Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 18:22 (GMT +7)
Chống lãng phí sách giáo khoa
Thứ 4, 19/07/2023 | 09:04:17 [GMT +7] A A
Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, sách giáo khoa (SGK) mới hiện có 3 bộ: Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo, Cánh diều. Các trường có thể dùng 1 bộ hoặc kết hợp cả 3 bộ để dạy học. Những thay đổi này nhằm đáp ứng dạy và học tốt hơn, nhưng lại đang gây ra một sự lãng phí lớn.
Nếu như trước kia, cả nước dùng chung 1 bộ SGK trong mỗi bậc học, thì nay với sự đa dạng của các bộ sách do NXB Giáo dục Việt Nam và Công ty CP Đầu tư Xuất bản - Thiết bị Giáo dục Việt Nam (VEPIC) biên soạn, mỗi nhà trường, mỗi địa phương lại lựa chọn một bộ sách khác nhau hoặc trộn lẫn các bộ sách để dạy học. Học sinh ở trường này khó có thể dùng SGK của trường khác, gia đình nào có nhu cầu chuyển trường học cho con thì cũng hết sức khó khăn vì chương trình học khác nhau.
Khi áp dụng SGK mới, một số cuốn sách bài tập hiện nay có phần nội dung yêu cầu học sinh làm bài tập thực hành luôn vào sách, nên để dùng lại là rất khó. Cô giáo Hoàng Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường TH&THCS Vũ Oai (TP Hạ Long) cho biết: “Là người công tác trong lĩnh vực giáo dục, tôi đánh giá cao sự thay đổi của chương trình và SGK, sách bài tập của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Song tôi mong muốn các bộ sách được tận dụng tối đa, tránh lãng phí. Nên thống nhất trong việc chọn SGK để có thể tận dụng cho học sinh khóa sau học, tránh lãng phí. Sách bài tập và sách tham khảo không nằm trong danh mục bắt buộc, nhưng một số môn sử dụng để luyện rèn kiến thức, kỹ năng cho học sinh; những nội dung này lại làm ngay tại sách, khiến cuốn sách không tái sử dụng được".
Anh Nguyễn Văn Hà (tổ 12, khu 4, phường Hồng Hà, TP Hạ Long) cho biết: "Tôi không dám đánh giá về hiệu quả của việc thay SGK, nhưng tôi thấy có nhiều bộ sách quá, không được thống nhất về chương trình dạy học ở các địa phương, trường khác nhau. Việc tái sử dụng SGK cũ khó hơn trước rất nhiều, mặc dù các bộ sách còn rất mới”.
Tiết kiệm SGK cũ không còn đơn giản như trước, nhưng với tinh thần tránh lãng phí và để hỗ trợ cho những học trò nghèo, công việc quyên góp SGK đã sử dụng vẫn đang được thực hiện. Góp nhặt những quyển sách chưa bị viết vào để tặng lại cho học sinh vùng cao là việc mà các cô giáo và học sinh của Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (TP Hạ Long) đã và đang làm. Kết thúc năm học, học sinh các lớp đều được phát động dành tặng SGK đã dùng cho học sinh các trường học vùng cao, vùng khó khăn trên địa bàn thành phố.
Tặng sách SGK trên cùng địa bàn huyện, thị xã, thành phố còn dễ, nhưng muốn sách cũ đi được xa hơn tới các địa phương nhiều khó khăn khác trong tỉnh thì quả là khó khăn, bởi mỗi nơi lại học một bộ sách khác nhau.
Có những người gom SGK cũ để tặng, người đi xin SGK về cho học trò. Chủ yếu họ là những thầy cô ở vùng cao, thương học sinh nghèo. Cô giáo Hoàng Thị Thanh Huyền (Trường TH-THCS Vũ Oai, TP Hạ Long) chia sẻ: "Trường TH-THCS Vũ Oai ở xa trung tâm thành phố, có nhiều học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Khi kết thúc năm học, cán bộ giáo viên nhà trường liên hệ với những trường học ở vùng thuận lợi để xin SGK đã qua sử dụng về cho học sinh của mình. Các trường đều ủng hộ rất nhiệt tình, đóng gói cẩn thận, mang SGK đến tận nơi tặng; trường nào không mang sách vào được, chúng tôi phân công nhau đi lấy về, soạn lại, chia cho học sinh để bớt đi phần nào chi phí mua SGK cho năm học mới”.
Câu chuyện về việc lãng phí SGK và tiết kiệm từ nguồn sách cũ sẽ còn tiếp diễn bởi những thay đổi trong chương trình giáo dục phổ thông mới vẫn đang ở giai đoạn đầu. Hy vọng Bộ GD&ĐT sẽ có những quyết sách đúng đắn trong lộ trình “thay đổi căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”.
Hoài Minh
Liên kết website
Ý kiến ()