Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:08 (GMT +7)
Xây dựng văn minh thương mại ở chợ Hạ Long 1
Thứ 3, 17/01/2023 | 09:56:48 [GMT +7] A A
Không chỉ là chợ truyền thống phục vụ người dân quanh vùng, chợ Hạ Long 1 còn là một trong những điểm tham quan, mua sắm không thể thiếu của không ít du khách khi đến TP Hạ Long. Chính vì vậy, việc tạo môi trường văn minh thương mại là điều đặc biệt quan trọng đối với Ban Quản lý chợ.
Những ngày áp Tết, lượng người, hàng hóa về chợ Hạ Long 1 mỗi lúc một đông, tuy nhiên an ninh trật tự (ANTT) nơi đây vẫn khá tốt. Dạo quanh chợ, không khí mua bán tấp nập. Quầy hàng nào cũng đầy đặn, bài trí bắt mắt hơn ngày thường. Mặt hàng hải sản tươi sống, chả mực thu hút rất đông khách. Quanh khu chợ, nhiều quầy hàng đều gắn mã QR phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt nên giúp cho việc giao thương nhanh chóng hơn.
Tại nhà chợ số 2 và số 4 của ngành hàng gia vị, hải sản khô, thờ tự, không gian thoáng đãng, các quầy hàng được bố trí gọn gàng hơn. Quầy hàng nào cũng được lắp đèn rất sáng, sạch sẽ, ngăn nắp. Chị Lê Thị Thu Hà, tổ trưởng ngành hàng gia vị khô, cho biết, Ban Quản lý chợ vừa đầu tư nâng cấp hai nhà chợ kinh phí khoảng 4 tỷ đồng thay thế toàn bộ mái, cửa, nền nhà... tạo bộ mặt chợ khang trang, văn minh hơn đáng kể. Đầu tư như vậy, phí diện tích kinh doanh trước mắt tăng từ 160 ngàn đồng/m2/tháng lên 180 ngàn đồng, các hộ kinh doanh đều đồng thuận, phấn khởi.
Đến ngành hàng hải sản khô, chúng tôi hỏi chị Mai Hương, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, cảm nhận về chợ Hạ Long 1. Chị Hương cho biết, chị thích không gian chợ nơi đây, rất thoáng; hơn nữa ANTT tốt, dễ mua... Chỉ có điều, nếu một bộ phận nhỏ hộ kinh doanh có ý thức giữ gìn vệ sinh chung tốt hơn thì ấn tượng về chợ trong lòng mỗi du khách sẽ tốt hơn.
Với gần 1.800 hộ kinh doanh vừa cố định và không cố định hoạt động tại chợ thì việc duy trì ý thức tốt trong giữ gìn vệ sinh chung quả là không đơn giản. Tuy nhiên, Ban Quản lý chợ cũng đã có nhiều giải pháp hiệu quả, tạo môi trường thân thiện ngày càng tốt hơn trong nhiều năm qua. Ban phân công cụ thể từng CBVC phụ trách ngành hàng, thường trực, chủ động nắm bắt tình hình, tâm tư; giải quyết kịp thời mọi thắc mắc, phát sinh của các hộ kinh doanh, hay các phản ánh của người dân. Từ sự sát sao này, nhiều vấn đề được giải quyết dứt điểm, tạo được mối đoàn kết nội bộ giữa các hộ kinh doanh; đặc biệt các hành vi gian lận thương mại đã giảm nhiều, văn hóa ứng xử được cải thiện đáng kể. Việc thường trực tuần tra, kiểm soát của cán bộ Ban cũng đã làm hạn chế tối đa nạn trộm cắp, tạo tâm lý yên tâm của người dân nói chung khi đến chợ... Để góp phần tạo môi trường thân thiện, Ban chủ động phối hợp với các ngành chức năng thực hiện quan trắc môi trường định kỳ; thu gom, vận chuyển rác thải không để tồn đọng; hệ thống camera giám sát chặt chẽ, nhằm phát hiện, xử lý kịp thời đối tượng vi phạm pháp luật, hay vi phạm nội quy chợ, như lấn chiếm diện tích bán hàng, đỗ xe sai quy định, thay đổi thiết kế quầy hàng...; Thường xuyên phổ biến về an toàn vệ sinh thực phẩm; các biện pháp phòng, chống ngộ độc; giám sát các hộ kinh doanh thực hiện phun thuốc khử trùng, tiêu độc định kỳ. Điều đáng ghi nhận, cho đến thời điểm này, chưa có trường hợp nào ngộ độc thực phẩm phải cấp cứu do ăn uống tại chợ mà ngành chức năng kết luận.
Chia sẻ vấn đề văn minh thương mại, ông Trần Văn Tuyên, Phó phụ trách Ban Quản lý chợ Hạ Long 1, cho biết: Với sự phát triển mạnh của xã hội, nếu chợ truyền thống nói chung, chợ Hạ Long 1 nói riêng không tạo được môi trường thân thiện, rất khó phát triển tốt. Cùng với việc đảm bảo hạ tầng khang trang, an toàn, rất cần ý thức tốt của từng hộ kinh doanh trong việc giữ gìn ANTT, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ.... Quan trọng nữa là phong cách phục vụ, văn hóa ứng xử. Một số ngành hàng nên thay đổi tư duy kinh doanh, như vậy mới có thể đem lại giá trị kinh tế ổn định, góp phần đưa chợ phát triển bền vững.
Thanh Hà
Liên kết website
Ý kiến ()