Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 19/11/2024 20:21 (GMT +7)
Chờ đến 2026 mới sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân là quá muộn?
Thứ 4, 18/01/2023 | 16:33:34 [GMT +7] A A
Mức giảm trừ gia cảnh trong cách tính thuế thu nhập cá nhân hiện không còn phù hợp với sự biến động của mặt bằng giá, gây khó cho những người làm công ăn lương. Trong khi người dân mong mỏi sự thay đổi thì dự kiến đến 2026 mới sửa luật, liệu có muộn?
Thuế thu nhập cá nhân lạc hậu
Trong bối cảnh giá cả hàng hóa tăng cao, đời sống của nhiều người làm công ăn lương khá chật vật, thì mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế và người phụ thuộc vẫn chưa được điều chỉnh là một trong những vấn đề gây băn khoăn nhất.
Quy định mức giảm trừ gia cảnh khi tính thuế là 11 triệu đồng/tháng, giảm trừ người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng hiện nay được cho là không đủ để người lao động đảm bảo cuộc sống, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM.
Là kế toán cho một công ty thực phẩm lương 15 triệu đồng/tháng, chị Nguyễn Thị Luyến ở Hai Bà Trưng (Hà Nội) luôn trong tình cảnh phải tính toán, cân nhắc chi tiêu phù hợp với thu nhập và giá cả tăng cao. Để không phải nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN), chị kê khai người phụ thuộc là con gái mình. Chồng chị cũng làm công ăn lương, với mức 12 triệu đồng/tháng, sẽ phải nộp thuế TNCN.
“Vừa nuôi con ăn học, vừa thuê nhà, chi tiêu sinh hoạt hàng ngày từ ăn uống, tiền điện, tiền nước đến hiếu hỉ,... đều từ nguồn thu nhập của hai vợ chồng, tôi luôn phải so đo tính toán nhưng cũng chỉ đủ chứ không có tích lũy. Khi giá cả mọi thứ đều tăng, nhất là sau hơn 2 năm dịch bệnh, thì mức giảm trừ gia cảnh cũng phải nâng lên hoặc mức thuế TNCN phải giảm đi mới hợp lý. Mong Nhà nước sớm có sự thay đổi”, chị Luyến mong mỏi.
Tương tự, chị Thu Hương ở Hoàng Mai (Hà Nội), cho rằng quy định của thuế TNCN quá lạc hậu khi mẹ chị có lương hưu hàng tháng gần 4 triệu đồng, nhưng do tuổi đã cao, lại hay đau ốm nên ngoài sinh hoạt phí hàng tháng, khoản chi lớn hơn là tiền thuốc.
“Nhiều năm nay, hai chị em tôi đều phải gửi tiền hỗ trợ mẹ, nhưng số tiền này không được tính giảm trừ gia cảnh. Bởi, theo quy định, người có thu nhập trên 1 triệu đồng/tháng thì không được tính là người phụ thuộc. Mặc dù mẹ chúng tôi có lương gần 4 triệu đồng/tháng nhưng thực sự không đủ để trang trải, nếu không có sự hỗ trợ từ người thân”, chị Hương kể.
Năm 2026 mới sửa luật có quá muộn?
Trả lời câu hỏi này của PV. VietNamNet, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế tài chính, cho hay, đáng ra phải sửa Luật Thuế TNCN từ lâu rồi chứ không phải đến bây giờ. Mong các cơ quan quản lý Nhà nước nhìn nhận, xem xét phù hợp để sớm chỉnh sửa luật cho hợp lý.
Theo ông Thịnh, mức chịu thuế đã có chỉnh sửa nhưng chủ yếu chỉnh sửa theo mức lạm phát trên 20%, như thế không hợp lý.
“Rõ ràng, xã hội ngày càng tiến lên, thu nhập ngày càng khá, đời sống người dân ngày càng cao, mức sống bình quân của xã hội cao thì mức bình quân đóng thuế cũng cần ‘nới’ rộng ra để đảm bảo mức sống mới cho người đóng thuế, chịu thuế. Hay mức giảm trừ người phụ thuộc hiện là 4,4 triệu đồng/tháng thì làm sao nuôi được một đứa con ở TP.HCM hay Hà Nội; cũng không thể nuôi được bố mẹ ở thành phố ốm đau đi bệnh viện”, ông Thịnh nói.
Ngoài ra, vị chuyên gia này nhận xét, hiện các bậc tính thuế quá gần nhau, không tạo ra được sự thay đổi nào lớn, không thực sự hỗ trợ cho người nộp thuế, gây khó khăn cho việc tính toán,... Vì thế, nên đơn giản các bước nộp thuế để nộp thuế hợp lý và chấp nhận được.
Cũng chia sẻ với PV, ông Nguyễn Văn Được, Ủy viên BCH Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và tư vấn thuế Trọng Tín, cho hay, khi chính sách đã ban hành ra không phù hợp với thực tiễn bắt buộc phải sửa đổi; sửa đổi càng nhanh càng tốt.
Có nhiều ý kiến cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh có thể tính theo mức lương tối thiểu vùng, nhưng ông Được cho rằng, như thế cũng chưa phù hợp; bởi lương tối thiểu mỗi vùng khác nhau, người lao động là lao động mở, có thể làm ở tỉnh này, tỉnh kia.
Theo ông, vẫn lấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là chỉ tiêu hợp lý và tổng hòa các yếu tố về mặt vĩ mô. “Luật quy định trường hợp CPI tăng 20% thì Chính phủ mới trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh giảm trừ gia cảnh cho phù hợp với sự biến động của giá cả và đây chính là điểm chưa hợp lý trong sắc thuế TNCN.
Có thể điều chỉnh theo hướng giao cho Chính phủ được quyền quyết định thay đổi mức giảm trừ gia cảnh khi chỉ số giá tiêu dùng tăng đến một giới hạn nào đó, có thể 5 hay 10%, như vậy sẽ sát thực hơn, linh hoạt hơn mà vẫn đảm bảo tổng hòa các mối quan hệ. "Một chính sách đưa ra phải đảm bảo được tất cả các yếu tố về mặt kinh tế vĩ mô, về mặt thực tiễn với người dân, doanh nghiệp và thu ngân sách”, ông Được nói.
Ông Được lưu ý, về mặt dài hạn, chúng ta cần quản lý thu nhập của người nộp thuế tốt lên để hướng tới tính giảm trừ gia cảnh cho nhiều khoản mục chi phí thực tế của người nộp thuế.
Bộ Tư pháp đang hoàn thiện dự thảo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh năm 2023 của Chính phủ. Trong đó, đáng chú ý là nội dung liên quan đến việc xây dựng Luật Thuế TNCN (sửa đổi). Qua kết quả nghiên cứu, rà soát, Chính phủ đề xuất xây dựng Luật Thuế TNCN (sửa đổi) và đề nghị đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025), thông qua tại Kỳ họp thứ 11 (tháng 5/2026). Luật Thuế TNCN được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 20/11/2007, có hiệu lực từ 1/1/2009 (được sửa đổi, bổ sung 2 lần vào năm 2012 và năm 2014). Từ 1/7/2020, mức giảm trừ gia cảnh khi tính thuế TNCN đã được Quốc hội đồng ý tăng từ 9 triệu lên 11 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, mức giảm trừ này vẫn bị đánh giá là chưa theo kịp tốc độ tăng giá cả hàng hóa, dịch vụ. |
Theo vietnamnet.vn
Liên kết website
Ý kiến ()