Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 16:39 (GMT +7)
"Gửi gắm ước vọng Xuân trong mỗi con chữ"
Chủ nhật, 28/01/2024 | 14:15:23 [GMT +7] A A
Xin chữ, cho chữ đầu năm là một phong tục đẹp của người Việt từ xưa, thể hiện tinh thần hiếu học, tôn sư trọng đạo, sự trân quý giá trị của chữ nghĩa. Xin chữ đầu năm cũng là ước vọng may mắn, tốt lành cho cả năm, là sự răn dạy con người sống đúng với ý nghĩa của mỗi chữ xin được. Ngoài xin chữ, nhiều người còn xin những bức tranh xuân vào đầu năm mới.
Bên tách trà xuân, hoạ sĩ Nghiêm Vinh, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh, Trưởng nhóm Hoạ sĩ Hòn Gai, chia sẻ với chúng tôi về những câu chuyện vẽ tranh thư hoạ và viết thư pháp ngày Tết. Ông bảo: Hiện nay, dân mình đang có xu hướng quay về với những giá trị truyền thống, tôn vinh nét văn hoá Việt. Vậy nên, rất nhiều người mong muốn có một bức thư hoạ treo trong nhà đầu năm để cầu may mắn, hanh thông. Hoạ sĩ chỉ là người thay họ gửi gắm ước vọng đầu xuân vào từng bức vẽ như thế.
- Thưa ông, từ một họa sĩ chuyển sang làm ông đồ cho chữ thì có gì thuận lợi và khó khăn?
+ Không phải là chuyển mà chỉ là thêm, là trải nghiệm mới. Việc này cũng thuận thôi bởi trong tranh có chữ. Mỗi họa sĩ khi vẽ xong một bức tranh đều đặt tên cho đứa con tinh thần của mình và ghi tên mình lên tranh. Trong chữ lại có tranh. Người xưa viết chữ mà như vẽ, nhất là chữ Hán. Viết chữ cũng thể hiện óc thẩm mỹ của mỗi người. Tôi thấy khi chuyển sang viết thư hoạ chữ Việt rất thuận lợi, bởi trước kia tôi đã vẽ rất nhiều tranh ở lối vẽ ứng dụng, vẽ trang trí.
- Sự gần gũi giữa thư pháp và hội hoạ, giữa tranh và chữ như thế phải chăng tạo điều kiện cho ông có nhiều đất diễn trong thư hoạ?
+ Thư pháp, hiểu một cách đơn giản đó là phương pháp viết chữ theo kiểu hội họa, tạo ra những tác phẩm có giá trị biểu đạt cao về mặt tư tưởng, cảm xúc và nghệ thuật. Thư pháp kết hợp với tranh vẽ thì gọi là thư họa. Tôi biết, nơi quê hương tôi ở đất Quảng Yên xưa có cụ giáo Giai, cụ lang Quế, thầy Trần Tăng Bí, cụ giáo Hinh, cụ Nhã, thầy Khuê Bích... viết chữ rất đẹp.
- Được biết, gần đây ông viết cả thư pháp chữ Hán?
+ Tôi không được học chữ Hán ở trường lớp nào cả. Thế nhưng, việc học thì có nhiều con đường, kể cả tự học. Gần đây, tôi tự học chữ Hán và ở nhà đóng cửa luyện viết chữ. Tôi nghĩ việc học tập rèn luyện thì không bao giờ muộn cả. Tôi thích thú với điều đó.
- Ông thường đi vẽ ở những đâu, thưa hoạ sĩ?
+ Những năm trước đây, khi sức khỏe còn cho phép, tôi đã ra cả tỉnh ngoài bày vẽ tranh ở chợ hoa xuân Hải Phòng, Ngày di sản Hội An (Quảng Nam). Tôi vẽ mọi nơi, vẽ mọi đối tượng, vẽ khách du lịch nước ngoài, vẽ bạn bè đồng nghiệp, vẽ người già, trẻ. Tôi vẽ ngày Tết, buổi khai xuân, chợ hoa, hội chợ. Có khi lang thang dọc bờ biển Hạ Long để vẽ. Tôi thường xuyên về quê hương Quảng Yên để vẽ tranh và viết thư pháp. Tôi hiện có một gian hàng thư họa tại miếu Vua Bà. Tại phố đi bộ Tiên Yên rồi phố đi bộ Bài Thơ, mỗi dịp cuối tuần có hẳn một không gian ông đồ cho chữ. Tôi thường có mặt tại những không gian đó.
- Vậy những người đến với ông thường xin những chữ gì?
+ Rất đa dạng, tuỳ theo đối tượng. Học sinh, sinh viên Quảng Yên yêu thích tìm hiểu những chữ “đăng khoa”, "đỗ đạt"... Nhiều bác cao tuổi xin chữ "bình", "an", “tâm”, chữ “hiếu”, chữ “thọ”, “an khang thịnh vượng”, “thành đạt”... Người ta tìm học chữ “nhẫn” vì để thành công cần sự nhẫn nại, kiên trì. Khi ta luyện chữ cũng chính là luyện tâm, “vì con tim vui mà múa bút”. Tôi thích cho chữ vì nghĩ mình đang cho giới trẻ cơ hội hòa mình vào các giá trị văn hóa truyền thống. Tôi cũng hướng dẫn du khách viết chữ mà mình yêu thích. Tôi nghĩ, đây là cách quảng bá văn hóa Việt đến với du khách nước ngoài. Giữa câu chuyện cho và nhận, được và mất, tôi nghĩ mình cứ cho đi cái đã. Cho là cho cái tinh thần đó, cái phong tục tốt đẹp đó. Còn chữ mình đến đâu thì đã có xã hội đánh giá.
