Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:19 (GMT +7)
Cho những cánh rừng thêm xanh
Thứ 2, 22/05/2023 | 07:35:42 [GMT +7] A A
“Mục sở thị” những cánh rừng tự nhiên, rừng phòng hộ đầu nguồn trong lòng hồ Tràng Vinh (xã Hải Tiến, TP Móng Cái), chúng tôi thấu cảm hơn những khó khăn, vất vả của cán bộ, nhân viên BQL Rừng phòng hộ Móng Cái, những người thầm lặng giữ gìn, tiếp thêm màu xanh cho những cánh rừng.
Bình yên những cánh rừng
Đến Trạm Quản lý rừng phòng hộ Hải Tiến (BQL Rừng phòng hộ Móng Cái) một ngày giữa tháng 5/2023, anh Nguyễn Hữu Hùng, Trạm trưởng, vui mừng khoe với chúng tôi mới được Ban đầu tư cho một chiếc xuồng máy từ nguồn kinh phí xã hội hóa, thay thế cho chiếc bè máy cũ, nên hơn một tháng nay việc tuần tra, canh gác bảo vệ rừng trong lòng hồ Tràng Vinh đã thuận lợi, bớt khó khăn hơn.
Chiếc xuồng máy len lỏi đưa chúng tôi đi thăm những vạt đồi, cánh rừng trong lòng hồ. Hồ Tràng Vinh là một trong những hồ thủy lợi lớn trong nước với dung tích hơn 75 triệu m3 nước. Xuôi theo lòng hồ Tràng Vinh là những cánh rừng thông xanh mướt, những cánh rừng tự nhiên rậm rạp.
Anh Phùn Văn Thành, nhân viên Trạm đi cùng, kể cho chúng tôi nghe những khó khăn, vất vả khi quản lý, bảo vệ hơn 4.000ha rừng phòng hộ đầu nguồn nơi đây. Nhiều năm gắn bó với công tác quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ, anh Thành nắm rõ từng lô, khoảnh rừng trong lòng hồ. Anh Thành sinh ra và lớn lên tại xã Quảng Nghĩa (TP Móng Cái), bản thân và gia đình đã tham gia trồng rừng thuộc nhiều dự án khác nhau. Làm nhân viên bảo vệ rừng của Trạm, anh nhớ rõ từng cánh rừng trồng năm nào và hiện sinh trưởng ra sao. Cùng với những vạt rừng tự nhiên, trong lòng hồ hiện còn có những đồi thông mã vĩ được trồng từ những năm 1990, có đường kính gần đủ vòng tay người ôm.
Anh Nguyễn Hữu Hùng, Trạm trưởng, cho hay: Trong số hơn 4.000ha rừng phòng hộ do Trạm quản lý, có hơn 2.000ha rừng ngập mặn và hơn 2.000ha rừng phòng hộ đầu nguồn lòng hồ Tràng Vinh. Để quản lý, bảo vệ tốt những cánh rừng này, Trạm đã giao nhiệm vụ quản lý cụ thể, trực tiếp cho từng thành viên; đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân sinh sống gần rừng, nâng cao ý thức bảo vệ rừng.
Từ những năm 1990, khi triển khai dự án trồng rừng Việt - Đức, khu vực này có tình trạng chồng chéo giữa rừng dự án và rừng đã giao cho người dân, nên gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ rừng. Đặc biệt, tình trạng người dân vào rừng chặt trộm gỗ, khai thác lâm sản vẫn diễn ra. Tuy nhiên, từ khi rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng, khu vực rừng phòng hộ thuộc diện quản lý của Trạm không giao cho người dân, nên công tác quản lý, bảo vệ chặt chẽ hơn; không còn tình trạng người dân vào rừng khai thác gỗ, lâm sản.
Để vào kiểm tra được các khu rừng phòng hộ, hằng ngày các anh khi thì vượt qua lòng hồ Tràng Vinh, khi thì âm thầm len lỏi qua những vạt rừng, quyết không để cho "lâm tặc" bén mảng. Đến khu vực thuộc khoảnh 3, tiểu khu 350, chúng tôi chứng kiến những vạt rừng thông hàng chục năm tuổi đang sinh trưởng, phát triển tốt. Dưới tán rừng thông là những loài cây bản địa cao hơn tầm với.
