Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 12:24 (GMT +7)
Chính sách hơn hai con của Trung Quốc chưa tạo được đà tăng dân số
Thứ 4, 12/05/2021 | 09:57:01 [GMT +7] A A
Sự thay đổi chính sách một con của Trung Quốc từ năm 2016 đến nay vẫn chưa tạo được đà tăng dân số cần thiết giúp cân bằng dân số già ở nước này.
Người dân vui chơi tại một công viên ở thành phố Kim Hoa, tỉnh Chiết Giang. Ảnh: Reuters |
Dân số Trung Quốc đang gia tăng ở mức thấp nhất kể từ những năm 60 của thế kỷ trước. Thông tin được Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố ngày 11/5.
Kết quả cuộc điều tra dân số lần thứ 7 được tiến hành năm ngoái cho thấy dân số ở Trung Quốc đại lục năm ngoái là khoảng 1,4 tỷ người. Như vậy, dân số tăng trung bình chỉ là 0,53%/năm từ năm 2010 - 2020 và là mức tăng thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua.
Số người già trên 60 tuổi tăng hơn 5% trong giai đoạn này, trong khi số người trẻ và trong độ tuổi từ 15-59 tuổi lại giảm gần 7%.
Trung Quốc thực hiện chính sách một con, vốn cấm hầu hết các gia đình sinh hai con, từ cuối thập niên 1970. Đến năm 2016, chính sách này được thay thế bằng chính sách 2 con. Tuy nhiên, đến nay chưa có hiệu quả.
Nguyên nhân nào khiến nhiều cặp vợ chồng trẻ Trung Quốc không muốn có con?
Cuộc khủng hoảng dân số ở Trung Quốc diễn ra nhanh, tình trạng đô thị hóa, với chi phí sinh hoạt cao ở các thành phố bị xem là nguyên nhân khiến nhiều cặp vợ chồng trẻ không muốn có con. Trung Quốc đang cảm nhận rõ được sức ép của dân số giảm với nhiều nguy cơ tiềm ẩn sau này.
Xu hướng giảm dân số là hệ quả của một quá trình dài. Tâm lý ngại sinh con giờ đã hình thành sau 30 năm thực hiện chính sách một con và khó thay đổi một sớm một chiều.
Năm ngoái, dịch COVID-19 bùng phát khiến kinh tế sụt giảm, động lực có con lại càng giảm đi.
Ông Ning Jizhe - Ủy viên Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc nói: "Dịch COVID-19 làm gia tăng sự không chắc chắn trong cuộc sống hàng ngày và gia tăng những lo lắng xung quanh việc sinh con. Điều này tiếp tục làm giảm mức độ sẵn sàng sinh con của mọi người".
Cô Chen Chen - Người dân Thượng Hải chia sẻ: "Giá bất động sản cao, người trẻ hiện nay đang phải chịu áp lực lớn về tài chính. Chúng tôi cần có một nền tảng tài chính nhất định rồi mới tính đến việc sinh con. Hai năm nay, nguồn tài chính của tôi chỉ đủ để nuôi một đứa con trong vài năm tới, còn sinh đứa thứ hai, tôi sẽ phải cân nhắc xem mình có đủ nghị lực hay không".
Ấn Độ sẽ vượt Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2027
Dự báo, dân số Trung Quốc trong 3 thập niên kế tiếp sẽ giảm khoảng 32 triệu người. Cùng lúc này, Mỹ có thể bổ sung 50 triệu người vào năm 2050. Dân số giảm đồng nghĩa lực lượng lao động giảm. Như hiện nay có khoảng 894 triệu người trong độ tuổi 15-59, chiếm 63% dân số, giảm gần 7% so với cuộc điều tra dân số năm 2010.
Cơ cấu dân số hiện nay sẽ là hạn chế đối với nhiều chủ trương đầy tham vọng của Trung Quốc. Một lực lượng lao động giảm sẽ ảnh hưởng lớn đến đến vị thế công xưởng thế giới và thị trường lớn nhất thế giới. Nếu đà này tiếp diễn, Ấn Độ sẽ vượt qua Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào khoảng năm 2027. Và một dân số già hóa không có nguồn lao động trẻ cũng đồng nghĩa áp lực lên quỹ lương hưu.
Anh Cao Zhou - Người dân Thượng Hải cho biết: "Trong những thập kỷ trước, chúng ta đã được hưởng lợi rất nhiều từ chính sách nhân khẩu học. Bây giờ Trung Quốc đã đến thời điểm của một xã hội già hóa. Bạn sẽ thấy rằng những người trên 60 hoặc 65 tuổi giờ cũng sẽ trở thành gánh nặng. Trong tình trạng này, điều rất quan trọng đối với những người trẻ tuổi là phải sẵn sàng có con hơn hoặc đóng góp nhiều hơn".
Gần đây, khẩu hiệu được truyền thông Trung Quốc quảng bá mạnh nhắm trực tiếp vào các cặp vợ chồng, đó là hãy sinh con vì đất nước.
Hiện nay, nhiều chính quyền địa phương đã cho phép các gia đình có từ 3 con trở lên. Kế hoạch 5 năm (2021-2025) của Trung Quốc nhấn mạnh, sẽ bổ sung các biện pháp mới nhằm khuyến khích người dân sinh con và giải quyết tình trạng già hóa dân số nhanh chóng.
Nhưng ước tính có thể mất 15 năm để chính sách khuyến khích sinh con phát huy tác dụng đáng kể đến việc tăng dân số tại Trung Quốc.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()