- Có khi nào sự đánh giá ấy thể hiện bằng tiền bạc?
+ Tôi không lấy tiền bạc làm sự đánh giá. Có du khách sẵn lòng nhận tranh và lì xì cho người hoạ sĩ già một vài trăm nghìn cho một bức vẽ. Có khi với một ngày làm việc ở nơi đông khách, có thể thu về vài triệu đồng. Có khi tôi chỉ nhận lại một lời cảm ơn. Chẳng bao giờ tôi đòi hỏi. Gặp người tâm đắc, am hiểu nghệ thuật thì tặng không chẳng bán.
Mình vốn chẳng có danh hiệu gì, chỉ cần nhìn tranh mình người ta nhớ đến cái tên Nghiêm Vinh là được. Hoạ sĩ được công chúng nhớ đến, hoạ sĩ của nhân dân mới là quan trọng. Nó quan trọng hơn mọi danh hiệu. Bởi thế, tôi nghĩ cho đi đã là hạnh phúc bởi cho đi là còn mãi. Người ta đang giữ hộ mình, lan toả hộ mình.
- Nói thì nói vậy nhưng viết và vẽ, nhất là vào dịp Tết, chắc là cũng đem lại thu nhập đáng kể?
+ Nói thật là trong dịp Tết mà vẽ trực hoạ thì làm không hết việc. Dịp Tết, thu nhập từ vẽ tranh thường rủng rỉnh hơn vì đơn đặt hàng nhiều hơn. Nhiều người cần lên nhà mới, cần tranh treo Tết, nhiều khách sạn đón khách cũng tổ chức vẽ tranh. Nhiều hội xuân du khách cũng xin chữ, mua tranh.
- Thưa hoạ sĩ Nghiêm Vinh, đến nay ông đã có bao nhiêu bức tranh ký hoạ?
+ Thú thực là không thể nhớ cụ thể bao nhiêu, dễ tới hàng nghìn bức. Tôi vẽ để chơi và để tặng, cũng có khi bán nếu có ai mua, giờ chỉ giữ lại được khoảng một phần tư. Trong đó cũng có những bức tôi yêu thích nên giữ lại bằng cách chụp lại bằng máy ảnh...
- Nhưng như trên ông nói, để người ta giữ hộ mà sau này ông muốn mở triển lãm thì phải làm thế nào?
+ Tôi mơ ước có một triển lãm cá nhân về tranh ký hoạ chân dung. Đến khi đó có khi mình phải đi mượn lại các nhân vật của mình. Cái nào không mượn được thì có lẽ sẽ in ra từ ảnh chụp.
- Thưa ông, vẽ chân dung trong một thời gian rất ngắn như vậy hẳn là rất khó?
+ Vẽ ký hoạ, cái khó nhất có lẽ là phải làm sao chỉ trong vài nét mà làm toát lên được “cái đặc trưng” của mỗi chân dung. Muốn vậy, phải biết quan sát, tìm ra nét riêng, mỗi nhân vật mình phải thấy họ có gương mặt riêng. Khuôn mặt ấy khó mà lẫn được. Không cần tỉ mỉ lắm, chỉ cần phát hiện nhân diện chuẩn là đã vẽ được ký hoạ chân dung. Không nhân vật nào giống nhân vật nào. Ngược lại, nếu không biết quan sát thì vẽ tranh như nhân vật trong tranh cổ động, ai cũng giống ai. Khi vẽ ký hoạ, hoạ sĩ có thể dùng nhiều thủ pháp như chấm bút, nghiêng bút, chấm mực loang... Riêng tôi, tôi thích dùng mực nho vẽ trên giấy dó.
- Cái sự không cần tỉ mỉ ấy phải chăng là tô đậm một nét riêng nào đó của nhân vật?
+ Đúng vậy. Thường thì trong vẽ ký hoạ, khi cần cường điệu hoá, cách điệu hoá để nói cho rõ hơn, người vẽ sẽ chỉ tô đậm một nét đặc trưng nào đó của nhân vật. Trường hợp này hay dùng để vẽ chân dung văn nghệ sĩ…
- Trong quá trình vẽ ký hoạ chân dung, ông thích nhất điều gì?
+ Được vẽ họ đã là một sự thích rồi. Mỗi gương mặt một tính cách. Dù lạ dù quen đều là nhân vật của tôi. Có những nhân vật thân thiết có gương mặt đẹp, tôi rất thích vẽ ký hoạ chân dung. Và cả đời vẽ đến mấy chục bức về nhân vật đó. Không bức nào giống bức nào cả. Và sẽ còn vẽ nữa. Hầu hết những bức ký hoạ chân dung tôi vẽ nhà văn, nhà thơ đều đã được họ mang đi in làm bìa sách. Sách được in xong, họ lại mang tặng cho tôi. Tôi hạnh phúc khi nhìn thấy những cuốn sách đó.
- Sắp tới năm mới rồi, ông có dự định gì mới?
+ Dự định thì nhiều lắm. Tôi vẫn tiếp tục rong ruổi để vẽ thôi. Chân vẫn còn đi được thì còn bước tiếp và còn đi vẽ. Đó là đam mê, là niềm hạnh phúc của tôi. Hiện tại, tôi đang thực hiện một số bức tranh tường theo đơn đặt hàng. Cứ có việc để làm, để thoả mãn đam mê là vui rồi.
- Cảm ơn hoạ sĩ về cuộc trò chuyện này!
Phạm Học (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()