hầm lò tập trung củng cố các hệ thống hầm bơm, trạm điện. Hiện nay, một số đơn vị như Than Mông Dương, Than Vàng Danh... còn tự động hóa hệ thống hầm bơm để đảm bảo hiệu quả hoạt động của thiết bị trong trường hợp có mưa lớn kéo dài, gây ngập mỏ.
Cùng với sự chủ động của các cấp chính quyền, các ngành chức năng, để ứng phó với cơn bão số 3, người dân trên địa bàn tỉnh cũng cần chủ động, tích cực thực hiện, triển khai các chỉ đạo của cấp trên, ngành chức năng về các giải pháp phòng chống, giảm đến mức thấp nhất những tác động, ảnh hưởng do cơn bão gây ra...
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()