Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 19:00 (GMT +7)
Chính sách tài khoá khẩn trương, linh hoạt sẽ hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp
Thứ 5, 23/02/2023 | 15:26:52 [GMT +7] A A
Bên cạnh những điểm sáng, bức tranh kinh tế tháng 1/2023 phản ánh một số khó khăn của nền kinh tế và khu vực doanh nghiệp.
Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1/2023 của cả nước giảm 8% so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp tạm thời và vĩnh viễn rút khỏi thị trường cao gấp 1,7 lần số doanh nghiệp mới và quay lại thị trường.
Để hiểu rõ hơn những khó khăn của nền kinh tế và khu vực doanh nghiệp, Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê xung quanh nội dung này.
Hiện nay, các doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn. Cụ thể, trong tháng 1/2023, chỉ số sản xuất công nghiệp của cả nước giảm mạnh. Không những thế, số doanh nghiệp tạm thời và vĩnh viễn rút khỏi thị trường cao hơn số doanh nghiệp mới gia nhập và quay trở lại thị trường, ông nhận định vấn đề này như thế nào?
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 1/2023 của cả nước giảm so với cùng kỳ năm trước do số ngày sản xuất ít hơn từ 8-10 ngày so với tháng 1/2022 vì tết Quý Mão rơi trọn trong tháng 1 năm nay. Cả nước đã tập trung cao độ cho sản xuất trong 2 tháng cuối năm 2022 để chuẩn bị hàng hoá phục vụ Tết Quý Mão. Vì vậy, cường độ sản xuất trong tháng 1/2023 cũng giảm đi.
Bên cạnh đó, kinh tế nước ta có độ mở lớn, năm 2022, kinh tế thế giới, đặc biệt kinh tế các nước là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam rơi vào tình trạng "đình lạm", tăng trưởng chậm lại cùng với lạm phát cao, nên tổng cầu của thế giới suy giảm; đồng nghĩa với việc giảm đơn hàng của các doanh nghiệp Việt.
Dấu hiệu kinh tế suy giảm đã xuất hiện trong bức tranh kinh tế quý IV/2022 của cả nước. Với kinh tế thế giới, tổng cầu suy giảm dẫn đến thiếu hụt đơn hàng; chi phí đầu vào gia tăng cùng với số ngày sản xuất trong tháng giảm là các nguyên nhân dẫn tới chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1/2023 cả nước giảm 8% so với cùng kỳ năm trước.
Về vấn đề doanh nghiệp rút khỏi thị trường, cụ thể, trong tháng 1/2023, cả nước có 10,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, giảm 16,6% về số doanh nghiệp, giảm 48,5% về số vốn và giảm 11% về số lao động đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, cũng trong tháng 1/2023, có 43.873 doanh nghiệp tạm thời và vĩnh viễn rút khỏi thị trường; trong đó có gần 35.000 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; có 6.841 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và 2.038 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.
Trong tháng 1 vừa qua, số doanh nghiệp tạm thời và vĩnh viễn rút khỏi thị trường cao hơn gấp 1,7 lần số doanh nghiệp mới gia nhập và quay trở lại thị trường.
Bức tranh đăng ký doanh nghiệp tháng 1/2023 cho thấy, quy mô về vốn và lao động của doanh nghiệp mới thành lập nhỏ đi, phần nào phản ánh hạn chế về vốn của khu vực tư nhân trong nền kinh tế.
Đặc biệt, lần đầu tiên số doanh nghiệp tạm thời và vĩnh viễn rút khỏi thị trường cao hơn và cao gấp 1,7 lần số doanh nghiệp gia nhập và quay lại thị trường. Điều này phản ánh tình cảnh khó khăn của khu vực doanh nghiệp và nỗi trăn trở của cộng đồng doanh nhân.
Nhiều doanh nghiệp cho biết, lãi suất hiện nay quá cao làm đội chi phí sản xuất, kéo theo tâm lý ngại mở rộng sản xuất. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại luôn thận trọng trong việc quyết định các mức lãi suất để hỗ trợ sản xuất. Tuy vậy, khi lãi suất USD và các đồng tiền chủ chốt trên thế giới tăng cao liên tiếp buộc Ngân hàng Nhà nước và hệ thống ngân hàng thương mại phải tăng lãi suất để giữ giá trị của VND; ổn định tỷ giá trong biên độ, kiểm soát lạm phát, giữ ổn định vĩ mô, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thời gian qua, điều hành lãi suất và tỷ giá phù hợp với thực tiễn nền kinh tế.
Trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, doanh nghiệp đang thiếu vốn, lãi suất hiện nay là khá cao, gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đầu tư mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ.
Dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong năm nay. Điều này sẽ tác động như thế nào đến mặt bằng lãi suất, điều hành chính sách tiền tệ năm 2023 của Việt Nam và dư địa sử dụng chính sách tiền tệ để hỗ trợ doanh nghiệp có còn không?
Hiện nay, thị trường việc làm của Mỹ rất tốt, trong tháng 1/2023 số việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp đã tăng 517 nghìn việc làm thay vì tăng 223 nghìn việc làm như dự báo trước đó.
Bên cạnh đó, chỉ số giá của chi phí tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 11 và tháng 12/2022 của Mỹ được tính toán lại đều cao hơn với dự báo trước đó. Điều này khiến Fed có thể tiếp tục tăng lãi suất trong các kỳ điều hành sắp tới, đưa lãi suất của Mỹ ở mức từ 5-5,25% trong năm 2023. Lãi suất USD tăng và ở mức cao tạo áp lực rất lớn đối với lãi suất và tỷ giá VND, gia tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp.
Trong nước, áp lực lạm phát năm 2023 rất lớn. Tuy vậy, năm 2023, với sự đón đầu mục tiêu lạm phát khoảng 4,5%, với kinh nghiệm điều hành của Chính phủ sẽ giảm bớt gánh nặng cho chính sách tiền tệ trong kiểm soát lạm phát; đồng thời mục tiêu tăng tín dụng từ 12-14% sẽ là dư địa hỗ trợ vốn, tài chính cho doanh nghiệp.
Để hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, cùng với chính sách tiền tệ, tôi cho rằng, chính sách tài khoá khẩn trương, linh hoạt, rành mạch sẽ là kênh hỗ trợ rất quan trọng, hiệu quả cho doanh nghiệp trong năm nay. Các nội dung của chính sách tài khoá liên quan tới hỗ trợ doanh nghiệp trong Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cần tiếp tục thực hiện trong năm 2023.
Cùng với đó, Chính phủ tiếp tục chính sách giãn, giảm thuế, giảm 3% tiền thuê đất, giảm thuế môi trường trong xăng dầu, giảm phí, lệ phí không thuộc chương trình đã hết hiệu lực. Thực hiện các chính sách này là hỗ trợ ngay và trực tiếp cho doanh nghiệp giảm bớt khó khăn về vốn cho sản xuất kinh doanh; đồng thời, thực hiện chính sách tài khoá ngược chu kỳ chấp nhận bội chi ngân sách ở mức độ cao hơn để hỗ trợ doanh nghiệp tồn tại, phục hồi và phát triển.
Cùng với hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp, Chính phủ cần những giải pháp gì giúp doanh nghiệp nâng cao tính chủ động, vượt qua thách thức, nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời gian tới, thưa ông?
Khu vực doanh nghiệp tạo ra trên 60% GDP của nền kinh tế. Sự tồn tại, phục hồi và phát triển của doanh nghiệp là cơ sở tạo nên tăng trưởng kinh tế không chỉ năm nay mà còn của nhiều năm tới.
Vì vậy, cùng với giải pháp hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, Chính phủ cần thực hiện giải pháp hỗ trợ về thị trường, đổi mới công nghệ, đào tạo nâng cao trình độ và kỹ năng của lao động nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bằng cách nâng cao năng suất lao động.
Thực hiện mục tiêu này, Chính phủ khẩn trương chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương minh bạch, đơn giản hóa quy trình thương mại; khuyến khích và đẩy mạnh chia sẻ thông tin về thương mại và giá cả; giữ vững năng lực cạnh tranh và thị phần của hàng hóa Việt trên thị trường thế giới.
Đồng thời, dự báo sớm các mặt hàng có thể thiếu hụt trong dài hạn để có chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư sản xuất các mặt hàng này, chủ động nguồn nguyên vật liệu, tăng tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khắc phục đứt gãy nguồn cung, đa dạng hóa đối tác, nhà cung cấp nguyên, nhiên, phụ liệu, linh kiện đầu vào đáp ứng đầy đủ nhu cầu sản xuất kinh doanh; đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, mở rộng thị trường trong nước.
Cùng với đó, ban hành và thực thi các giải pháp đột phá, tạo động lực và điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận, ứng dụng và đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo. Mặt khác, nghiên cứu xu hướng chuyển đổi nhu cầu lao động của thế giới và khu vực; xác định ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển trong những năm tới của toàn nền kinh tế, từng vùng, miền và địa phương…
Xin cảm ơn ông!
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()