Sau khi được công ty phê duyệt, cô gái chụp ảnh lá đơn, đăng trên mạng xã hội và thu hút hàng trăm nghìn lượt chia sẻ, đa số bày tỏ sự ngạc nhiên. Nhiều người bình luận nói ghen tị.
Theo chia sẻ của cô gái, công ty có truyền thống cho phép nhân viên nghỉ làm với những lý do đặc biệt như Ngày quốc tế phụ nữ, Ngày thiếu nhi, tâm trạng không tốt...
Giám đốc công ty thông báo, nhân viên có thể từ chối yêu cầu làm việc của cấp trên và xin nghỉ nếu tâm trạng họ buồn bã. "Nếu nhân viên không hạnh phúc, họ được quyền xin nghỉ phép mà không ảnh hưởng đến lương thưởng", giám đốc nói.
Ở Trung Quốc, văn hóa làm việc 996 (từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày mỗi tuần) khá phổ biến. Đây là cường độ làm việc cao so với chuẩn thông thường, khiến người lao động cảm thấy căng thẳng, thậm chí kiệt sức.
Sức khỏe tâm lý ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất của người lao động. Đã xuất hiện những trào lưu "phản công việc" trong giới trẻ nước này, điển hình nhất là "nằm thẳng" hay "nằm yên, kệ đời" xuất hiện từ sau đại dịch Covid-19.
Trong bối cảnh đó, các công ty có phúc lợi tốt được chú ý nhiều hơn.
Hãng bán lẻ Pang Donglai, trụ sở TP Hứa Xương đang áp dụng chính sách mang tên "phần thưởng khiếu nại" cho các nhân viên cảm thấy tổn thương. Họ được phép làm việc dưới 40 giờ một tuần và có ít nhất 30 ngày phép trong năm, gấp ba lần so với chuẩn trung bình của Trung Quốc.
Chính sách trên khiến nhiều người cảm thấy phấn khởi, đặc biệt khi nó được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội.
"Quý trọng những người chủ như vậy", một người bình luận. "Lý do nghỉ phép không thiếu nhưng hiếm ai trao quyền tự do đó cho người lao động".
Việc cấp nghỉ phép theo tâm trạng phản ánh sự thay đổi của nhà quản lý. Họ thể hiện cam kết của doanh nghiệp đối với sức khỏe tinh thần của nhân viên.
Ý kiến ()