Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 09:29 (GMT +7)
Chớ coi thường nhưng đừng quá tôn vinh “phim thương mại ăn khách”
Thứ 5, 09/03/2023 | 11:28:20 [GMT +7] A A
Trong cuộc tọa đàm khoa học “Đề cương về văn hóa Việt Nam và sự phát triển tư duy lý luận của Đảng về văn học, nghệ thuật 80 năm qua” do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh TS. Ngô Phương Lan chia sẻ quan điểm về những phim thương mại ăn khách, tiêu biểu là “Bố già” và “Nhà bà Nữ”.
Đừng bắt phim thị trường gánh vác trọng trách nghệ thuật
TS. Ngô Phương Lan cho rằng, nhiều người trong giới chuyên môn ít nhiều thiếu coi trọng với những tác phẩm ăn khách. Khi nhắc đến hai phim ăn khách của Trấn Thành là “Bố già” và “Nhà bà Nữ” với doanh thu trên 400 tỉ đồng và gần 500 tỉ đồng, bà Lan cho rằng, phim mang hơi thở cuộc sống của tầng lớp bình dân nhưng trở thành hình tượng màn ảnh.
“Nhà bà Nữ” thể hiện triết lý, những điều đáng suy ngẫm về gia đình, về mối quan hệ giữa con người... Trong sự phát triển của văn học nghệ thuật, cần nhiều xu hướng sáng tác đảm bảo tính dân tộc, khoa học. Tính đại chúng cũng rất quan trọng. Và những tác phẩm điện ảnh có hiệu ứng xã hội lớn như “Nhà bà Nữ” cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, thay vì xem nhẹ, coi thường, thậm chí chê bai là hàng chợ.
Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ cũng nhận định, dòng phim giải trí, thương mại ở Việt Nam có một số tác phẩm ấn tượng, mang về doanh thu cả trăm tỉ đồng, lôi kéo công chúng đến rạp.
Trong cuộc trao đổi với phóng viên Lao Động, đạo diễn, NSƯT Bùi Tuấn Dũng cho biết, nhận định cá nhân của anh với vị thế, vừa là đạo diễn, vừa là khán giả - người quan sát: “Bố già” và “Nhà bà Nữ” là hai phim thị trường ăn khách, nhưng nó khác hẳn so với những phim thị trường của 5 năm trước và càng khác với những phim ăn khách của 10 năm trước.
Tất nhiên tôi biết rằng anh vẫn phải kiểm soát câu chuyện, kiểm soát mạch kể với trách nhiệm của đạo diễn khiến anh không ít lần phân tâm nên phần diễn xuất với anh trong phim này chưa thật đã. Thực ra, Trấn Thành cho đến bây giờ, theo tôi vẫn chưa có một vai diễn, một nhân vật đủ hay để anh ấy bộc lộ hết tài năng.
Lê Giang cũng vậy, cả phim chị ấy tiết chế diễn xuất vừa đủ để khán giả tin có một bà Nữ nguyên tắc và cứng nhắc như vậy trong cuộc đời này. Toàn bộ dàn diễn viên khác cũng vậy, họ đã cùng nhau nghiêm túc xây dựng một bi kịch tình yêu, gia đình và vượt qua nó đầy nhân ái dù nhiều tổn thương. Đó là tình mẹ con, tình vợ chồng, tình yêu đầy ngây thơ, dại dột và ngu ngốc... thứ mà tất cả chúng ta, những người mua vé hoặc không mua vé đều ít nhiều từng trải qua hoặc sẽ phải quan tâm.
Tất nhiên, đừng bắt những phim kiểu này phải gánh nhiều quá những trọng trách nghệ thuật mà những bộ phim làm ra thường chỉ để đi thi hướng tới. Tuy nhiên với khía cạnh nghề nghiệp thì các nhà làm phim đã tạo ra nhiều ấn tượng tốt ở cả phần sáng tạo và biểu diễn, nó hơn hẳn nhiều phim chủ ý theo khuynh hướng nghệ thuật hoặc ra vẻ nghệ thuật, ở phần kĩ năng nghề. Nó, dù nặng về giải trí hơn, rất nặng, nhưng nó cho những cảm xúc tốt và nó khiến người xem nhận thức được nhiều hơn về cuộc đời này.
Nói thêm về sự phát triển của điện ảnh Việt, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng nhấn mạnh: Tôi nghĩ phim ảnh nên được quản lý bằng bộ Luật và sự hỗ trợ bằng chính sách nhà nước có tính chiến lược để nó tự do phát triển theo xu thế thời đại đã có định hướng. Chúng ta đã coi Điện ảnh là một sản phẩm của một nền công nghiệp giống như xu thế chung của thế giới đã khẳng định hơn một trăm năm qua, hãy để nó sống theo cách nó muốn một cách xứng đáng.
Mọi sự tác động thô bạo hoặc thờ ơ đã và đang giết chết cả một nền điện ảnh có rất nhiều thành tựu trong quá khứ. Tuy nhiên, điện ảnh là sản phẩm sáng tạo, đừng bắt nó phải đứng lại và nhìn gốc để phát triển. Nó chỉ nên dựa vào gốc và tự do vươn lên trời cao, vậy mới là hướng đi cùng với lợi ích và nhân tâm, lại hợp với tự nhiên nữa.
Cần hơn thế những liều thuốc giảm đau
Rõ ràng, trong nỗ lực, điện ảnh Việt Nam cần nhiều phim có sức hấp dẫn để lôi kéo công chúng đến rạp, để hâm nóng tình yêu phim Việt thì những thành công lớn về doanh thu của hai phim của Trấn Thành hay một số phim khác của Vũ Ngọc Đãng (“Chị chị em em 2”) hay Võ Thanh Hòa (“Chìa khóa trăm tỷ”, “Nghề siêu dễ”…), Lý Hải (các series phim “Lật mặt”)… là rất đáng ghi nhận. Các đạo diễn kể trên đã rất nhanh nhạy, nắm bắt nhu cầu khán giả để làm những phim thương mại thuần túy, đặt mục đích giải trí - doanh thu lên hàng đầu và thành công. Nó không bị lạc lối, nửa nọ, nửa kia theo kiểu vừa muốn làm nghệ thuật, vừa muốn làm thương mại… nên chết yểu như một số phim khác.
Để làm những phim thương mại thành công - điều cực khó trong thị trường phim Việt khi “gu” khán giả khó nắm bắt - các đạo diễn kể trên hẳn nhiều khi phải “hy sinh” cái tôi yêu thích cá nhân, để làm cái khán giả thích.
Nhưng bạn thử hình dung nếu điện ảnh Việt chỉ toàn những phim như “Bố già”, “Nhà bà Nữ” hay “Chị chị em em 2”… thì sao?
Liệu nhu cầu thẩm mỹ, thị hiếu của khán giả có được nâng lên?
Liệu những bộ phim trên có thể đem đến vinh quang cho điện ảnh Việt Nam trên trường quốc tế? Có thể làm phong phú, giàu có thêm ngôn ngữ điện ảnh với những tìm tòi mới mẻ, sáng tạo?
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()