Tất cả chuyên mục

Với việc chủ động đề ra nhiều giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường (BVMT), huyện Hải Hà đạt được nhiều kết quả quan trọng, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về tài nguyên và môi trường của người dân.
Huyện quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng, đất đai, tài nguyên, môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Công tác tuyên truyền về BVMT được thực hiện thường xuyên, liên tục bằng nhiều hình thức: Hội nghị, sinh hoạt chi bộ, họp thôn, khu; phương tiện thông tin đại chúng; các ngày lễ kỷ niệm, sự kiện về môi trường, phong trào… Qua đó góp phần tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động của các cấp, ngành, cộng đồng trong công tác BVMT.
Các địa phương đẩy mạnh phong trào “Ngày nghỉ cùng nhân dân”, “Ngày Chủ nhật xanh” vệ sinh môi trường, chỉnh trang, tạo cảnh quan các tuyến đường thôn. Năm 2024 toàn huyện huy động gần 6.000 lượt cán bộ, người dân duy trì "Ngày Chủ nhật xanh" vệ sinh môi trường, trồng trên 28.000 cây xanh, hoa các loại…
Huyện ban hành nhiều kế hoạch, văn bản quản lý, tuyên truyền nhân dân BVMT, giảm thiểu rác thải nhựa, phân loại rác thải tại nguồn; tiếp tục phối hợp với MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội huyện, nòng cốt là Hội LHPN huyện, triển khai mô hình phân loại rác thải và ủ phân vi sinh tại hộ gia đình từ năm 2021 đến nay; vận động các hộ gia đình, cá nhân nuôi trồng thủy sản thay thế vật liệu phao nổi sang vật liệu thân thiện với môi trường biển; vận động nhân dân không sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy, không thải, bỏ chất thải nhựa trực tiếp vào ao hồ, kênh, rạch, sông, biển.
Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, huyện thường xuyên kiểm tra, rà soát hệ thống đê, sông, biển, các dập dâng, hồ chứa các vùng trọng điểm có khả năng bị sạt lở, đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa mưa bão; quan tâm xử lý các khu dân cư, tuyến đường giao thông thường xuyên xảy ra ngập lụt, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân.
Hằng năm UBND huyện xây dựng kế hoạch thực hiện công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, phương án ứng phó với siêu bão mạnh trên địa bàn, phương án sơ tán nhân dân ra khỏi vùng có nguy cơ cao về sạt lở, lũ quét; chỉ đạo các ngành chức năng, phòng, ban chuyên môn, UBND các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra, rà soát các công trình, các tuyến đê, cống thoát nước, kênh mương các loại… để phát hiện và xử lý kịp thời các công trình bị hư hỏng; thực hiện ngay các phương án, biện pháp xử lý, giảm thiểu tình trạng ngập lụt (nạo vét, tu sửa hệ thống thoát nước khu vực, khơi thông dòng chảy, hệ thống đường ống, cống tiêu thoát nước, kênh mương nội đồng…). Năm 2024 toàn huyện huy động hơn 7.300 công, nạo vét hơn 7.300m3 đất đá kênh mương nội đồng.
Cùng với đó, tăng cường quản lý diện tích đất chưa sử dụng; kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về san gạt làm phá vỡ địa hình, tác động làm biến dạng đất; tích cực triển khai các giải pháp bảo vệ diện tích đất canh tác, sản xuất của người dân, khuyến khích trồng rừng gỗ lớn; điều tiết nguồn nước các sông, hồ đảm bảo nguồn tưới tiêu; khuyến khích luân canh cây trồng, sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp… Đồng thời kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác BVMT của các dự án, công trình trên địa bàn; tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh qua đường dây nóng về các hành vi gây ô nhiễm, các vụ việc vi phạm về môi trường. Năm 2024 huyện xử lý vi phạm hành chính 2 trường hợp về tập kết chất thải rắn công nghiệp thông thường, đề nghị xử lý 1 trường hợp vi phạm về xả thải vào môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật về nước thải, phạt trên 217 triệu đồng.
Trên địa bàn huyện hiện có 196 mô hình "Tổ phụ nữ thu gom rác thải", "Dùng làn đi chợ", "Biến rác thành tiền", "Phân loại rác thải tại gia đình", "Đoạn đường do phụ nữ quản lý", "Phong trào hạn chế sử dụng túi nilon, không thải chất thải ra môi trường"..., thu hút trên 3.300 thành viên tham gia.
Ý kiến ()