Vừa lái xuồng, anh Nguyễn Anh Hùng, nhân viên của Trạm, cho biết: Cùng với công tác tuần tra, kiểm soát, Trạm tích cực tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân sống gần rừng phòng hộ hiểu biết về lợi ích, tầm quan trọng của rừng; đồng thời vận động, hướng dẫn người dân tham gia ký kết bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng, chung sức bảo vệ, phát triển rừng. Từ năm 2017 đến nay Trạm đã thực hiện chương trình làm giàu cho rừng bằng các dự án trồng cây bản địa. Đến nay khu vực lòng hồ Tràng Vinh có hàng chục ha cây bản địa như lim, lát, giổi từ 1-3 năm tuổi được trồng mới dưới tán rừng, đang sinh trưởng, phát triển tốt, góp phần bổ sung, làm giàu cho những cánh rừng phòng hộ lòng hồ Tràng Vinh.
Cùng với tuần tra, canh gác, Trạm thực hiện tốt công tác phòng cháy chữa cháy rừng. Với các máy thổi gió và một số trang thiết bị khác, Trạm duy trì thực hiện tốt việc gác lửa rừng tại chòi canh lửa; thường xuyên phối hợp diễn tập phòng cháy chữa cháy rừng. Nhờ sự cống hiến thầm lặng này, những cánh rừng phòng hộ đầu nguồn mỗi ngày một thêm xanh tốt, góp phần đảm bảo nguồn nước cho hồ Tràng Vinh cung cấp nước sản xuất và sinh hoạt cho người dân.
Nối dài “cánh tay” bảo vệ rừng phòng hộ
BQL Rừng phòng hộ Móng Cái được giao quản lý, bảo vệ 11.964,5ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó có 5.728,8ha rừng tự nhiên. Riêng diện tích rừng ngập mặn là 5.889,06ha. Thời gian qua, Ban đã tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng. Ban thành lập 4 trạm bảo vệ tại những địa bàn chủ chốt, trọng yếu (Bắc Sơn, Hải Sơn, Hải Tiến, Vĩnh Thực). Ban giao diện tích cụ thể cho từng trạm quản lý, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát thường xuyên. Nhờ đó từ năm 2017 đến nay không để xảy ra tình trạng chặt phá, lấn chiếm đất rừng phòng hộ, rừng ngập mặn. Cùng với công tác quản lý, bảo vệ rừng, từ năm 2015 đến nay, đơn vị tích cực thực hiện trồng rừng thay thế được gần 150ha.
Để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng phòng hộ, hằng năm Ban xây dựng kế hoạch công tác quản lý và bảo vệ theo quy định, ký hợp đồng khoán bảo vệ với lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách (17 người) theo quy định, nối dài “cánh tay” bảo vệ rừng phòng hộ. Ngay từ đầu năm, Ban triển khai giao khoán diện tích, địa điểm cụ thể cho từng người; rừng phòng hộ ngập mặn được giao khoán bảo vệ hằng năm đạt trên 2.000ha, rừng đầu nguồn trên 3.000ha. Việc giao khoán bảo vệ, phát triển rừng cho người dân sống gần rừng đã góp phần hạn chế tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng.
Ông Nguyễn Văn Đông, Phó Giám đốc BQL Rừng phòng hộ Móng Cái, cho biết: Hiện tỷ lệ che phủ rừng đối với phần diện tích đất lâm nghiệp do Ban quản lý đạt hơn 80%. Do diện tích rừng rộng, địa hình hiểm trở, các phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy rừng còn thiếu, diện tích được quy hoạch là rừng phòng hộ giao cho Ban quản lý còn bị chồng chéo đối với các hộ dân, trong đó có 13 hộ xã Hải Sơn với diện tích khoảng 35-40ha và hơn 25 hộ tại xã Vĩnh Trung với diện tích hơn 90ha đã sử dụng để trồng cây trước thời điểm thành lập Ban (năm 2005), gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Ban đang phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Đặc biệt, Ban đang tập trung thực hiện bổ sung diện tích rừng và đất rừng phòng hộ do UBND các xã, phường đang quản lý giao cho Ban theo chỉ đạo của UBND tỉnh; hoàn thiện cấp đổi điều chỉnh phần diện tích đất đã bị thu hồi chồng lấn với các hộ dân.
Hữu Việt
Liên kết website
Ý kiến ()