Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:06 (GMT +7)
Chợ công nghệ 4.0
Thứ 4, 28/06/2023 | 14:36:40 [GMT +7] A A
Thời gian qua, mô hình “Chợ công nghệ 4.0” đã được triển khai tại nhiều địa phương trong tỉnh. Qua đó, đã bước đầu phát huy hiệu quả tích cực, giúp người dân trải nghiệm và tiếp cận với các phương thức thanh toán hiện đại không dùng tiền mặt, kích thích hoạt động mua sắm, góp phần xây dựng xã hội số, kinh tế số theo mục tiêu chương trình chuyển đổi số của tỉnh.
Mô hình Chợ công nghệ 4.0 là xu hướng tất yếu trong kỷ nguyên số, giúp nâng cao tính chính xác, hiện đại, thuận tiện trong giao dịch mua bán, góp phần thúc đẩy phát triển thương mại điện tử. Với mô hình Chợ công nghệ 4.0, tiểu thương và người dân có thể mua bán hàng hóa tại chợ bằng cách quét mã QR, hay chuyển tiền qua số điện thoại trên ứng dụng các nhà mạng vô cùng nhanh chóng, thuận tiện. Để tham gia mô hình chợ 4.0, tiểu thương chỉ cần căn cước công dân, số điện thoại chính chủ, sẽ có nhân viên của các nhà mạng Viettel, Mobile, các hệ thống ngân hàng… hỗ trợ, tạo tài khoản để giao dịch.
Ghi nhận tại TP Cẩm Phả, để thực hiện hiệu quả mô hình chợ công nghệ 4.0, các ngành chức năng của thành phố đã tăng cường tuyên truyền bằng cách trang bị băng rôn, khẩu hiệu thanh toán số tại chợ; tuyên truyền rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng, loa truyền thanh...; hướng dẫn, đào tạo về thanh toán không dùng tiền mặt phù hợp phong tục tập quán, độ tuổi, trình độ, nghề nghiệp, tâm lý và đặc điểm của từng đối tượng. Công tác tuyên truyền còn được gắn với việc hướng dẫn, đào tạo về thanh toán không dùng tiền mặt với chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, hóa đơn điện tử và các nội dung chuyển đổi số trên địa bàn; hỗ trợ, hướng dẫn các tổ chức và cá nhân sản xuất, kinh doanh đăng ký và sử dụng mã QR của tài khoản ngân hàng và các ví điện tử (VNPay, MoMo, ZaloPay, ViettelPay, ShopeePay, VCBPay…) để thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong các giao dịch…
Ông Đinh Ngọc Chiến, Phó Chủ tịch UBND TP Cẩm Phả, cho biết: Hiện nay, thành phố thực hiện thí điểm mô hình Chợ công nghệ 4.0 tại 2 chợ hạng I là chợ Trung tâm TP Cẩm Phả, chợ Cẩm Đông và sẽ dần triển khai nhân rộng đối với toàn bộ hệ thống chợ trên địa bàn thành phố. Địa phương phấn đấu đến năm 2025 có từ 90% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng; tối thiểu 50% các hộ tiểu thương sử dụng thành thạo, thường xuyên công cụ thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ đăng ký mô hình Chợ công nghệ 4.0; tối thiểu có 20% tiểu thương/hộ kinh doanh tại chợ được trang bị quét mã QR Code thanh toán không dùng tiền mặt; 100% ban quản lý các chợ trong danh sách đăng ký thực hiện sử dụng các loại hóa đơn, biên lai điện tử.
Hiện nay, TP Móng Cái cũng đã và đang tích cực triển khai thực hiện mô hình Chợ công nghệ 4.0 tại các chợ trên địa bàn quản lý, nhằm tạo bước chuyển mới về chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh, thuận tiện cho người dân. Từ tháng 3/2022, tại hầu hết các chợ trên địa bàn của thành phố đều triển khai thực hiện mô hình này, thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán số cho các hoạt động mua sắm, phí dịch vụ.
Chị Đặng Thị Loan, kinh doanh tại quầy 154 chợ 3 Móng Cái (TP Móng Cái) chia sẻ: Sau khi được Ban Quản lý chợ và Ngân hàng Nam Á hướng dẫn, cài đặt tạo mã QR code để thanh toán, tôi thấy rất thuận lợi trong việc mua bán tại chợ cũng như nộp thuế. Khách hàng có thể chuyển tiền qua tài khoản không mất thời gian chờ đợi và không lo tiền giả. Từ khi triển khai mô hình Chợ công nghệ 4.0 đến nay, đã có rất nhiều khách hàng thực hiện chuyển khoản và thanh toán bằng ví điện tử. Tôi nghĩ, đây là hoạt động thực tiễn, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và cần được nhân rộng hơn nữa.
Tính đến thời điểm hiện tại, 13/13 địa phương trong tỉnh đã xây dựng kế hoạch, ban hành văn bản chỉ đạo và đang triển khai thực hiện Chợ công nghệ 4.0 tại các chợ quản lý. Một số chợ đã đạt được những hiệu quả nhất định, như: Chợ Cẩm Đông (TP Cẩm Phả) có 322/345 điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt (đạt 93,33%); chợ Trung tâm Uông Bí đăng ký mở tài khoản và mã QR Code cho 499 hộ kinh doanh; chợ Cái Rồng (huyện Vân Đồn) mở 353/381 tài khoản cho các hộ kinh doanh (đạt 92%); chợ Trung tâm Tiên Yên đã đáp ứng hạ tầng và sẵn sàng cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt cho 100% hộ kinh doanh… Hiện, 100% các chợ trung tâm tại các địa phương đã chấp nhận thanh toán các khoản phí và thực hiện thanh toán hóa đơn điện, nước thông qua các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Ngày 25/3/2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 97/KH-UBND về việc triển khai đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2025, Quảng Ninh phấn đấu 50% thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử, 90% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác, tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 20-25%/năm, tốc độ tăng trưởng bình quân qua kênh điện thoại di động về số lượng giao dịch đạt 60-80%, tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử đạt 50%. |
Việc đẩy mạnh phát triển mô hình Chợ công nghệ 4.0 trên địa bàn tỉnh đã góp phần thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt; dần hình thành thói quen bước đầu của người dân, doanh nghiệp về thanh toán không dùng tiền mặt trong mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ và góp phần hình thành kinh tế số, xã hội số toàn diện trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Minh Đức
Liên kết website
Ý kiến ()