Tất cả chuyên mục

Dù đã có nhiều biện pháp quyết liệt thế nhưng dịch tả lợn châu Phi vẫn có chiều hướng gia tăng. Bộ NN&PTNT dự báo thời gian tới, với tình hình thời tiết phức tạp, điều kiện chăn nuôi nhỏ lẻ, đặc thù của bệnh, nếu không có biện pháp tích cực, dịch sẽ tiếp tục lan rộng đến những nơi còn lại; quay lại nơi ổ dịch đã qua 30 ngày. Đặc biệt là dịch có thể lây lan vào những hộ chăn nuôi lớn.
Với diễn biến hết sức phức tạp của dịch tả lợn châu Phi đang diễn ra ở các tỉnh, thành phố trong cả nước, đe dọa nghiêm trọng đến ngành Chăn nuôi, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành chỉ thị về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống, khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi. Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành liên quan, địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt, khẩn trương, sâu sát công tác phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm này.
Với phương châm: “Chống dịch như chống giặc” như chỉ đạo của Trung ương, các địa phương, ngành đã thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống dịch, tuy nhiên dịch tả lợn châu Phi là vấn đề rất lớn, chưa bao giờ xảy ra với nước ta, nên công tác dập dịch vẫn gặp muôn vàn khó khăn.
Đến thời điểm này, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở Việt Nam được khoảng 4 tháng và lây lan tới 48 tỉnh, thành, hơn 300 huyện, hơn 3.000 xã với 2 triệu con lợn (117.000 tấn) bị tiêu hủy, bằng 6,5% tổng đàn lợn toàn quốc.
Quảng Ninh cũng không ngoại lệ, dịch xuất hiện ở 14/14 địa phương với 145 xã, phường có lợn bị mắc bệnh buộc phải tiêu hủy. Quảng Ninh cũng đã chỉ đạo sát sao, quyết liệt công tác phòng, chống dịch, trong đó ngoài cử cán bộ chuyên môn bám sát địa bàn, hỗ trợ địa phương, tỉnh còn lập 135 chốt kiểm soát vận chuyển; yêu cầu 100% hộ chăn nuôi cam kết thực hiện đầy đủ các biện pháp chống dịch. Tuy nhiên, dịch vẫn tiếp tục có chiều hướng gia tăng, nguy cơ lây lan sang các xã, phường chưa có dịch là rất cao.
Theo Bộ NN&PTNT, đến thời điểm này, dịch tả lợn châu Phi đa phần xuất hiện ở hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, số lượng ít, những khu vực này khó kiểm soát, thống kê. Cùng với đó là tư tưởng lơ là, chủ quan về dịch của người chăn nuôi cũng như chính quyền địa phương một số nơi vẫn còn xảy ra. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho dịch bùng phát, lây lan rộng như hiện nay.
Trước diễn biến khó lường của dịch tả lợn châu Phi, ngành Nông nghiệp khuyến cáo người dân không tăng đàn lợn lúc này cả về quy mô hộ nhỏ và quy mô lớn vì nguy cơ rủi ro là rất cao.
Và để người chăn nuôi yên tâm phòng, chống dịch, vượt qua giai đoạn khó khăn thì rất cần sự chung tay của mọi người hãy không quay lưng với thịt lợn an toàn dịch bệnh. Dịch tả lợn châu Phi không lây sang người, vì vậy người tiêu dùng hãy tìm mua thịt lợn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được đóng dấu kiểm dịch.
Cùng với đó, để người chăn nuôi không dấu dịch, tích cực hơn nữa trong phòng, chống loại bệnh nguy hiểm này thì việc hỗ trợ cho người chăn nuôi phải được thực hiện nhanh chóng, kịp thời, chính xác, hiệu quả. Qua đó giảm thiểu thiệt hại cho người dân và tạo cơ hội tái đàn ngay khi dịch bệnh được khống chế.
Có thể nói, hiện nay, cả hệ thống chính trị đang vào cuộc quyết liệt để phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. Trong đó, các địa phương trong cả nước đang nỗ lực, căng mình chống dịch. Hi vọng rằng với những cố gắng, quyết tâm, khẩn trương của các cấp, ngành, địa phương sẽ sớm hạn chế tối đa sự lây lan, khống chế được dịch bệnh, qua đó giúp giảm thiệt hại cho ngành Nông nghiệp nói chung, người chăn nuôi nói riêng.
Thái Bình
Ý kiến ()