Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:56 (GMT +7)
Linh hoạt trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Chủ nhật, 20/02/2022 | 09:44:40 [GMT +7] A A
Có thể thấy rõ, trong nhiều năm trở lại đây, Quảng Ninh luôn chú trọng công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, từ đó tạo sức bật cho sự phát triển KT-XH trên địa bàn. Để tạo lợi thế trong thu hút các doanh nghiệp, dự án đầu tư vào địa bàn, tỉnh đã chủ động từ công tác chỉ đạo, điều hành, đến áp dụng thực hiện linh hoạt các giải pháp.
Tăng cường chỉ đạo, điều hành
Thời gian qua, các nghị quyết, chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh đều ưu tiên triển khai nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp, tạo sự thông thoáng để thu hút các nhà đầu tư vào địa bàn.
Tiêu biểu ngày 9/4/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết 05-NQ/TU về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đây là một trong những nghị quyết đầu nhiệm kỳ 2021-2025, thể hiện ý chí, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền tỉnh trong quá trình xây dựng chính quyền kiến tạo, lấy sự hài lòng của nhân dân, doanh nghiệp làm thước đo cho sự phục vụ.
Với quyết tâm thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế, tỉnh xác định rõ những khó khăn, thách thức đặt ra trong năm 2021 để xây dựng kế hoạch tăng trưởng kinh tế, từ đó gắn trách nhiệm để các cấp, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện. Đồng thời, tỉnh còn chỉ đạo các cấp, ngành giải quyết nhanh chóng thủ tục hành chính về đất đai, mặt bằng, giấy phép xây dựng, để các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình triển khai đầu tư dự án, công trình.
Quảng Ninh cũng tập trung chuyển đổi mô hình kinh tế phù hợp với tình hình: Cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; xác định khu vực công nghiệp và xây dựng là trụ cột đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách, trọng tâm là công nghiệp than, điện, chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy mới và đưa vào sản xuất dự án công nghiệp chế biến, chế tạo tại KKT, KCN, nâng cao năng lực sản xuất, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, nhất là sản phẩm công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn.
Linh hoạt các cách làm
Xác định xây dựng và công khai quy hoạch là một trong những nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên hàng đầu để phát triển KT-XH, thu hút đầu tư, ngay từ những quy hoạch đầu tiên, Quảng Ninh đã mời các đơn vị tư vấn hàng đầu nước ngoài, như McKinsey, BCG (Mỹ); Nikken Sekkei, Nippon Koje (Nhật Bản) tham gia. Các quy hoạch này đều bám sát không gian phát triển của tỉnh “Một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá”, đảm bảo liên kết để phát huy thế mạnh của từng địa phương trong tỉnh và của cả vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Một trong những lĩnh vực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư chính là hạ tầng giao thông. Thời gian qua, Quảng Ninh luôn chú trọng phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, thúc đẩy liên kết vùng. Trong quá trình thực hiện, tỉnh có những giải pháp để đẩy nhanh tiến độ các công trình, trong đó có đợt thi đua cao điểm “100 ngày đêm hoàn thành 3 công trình động lực, trọng điểm: Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, cầu Cửa Lục 1”. Hiện tỉnh và các địa phương tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để triển khai dự án cầu Cửa Lục 3, đường ven sông kết nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều.
Đến nay, mạng lưới giao thông đường bộ, đường thủy, đường hàng không trên địa bàn tỉnh rất thuận lợi cho việc thông thương trong tỉnh, trong khu vực và cả với nhiều nước trên thế giới. Hạ tầng các KCN, CCN cũng được tỉnh quan tâm, đầu tư, chuẩn bị tốt.
Cùng với đó, Quảng Ninh cũng chú trọng đến công tác đào tạo nguồn nhân lực, thu hút lao động để cung cấp nhân lực chất lượng cao, lực lượng lao động cho các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn. Các ngành, địa phương còn thường xuyên hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết các thủ tục về đầu tư. Tỉnh đã thành lập tổ công tác đặc biệt để giải quyết nhanh chóng các thủ tục đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho các dự án, như: Tổ công tác hỗ trợ Tập đoàn Foxconn, Tổ công tác hỗ trợ Dự án công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar, Tổ công tác hỗ trợ triển khai dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN trên địa bàn TX Quảng Yên; Tổ công tác hỗ trợ triển khai các dự án của Tập đoàn Thành Công tại KCN Việt Hưng (TP Hạ Long)...
Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, để hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, năm 2021 Quảng Ninh đã tổ chức hội nghị làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hiệp hội Du lịch tỉnh, để tháo gỡ khó khăn. Qua đó, trong số 92 kiến nghị của doanh nghiệp tại hội nghị, đã có 73 kiến nghị được giải quyết, liên quan đến lĩnh vực đất đai, đầu tư, GPMB, du lịch, thương mại, XNK. Tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt các chính sách của Trung ương về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Nhờ các biện pháp triển khai tích cực, năm 2021 Quảng Ninh có khoảng 2.000 đơn vị, doanh nghiệp thành lập mới, 876 doanh nghiệp tạm dừng sản xuất kinh doanh trước đó hoạt động trở lại. Đến nay, toàn tỉnh đã có khoảng 16.800 doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn, với số vốn đăng ký 259.000 tỷ đồng. Sự đầu tư, hoạt động của các doanh nghiệp đã giúp Quảng Ninh triển khai thực hiện hiệu quả mục tiêu, chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021 đã đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2021 tăng 10,28%. Tổng thu NSNN trên địa bàn đạt hơn 51.000 tỷ đồng. Tổng vốn thu hút ngoài ngân sách đạt 361.143 tỷ đồng. Lần đầu tiên Quảng Ninh dẫn đầu các tỉnh, thành phố cả 4 chỉ số: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số hài lòng của người dân (SIPAS) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) năm 2020.
Bà Vũ Thị Kim Chi, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh: “Triển khai đồng bộ các giải pháp” Thời gian tới, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh tiếp tục tham mưu tỉnh triển khai hiệu quả Nghị quyết 05-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời Ban cũng cập nhật chủ trương, chỉ đạo mới của Trung ương, của tỉnh, đặc biệt Nghị quyết 09-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động các mô hình tổ công tác hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp như tổ Investor Care, tổ công tác đặc biệt... góp phần xây dựng văn hóa đồng hành của chính quyền tỉnh với cộng đồng doanh nghiệp; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư; thường xuyên rà soát, cập nhật và điều chỉnh bộ chỉ số DDCI tỉnh Quảng Ninh đảm bảo bám sát với các vấn đề mà cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh quan tâm; tiếp tục nghiên cứu, tìm ra cách làm mới, mô hình hiệu quả hơn, phục vụ doanh nghiệp, nhà đầu tư tốt hơn... Cùng với đó, bám sát cơ quan đầu mối VCCI để kịp thời cập nhật, triển khai công tác cải thiện PCI, đặc biệt tổ chức hội nghị phân tích kết quả PCI năm 2021. Trên cơ sở biên bản ký kết toàn diện về hợp tác giữa tỉnh và VCCI, Ban sẽ phối hợp với cơ quan đầu mối VCCI tham mưu xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể. |
Ông Nguyễn Đức Tiệp, Phó Chủ tịch UBND TP Uông Bí: “Quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đồng hành cùng doanh nghiệp” Năm 2020, kết quả xếp hạng DDCI của TP Uông Bí đứng thứ 7/13 địa phương. Thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, tồn tại, thành phố triển khai nhiều giải pháp khắc phục, quyết tâm nâng cao năng lực cạnh tranh DDCI, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư. Ngay từ đầu năm 2021, khi xây dựng chủ đề công tác năm, nội dung hỗ trợ doanh nghiệp được thành phố xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng, tập trung nguồn lực thực hiện, triển khai quyết liệt ngay từ đầu. Đặc biệt, cụ thể hóa Nghị quyết 05-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh, Uông Bí thành lập Tổ hỗ trợ đầu tư và kinh doanh TP Uông Bí (UBIC) nhằm kịp thời nắm bắt khó khăn của doanh nghiệp, đồng hành hỗ trợ, giúp đỡ doanh nghiệp trong các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Sau 6 tháng hoạt động, đến nay, Tổ đã tổ chức 9 buổi làm việc trực tiếp với doanh nghiệp, hộ kinh doanh; tiếp nhận, giải quyết 36 kiến nghị, đề xuất. Cùng với đó, Uông Bí tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, tăng cường kiểm tra, giám sát kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm vi phạm, đẩy mạnh cải cách hành chính, TTHC, tránh phiền hà, tạo môi trường minh bạch trong hoạt động đầu tư kinh doanh trên địa bàn.Uông Bí đang đứng trước cơ hội phát triển lớn, với nhiều dự án động lực đang triển khai, thời gian tới, thành phố tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ UBIC, tập trung xúc tiến, mời gọi đầu tư các lĩnh vực như sản xuất, chế biến, chế tạo, y dược công nghệ cao vào khu vực phía Nam thành phố; đối với khu vực phía Bắc thành phố thu hút đầu tư dịch vụ du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch trải nghiệm... |
Ông Trịnh Xuân Đức, Trưởng BQLDA, Công ty CP Sân golf Silk Path (Hà Nội): “Tỉnh Quảng Ninh đã tạo điều kiện tốt nhất để nhà đầu tư triển khai các hoạt động đầu tư kinh doanh” Quảng Ninh có những điều kiện, thế mạnh thu hút các nhà đầu tư với hạ tầng giao thông hiện đại, ngày càng đồng bộ, xuyên suốt trong tỉnh và kết nối vùng rất cao; môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi. Có thể thấy, bằng sự vào cuộc quyết liệt, thực chất, hiệu quả, chính quyền tỉnh Quảng Ninh tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư triển khai các hoạt động đầu tư kinh doanh trên địa bàn. Minh chứng rõ nét nhất là dự án mà doanh nghiệp chúng tôi đang triển khai, đó là dự án Sân golf Đông Triều, tại xã An Sinh (TX Đông Triều) với tổng diện tích 128,7ha, quy mô 27 hố tiêu chuẩn quốc tế. Quá trình triển khai dự án đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo rất lớn từ các cấp chính quyền tỉnh Quảng Ninh. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, địa phương cùng các sở, ngành thường xuyên kiểm tra tiến độ, chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc trong GPMB. Đặc biệt trong công tác chuẩn bị đầu tư, hướng dẫn thủ tục đầu tư và tạo môi trường kêu gọi đầu tư nhận được sự quan tâm rất lớn từ Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh (IPA). Dự án được triển khai với tốc độ nhanh nhất, chỉ trong thời gian chưa đầy 1 năm từ khi nghiên cứu đến khi khởi công dự án. Doanh nghiệp rất ghi nhận sự vào cuộc của chính quyền các cấp tỉnh Quảng Ninh và mong muốn trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự hỗ trợ hơn nữa trong công tác triển khai đầu tư dự án như bàn giao mặt bằng, thẩm định thiết kế và cấp phép… để doanh nghiệp sớm đưa dự án vào hoạt động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. |
Ông Nguyễn Bằng Phi, Phó Tổng Giám đốc, Công ty TNHH Tập đoàn Xuân Lãm: “Đổi mới, sáng tạo, thực chất, hiệu quả trong hỗ trợ doanh nghiệp” Khi mới tiếp quản công ty từ chủ sở hữu cũ cũng đồng nghĩa với việc tiếp nhận, giải quyết tất cả các vấn đề vướng mắc, tồn tại mà chủ sở hữu cũ để lại. Trước khó khăn đó, chúng tôi nhận được sự hỗ trợ rất tích cực từ tỉnh, TP Uông Bí và đơn vị cũng cam kết với tỉnh sẽ giải quyết triệt để các vấn đề này. Chính quyền các cấp hỗ trợ về pháp lý, luôn giám sát, lắng nghe vướng mắc của công ty, kịp thời giải quyết có hiệu quả, đi vào thực chất vấn đề. Đơn cử, tỉnh đã thận trọng xem xét các vấn đề liên quan về năng lực nhà đầu tư, cho phép đơn vị tiếp tục thực hiện 2 dự án đô thị tại phường Trưng Vương. Về phía TP Uông Bí, ngay khi tổ UBIC được thành lập, buổi làm việc đầu tiên, tổ công tác đã lựa chọn đơn vị làm việc trực tiếp, qua đó nhiều vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của đơn vị đã được tổ tiếp thu, giải quyết kịp thời; đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin bằng việc thành lập trang Zalo cung cấp thông tin liên quan, chính sách mới, chỉ đạo điều hành của chính quyền ...giúp cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn nắm được chủ trương, định hướng phát triển. Doanh nghiệp đánh giá rất cao sự vào cuộc của chính quyền các cấp, mong muốn trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi để công ty đẩy mạnh hơn nữa hoạt động đầu tư, góp phần phát triển KT-XH trên địa bàn. |
Thu Nguyệt - Thanh Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()