Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 02:08 (GMT +7)
Chính sách tiền tệ và thanh khoản của nền kinh tế
Chủ nhật, 21/05/2023 | 10:16:39 [GMT +7] A A
Doanh nghiệp rất mong có chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả đáp ứng nhu cầu vay vốn của họ vì rõ ràng đảm bảo thanh khoản là một trong những nghĩa vụ quan trọng nhất của chính sách này.
Lãi suất đã giảm nhưng vẫn ăn mòn lợi nhuận
Lãi suất huy động đã liên tục giảm sau khi Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành vào ngày 15/3 và 3/4. So với giai đoạn cao điểm hồi đầu năm, lãi suất huy động niêm yết tại các ngân hàng đã giảm khoảng 0,5% - 1,7%/năm ở tất cả kỳ hạn; còn so với đỉnh cao cuối năm 2022 lãi suất huy động đã giảm khoảng 2,5%/năm.
Về lãi suất cho vay, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến nay nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay. Hiện lãi suất cho vay mới ở mức khoảng 9,3%/năm, giảm 0,65%/năm so với cuối năm 2022.
Lãi suất tiết kiệm cho kỳ hạn 6 tháng do các ngân hàng nhiêm yết hiện nay có mức thấp nhất là 5,8%/năm và cao nhất là 8,2%/năm. Cộng thêm biên độ từ 3,5%- 4%, mức lãi suất cho vay sẽ trong khoảng 9,3% - 12,2%/năm. Tuy nhiên, ngoài lãi suất, doanh nghiệp muốn vay được có thể còn phải chịu thêm các chi phí khác như bị ép mua bảo hiểm nhân thọ, bồi dưỡng cho cán bộ tín dụng…tính ra chi phí vốn thực tế còn cao hơn nữa.
Theo Sở Công thương TP.HCM, hiện nay để cạnh tranh và có đơn hàng, doanh nghiệp chỉ có thể duy trì biên độ lợi nhuận dưới 10%. Do đó, nếu lãi suất vay vốn ngân hàng duy trì ở mức 10%/năm, cộng với tỷ giá USD, giá nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển, giá xăng dầu… đồng loạt tăng từ cuối năm 2022, các công ty khó trụ vững.
Phát biểu tại “Hội nghị ngành ngân hàng góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh vùng Đông Nam bộ” mới đây, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM dẫn số liệu từ Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho biết, có đến 50% doanh nghiệp đang sản xuất cầm chừng, cố gắng giữ chân lao động.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, xuất khẩu thủy sản 4 tháng đầu năm, đạt khoảng 2,6 tỉ USD, giảm hơn 31% so với cùng kỳ năm 2022. Đơn hàng sụt giảm, hàng bán ít đi thì dòng tiền thu về cũng ít, trong khi vẫn phải giữ nhân công, mua nguyên liệu để sản xuất... Vì vậy, theo VASEP, doanh nghiệp thủy sản rất cần vay vốn để duy trì hoạt động. Tuy nhiên, việc tiếp cận các gói tín dụng gặp khó khăn và lãi suất cao đang bào mòn sức chống chịu của doanh nghiệp.
Lãi vay có giảm mạnh?
Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng lãi suất cho vay kỳ hạn từ 6-12 tháng sẽ giảm về mức 7,5%/năm trong nửa cuối năm nay. Điều này liệu có thành hiện thực?
Trong thông cáo phát đi sáng ngày 17/5/2023, Ngân hàng Nhà nước cho biết, do áp lực lạm phát hiện hữu, tiểm ẩn và người dân kỳ vọng lãi suất thực dương, nên các ngân hàng khó giảm lãi suất để thu hút tiền gửi, khiến chi phí đầu vào tăng cao. Huy động vốn đến ngày 27/4 chỉ tăng 1,78%, thấp xa so với tốc độ tăng trưởng tín dụng 3,04%. Có nghĩa là trong hoàn cảnh hiện nay các ngân hàng thương mại sẽ khó giảm mạnh lãi suất huy động để kéo lãi suất cho vay xuống.
Cùng với đó, các ngân hàng chủ yếu huy động vốn ngắn hạn nhưng vẫn phải đáp ứng các nhu cầu cho vay trung dài hạn, đã tạo sức ép lên lãi suất huy động. Hiện khoảng 88% tiền gửi là ngắn hạn (kỳ hạn 12 tháng trở xuống) nhưng trên 52% dư nợ tín dụng VND của hệ thống là trung dài hạn. Điều này đã tạo nên sức ép lên lãi suất huy động.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, lo ngại lạm phát tăng nên Ngân hàng Nhà nước phải cân nhắc trong việc tăng cung tiền ra. Thực tế cho thấy, từ tháng 5/2022 trở đi, các ngân hàng gần hết room tín dụng và và room sẽ kéo dài nhiều tháng mà khó được bổ sung. Điều này đã khiến cho hoạt động cho vay diễn ra nhỏ giọt và lãi suất cho vay của các ngân hàng tăng lên.
Theo ông Nguyễn Minh Đức, Ban pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), để điều hành tín dụng, Việt Nam đang sử dụng công cụ chính sách là lãi suất điều hành và room tín dụng trong khi trên thế giới hiếm có nước nào sử dụng room tín dụng.
Room tín dụng được quyết định cho một khoảng thời gian, ở Việt Nam là theo năm. Do đó việc điều hành room phụ thuộc vào thời điểm trong năm. Nếu nới room từ đầu năm thì có hiệu quả vì ngân hàng có kế hoạch để cấp tín dụng cho đến cuối năm. Nhưng nếu nới room vào cuối năm thì gần như không có tác dụng gì vì rất khó để ngân hàng hoàn tất thủ tục cho vay chỉ trong 1 tháng. Chính vì thế mà biện pháp nới room vào tháng 12 năm ngoái của Ngân hàng Nhà nước gần như không có tác động.
Từ đầu năm 2023 đến nay Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm lãi suất điều hành nhưng không nới room tín dụng nên lãi suất huy động thì giảm nhanh nhưng lãi suất cho vay lại giảm nhỏ giọt.
Doanh nghiệp rất mong có chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả đáp ứng nhu cầu vay vốn của họ vì rõ ràng đảm bảo thanh khoản là một trong những nghĩa vụ quan trọng nhất của chính sách này.
Theo Vietnamnet
Liên kết website
Ý kiến ()