Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:21 (GMT +7)
Chợ truyền thống trong xu thế phát triển
Thứ 6, 10/01/2025 | 08:39:11 [GMT +7] A A
Kinh doanh thương mại điện tử cùng với sự bùng nổ của các siêu thị đã khiến cho hoạt động kinh doanh tại các chợ truyền thống rơi vào tình trạng khó khăn, vắng khách. Để bắt nhịp với xu thế mới, những tiểu thương kinh doanh tại các chợ truyền thống đã từng bước thay đổi, tiếp cận thêm với các nền tảng công nghệ để thu hút khách hàng.
Để duy trì kinh doanh, thích ứng thời kỳ công nghệ số, chị Tạ Thị Phượng, chủ quầy hàng kinh doanh giày dép tại chợ Hạ Long 2, phường Trần Hưng Đạo, TP Hạ Long đã xây dựng kênh bán hàng trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội như: Tiktok, zalo, facebook. Chị Hồng cho biết: “Cách đây khoảng 5 năm, vào thời điểm sát Tết Nguyên đán như thế này, quầy hàng của tôi luôn đông khách, chỉ cần mở cửa ra kinh doanh là có khách đến mua. Nhưng mấy năm gần đây, khách hàng đến chợ ngày càng ít, có khi cả ngày chỉ bán được cho 1-2 khách. Để thích ứng với hình thức kinh doanh mới, hằng ngày, tôi thường livestream, chụp hình ảnh sản phẩm cập nhật trên nền tảng Tiktok, zalo và facebook cho khách hàng tham khảo, lựa chọn. Việc thường xuyên cập nhật hình ảnh sản phẩm mới, chất lượng cao, giúp thu hút khách hàng và tạo dựng niềm tin. Tôi cũng thường xuyên cập nhật đa dạng mẫu mã sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng”.
Tại các quầy hàng ở chợ Cột 3, TP Hạ Long, tiểu thương đều chuẩn bị QR Code để người dân thuận tiện sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Đang bán hàng cho khách, chị Nguyễn Thị Kim Trang, chủ quầy hoa quả nhận được cuộc điện thoại, chị lấy bút rồi ghi vội vào sổ. Chị chia sẻ: “Giờ bán hàng không chỉ trực tiếp tại chợ, khách bận không qua mua được sẽ gọi điện rồi mình giao hàng cho họ, thời buổi hiện nay phải đa dạng cách bán hàng chứ không thì khó giữ khách lắm”.
Chợ truyền thống không chỉ là nơi mưu sinh mà còn là nơi lưu giữ văn hóa, nét đẹp truyền thống và lưu giữ những hoạt động buôn bán giao thương, góp phần đáng kể trong việc phát triển kinh tế, xã hội của từng địa phương. Theo thống kê của Sở Công Thương, trên địa bàn tỉnh hiện có 133 chợ, gồm: 22 chợ hạng I, 23 chợ hạng II, 88 chợ hạng III. Đối tượng kinh doanh tại chợ chủ yếu là các tiểu thương, người dân sản xuất và bán trực tiếp sản phẩm. Các mặt hàng kinh doanh tại chợ phong phú về chủng loại, đa dạng về mẫu mã. Nhận thức rõ vai trò của chợ truyền thống, những năm qua, các địa phương đã tăng cường huy động nguồn lực để cải tạo, nâng cấp các chợ. Nhờ đó, các chợ đã được xây dựng kiên cố hoặc bán kiên cố với những quầy hàng đảm bảo diện tích, sạch sẽ, tạo nên một không gian mua sắm tiện nghi hơn cho người tiêu dùng. Các chợ đều thành lập ban quản lý, tổ quản lý thực hiện giám sát hoạt động mua, bán, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, an ninh công cộng. Các địa phương, ngành chức năng đã tổ chức các buổi tập huấn, tuyên truyền, vận động các tiểu thương đổi mới tư duy, áp dụng các phương thức kinh doanh mới; tạo dựng lòng tin với khách hàng bằng việc bán những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đúng giá niêm yết, tiện lợi, nhằm đáp ứng tốt hơn nữa những nhu cầu, thói quen mua bán hàng hóa đã có từ xưa của người tiêu dùng và hướng tới đáp ứng xu thế phát triển hiện đại.
Để thích ứng với xu thế của công nghệ số, tiểu thương tại các chợ truyền thống cũng đã thực hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt. Đến bất kỳ khu chợ nào, dù ở khu vực nông thôn hay thành thị, trên mỗi quầy hàng có điểm quét QR Code. Mô hình “Chợ 4.0 - Thanh toán không dùng tiền mặt” là một trong những hoạt động nhằm thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh mua bán nói chung và thanh toán không dùng tiền mặt nói riêng tại các chợ. Đồng thời, tạo điều kiện để người tiêu dùng trải nghiệm, tiếp cận với các phương thức thanh toán hiện đại. Với mô hình Chợ 4.0, toàn bộ tiểu thương và người dân có thể mua bán hàng hóa tại chợ bằng cách quét mã QR, hay chuyển tiền qua tài khoản, ứng dụng Viettel Money vô cùng nhanh chóng, thuận tiện. Nhờ đó, người dân có thể thoải mái đi chợ mà không còn những trở ngại như mang theo tiền lẻ, tính toán tiền thừa… Đặc biệt, khi sử dụng tài khoản Viettel Money để giao dịch, khách hàng không có kết nối internet cũng vẫn có thể thanh toán được thông qua việc nhập mã trên điện thoại.
Để tiếp tục duy trì và mở rộng triển khai mô hình Chợ 4.0 trên địa bàn tỉnh, phấn đấu triển khai tại 100% các chợ trên địa bàn, Quảng Ninh đang nghiên cứu mở rộng, phấn đấu triển khai hiệu quả tại 100% các chợ trên địa bàn trong năm 2025. Tỉnh cũng giao Tổ công nghệ số cộng đồng phối hợp với Ban quản lý các chợ hỗ trợ, hướng dẫn người dân thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng tại các chợ 4.0. Giao Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các ngân hàng thương mại phối hợp thực hiện hướng dẫn các hộ kinh doanh tại các chợ khởi tạo và sử dụng mã QR để thực hiện thanh toán các giao dịch; đảm bảo kết nối, liên kết các tài khoản ngân hàng với ví điện tử của các đơn vị viễn thông được đồng nhất.
Hoài Anh
Liên kết website
Ý kiến ()