Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:07 (GMT +7)
Chính sách tài khóa tiền tệ có nhiều giải pháp để ổn định
Thứ 2, 19/06/2023 | 14:33:18 [GMT +7] A A
Trước tình hình kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, nhờ đó kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được giữ vững.
Sáng 19/6, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì Hội nghị giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp và hấp thụ vốn của nền kinh tế với sự tham dự của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành, đại diện 10 ngân hàng thương mại giữ nguồn vốn chi phối và 5 hiệp hội ngành nghề.
Lắng nghe, tìm ra vướng mắc để tháo gỡ
Phó Thủ tướng cho biết từ đầu năm đến nay, trước tình hình kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, nhờ đó kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được giữ vững. Đặc biệt, chính sách tài khóa tiền tệ có nhiều giải pháp để ổn định.
Những tháng qua, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành. Tuy nhiên, tình hình còn nhiều khó khăn, đặc biệt là hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Các cân đối lớn của nền kinh tế đã đảm bảo song còn một số việc thiếu bền vững, trong đó có vấn đề cân đối vốn cho nền kinh tế. Trong những nguồn vốn hiện nay, kênh vốn tín dụng rất quan trọng cho nền kinh tế và đang chiếm ưu thế.
Nêu con số tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm thấp, chưa như mong đợi, đến ngày 8/6 chỉ đạt 3,15% (so với cùng kỳ là trên 8%), theo Phó Thủ tướng, nếu 12 tháng chỉ tăng hơn 8% là rất thấp (định hướng năm 2023 là tín dụng phải tăng 14-15%), do đó việc hấp thụ và tiếp cận vốn rất khó khăn. Đây chính là lý do Hội nghị được tổ chức, để bàn về những khó khăn, vướng mắc, đề xuất giải pháp giúp doanh nghiệp tiếp cận được vốn, hấp thụ được vốn, trên cơ sở đó thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, cũng như giai đoạn 2021-2025.
Cho rằng việc tiếp cận, hấp thụ vốn phụ thuộc nhiều yếu tố, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ ra 4 yếu tố đề nghị các đại biểu dự Hội nghị làm rõ.
Thứ nhất là về cơ chế chính sách. Vấn đề này liên quan đến hai nội dung lớn là tiếp cận từ pháp luật, những quy định của Chính phủ và từ các ngân hàng thương mại. Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành, các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại lớn, hiệp hội cho ý kiến về những vướng mắc trong cơ chế chính sách, có những vấn đề gì không đi vào thực tế để có cơ sở tháo gỡ.
Đối với cơ chế chính sách từ ngân hàng thương mại, Phó Thủ tướng cho biết Luật Các tổ chức tín dụng đã hướng dẫn các tổ chức tín dụng xây dựng các quy định, quy chế, những rào cản chống rủi ro. Cần rà soát lại các quy định này có gì vướng mắc.
Thứ hai, về phía doanh nghiệp - đối tượng tiếp cận vốn, việc tiếp cận vốn phụ thuộc nhiều vào phương án vay vốn, phương án đầu tư, tình hình tài chính. "Không đủ điều kiện không thể vay được. Nếu phương án tốt, có khả năng trả nợ nhưng không tiếp cận được vốn thì bỏ lỡ cơ hội," nêu nội dung này, Phó Thủ tướng đề nghị phía doanh nghiệp "phải rất rõ ràng."
Thứ ba, theo Phó Thủ tướng, nếu lãi suất cho vay quá cao, doanh nghiệp cũng không tiếp cận được. Thủ tướng rất quan tâm đến vấn đề này và đã liên tục chỉ đạo, gần đây nhất, trong thông báo cuộc họp Thường trực Chính phủ đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, có chỉ đạo phù hợp với tình hình thực tế, điều hành lãi suất phù hợp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận.
Đánh giá cao Ngân hàng Nhà nước đã điều hành giảm lãi suất lần thứ 4 liên tiếp kể từ đầu năm đến nay, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng đây là yếu tố rất quan trọng. Cần xem xét lãi suất điều hành ở mức nào hợp lý để tránh ảnh hưởng đến thị trường ngoại hối, các kênh dẫn vốn khác và quyền lợi của người vay tiền.
