Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 01:54 (GMT +7)
Choáng trước giá vật liệu xây dựng tăng cao
Thứ 2, 04/04/2022 | 11:16:09 [GMT +7] A A
Trong 3 tháng đầu năm 2022, thị trường vật liệu xây dựng (VLXD) ghi nhận nhiều loại tăng giá chóng mặt trong đó phổ biến như sắt, thép, xi măng, cát xây dựng... đã tăng giá khoảng 10 - 20% so với thời điểm cuối năm 2021. Riêng, giá thép tăng 7 lần từ đầu năm đến nay.
Thống kê trong 3 tháng đầu năm 2022 của các hiệp hội cho thấy, một số loại VLXD liên tục tăng giá, trong đó một số mặt hàng có mức tăng vượt đỉnh. Cụ thể, xi măng đã tăng 100.000 đồng/tấn tùy thương hiệu, gạch xây dựng tăng khoảng 10%, gạch ốp trang trí tăng 10 – 15%, cát tăng 10.000 đồng/m3 so với đầu năm.
Trong đó, thép xây dựng cũng liên tục tăng giá mạnh và chưa có dấu hiệu sẽ hạ nhiệt. Thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, giá các nguyên, nhiên liệu sản xuất thép tăng trở lại ở mức cao đã khiến giá thép bị đẩy lên cao. Tính từ đầu năm đến nay, giá thép đã tăng 7 lần, tổng mức tăng đến 2,4 triệu đồng/tấn, tăng từ 16,5 – 17 triệu đồng/tấn lên hơn 19 triệu đồng/tấn.
Hiện mức giá của nhiều loại thép xây dựng trên thị trường như Hòa Phát, Việt Nhật, Việt Ý, Pomina, thép Thái Nguyên, thép Miền Nam… rơi vào khoảng 18.000 – 19.000 đồng/kg.
Theo giá thép cập nhật đến ngày 28/3/2022, thép Pomina có giá bán ở mức 19.430 đồng/kg đối với thép cuộn CB240 và 19.630 đồng/kg đối với thép thanh vằn D10 CB300.
Tương tự, thép Việt Ý bán 18.890 đồng/kg đối với thép cuộn CB240, 18.990 đồng/kg đối với thép thanh vằn D10 CB300. Trong khi đó, thép Việt Đức có giá bán 18.880 đồng/kg đối với thép cuộn CB240, 19.180 đồng/kg đối với thép thanh vằn D10 CB300.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân nhiều VLXD tăng giá mạnh là do nhu cầu về xây dựng tăng cao sau Tết. Nhu cầu về VLXD càng tăng cao khi nhiều dự án đầu tư công quy mô lớn được khởi công xây dựng trong năm 2022 như dự án sân bay quốc tế Long Thành, các tuyến cao tốc Bắc – Nam và các tuyến vành đai khác.
Một yếu tố khác cũng tác động lên lĩnh vực VLXD là xăng dầu. Giá xăng dầu liên tục tăng đã đẩy chi phí vận chuyển tăng cao, tạo thêm áp lực tăng giá trên nhiều mặt hàng VLXD.
Theo tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()