Thứ tư, để tiếp cận được vốn, hấp thụ được vốn, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, tình hình sản xuất kinh doanh, các đơn hàng, chuỗi cung ứng phải đảm bảo. Vừa qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tháo gỡ rất quyết liệt thị trường trong và ngoài nước, trong đó có bất động sản, thị trường xuất khẩu. Phó Thủ tướng đề nghị các đại biểu góp ý trực tiếp xem lĩnh vực nào còn dư địa, lĩnh vực nào còn khó khăn để tháo gỡ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh, tiếp cận vốn, qua đó góp phần cho tăng trưởng.
Đề nghị đại biểu đóng góp trên tinh thần thẳng thắn, Phó Thủ tướng khẳng định: Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ sẵn sàng tiếp thu những ý kiến "góp ý trúng, vì việc chung," sẵn sàng "lắng nghe tìm ra vướng mắc để tháo gỡ."
Nhấn mạnh vai trò của các ngân hàng thương mại, nơi trực tiếp tiếp xúc với các doanh nghiệp, đối tượng vay vốn, Phó Thủ tướng cho rằng, dù kinh doanh, hoạt động theo thị trường, các ngân hàng thương mại cũng phải lưu ý tạo điều kiện để cho doanh nghiệp tiếp cận vốn.
"Hai mục tiêu mong muốn ở Hội nghị này là nhận thức đánh giá cho sát và tháo gỡ nút thắt lớn để báo cáo Thủ tướng có chỉ đạo, xử lý vấn đề sớm nhất, khai thông dòng vốn, kênh tín dụng này vào nền kinh tế, góp phần tăng trưởng và phát triển, đảm bảo mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2023 và kế hoạch 5 năm đã được Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định," Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nói.
Không có chính sách thắt chặt tín dụng
Báo cáo tại Hội nghị, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết 5 tháng đầu năm, điều hành chính sách tiền tệ trong bối cảnh hết sức đặc biệt, chịu tác động bởi nhiều yếu tố. Đây là thời gian rất khó khăn, Ngân hàng Nhà nước phải kết hợp cả lý luận và thực tiễn trong điều hành để hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp.
Phó Thống đốc cũng khẳng định: "Không có chính sách nào của Chính phủ hay Ngân hàng Nhà nước cho việc thắt chặt tín dụng hay khó khăn cho việc tiếp cận tín dụng. Việc huy động vốn cho nền kinh tế vẫn đặt ra thường xuyên, các ngân hàng chưa được phép từ chối một khoản gửi tiền nào của người dân, doanh nghiệp và vẫn tập trung đồng vốn, mặc dù thị trường vốn trung, dài hạn đang có những khó khăn."
Phó Thống đốc cho rằng việc tiếp cận tín dụng trong mấy tháng qua khó khăn hay không phải nhìn ở góc độ khách quan của nền kinh tế, khách quan của doanh nghiệp và chủ quan của cả hai phía doanh nghiệp và ngân hàng. Về phía ngân hàng, chúng tôi cũng nhận thấy thiếu sót, nhất là trong công tác truyền thông.
Ông Đào Minh Tú cũng nêu lên các giải pháp cụ thể trong công tác điều hành và các giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, người dân. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án bất động sản, người mua nhà tiếp cận tín dụng khi đáp ứng đầy đủ điều kiện cấp tín dụng theo quy định; tập trung nguồn đối với dự án bất động sản đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm, có khả năng trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn, đáp ứng nhu cầu thực của người dân, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân và các loại hình bất động sản phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội có hiệu quả cao, có khả năng trả nợ và phát triển.
Xem xét cấp tín dụng đối với cả chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng, người mua nhà và các đơn vị sản xuất cung cấp vật tư, vật liệu xây dựng để tăng khả năng luân chuyển vốn và thanh khoản cho thị trường bất động sản; chủ động kiểm soát chặt chẽ dòng tiền, mục đích sử dụng vốn vay, thu nợ đầy đủ, đúng hạn. Đẩy mạnh cho vay người mua nhà, thu nợ người bán nhà trong cùng một dự án.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước ban hành chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp trên toàn quốc; tổ chức hội nghị về các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã; triển khai một số giải pháp tín dụng hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho mặt hàng nông sản chủ lực (lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long, thủy sản, càphê); triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Theo vietnamplus.vn
Liên kết website
Ý kiến ()