Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 18:28 (GMT +7)
Chinh phục đỉnh cao trên hành trình cải cách
Thứ 2, 03/07/2023 | 08:10:42 [GMT +7] A A
Năm 2022, tỉnh Quảng Ninh ghi dấu ấn đậm nét khi lập kỷ lục 6 năm liên tiếp giữ vững vị trí quán quân Chỉ số PCI; lần thứ hai dẫn đầu cả nước ở cả 4 Chỉ số PAR-Index, SIPAS, PAPI, PCI. Kết quả này là minh chứng rõ nét những nỗ lực của hành trình cải cách “không có điểm kết thúc”, với sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự thống nhất, kiên trì các định hướng phát triển qua các nhiệm kỳ. Quảng Ninh tiếp tục đặt ra và quyết tâm chinh phục những mục tiêu cao hơn trên hành trình cải cách còn nhiều gian nan.
Những định hướng chiến lược xuyên suốt
Giai đoạn 2013-2022, Quảng Ninh nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước và 6 năm liên tục giữ vị trí đứng đầu Chỉ số PCI. Đặc biệt, năm 2022, GRDP của tỉnh đạt 10,28%, là năm thứ 7 liên tiếp đạt mức tăng trưởng 2 con số; quy mô nền kinh tế đạt 269.000 tỷ đồng, tăng 17,4% so với năm 2021; GRDP bình quân đầu người đạt trên 8.200 USD/năm - cao nhất so với các tỉnh phía Bắc. Giai đoạn 2015-2020, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tại Quảng Ninh đạt 344.916 tỷ đồng, tăng 1,6 lần so với giai đoạn 2011-2015. Trong đó, vốn đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước đạt gần 300.000 tỷ đồng. Dòng vốn đầu tư này đã tạo cho Quảng Ninh một bước nhảy vọt, là một trong 5 địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất nước (đạt 65,5%) với 4 thành phố và 2 thị xã; sở hữu hạ tầng giao thông tốt nhất miền Bắc với đa loại hình đường bộ, đường biển, đường hàng không.
Riêng trong 6 tháng đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 9,46%, cao hơn 0,24 điểm % so với tốc độ tăng cùng kỳ, đứng thứ 2 trong vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 4 cả nước. Tổng vốn thu hút đầu tư trong nước của tỉnh ước đạt hơn 45.500 tỷ đồng; tổng vốn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đạt gần 832,17 triệu USD, đạt 83% chỉ tiêu Nghị quyết của Tỉnh ủy và 69,3% kế hoạch của UBND tỉnh.
Để đạt được những kết quả tích cực, tỉnh đã và đang kiên trì chuyển đổi phương thức từ “nâu” sang “xanh; thực hiện sáng tạo định hướng không gian phát triển “Một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực”. Đồng thời, tỉnh cũng tập trung triển khai và thực hiện các quy hoạch chiến lược quan trọng, như: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch vùng tỉnh; quy hoạch phát triển du lịch; quy hoạch phát triển nguồn nhân lực; quy hoạch phát triển khoa học - công nghệ; quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch bảo vệ môi trường…
Việc triển khai các quy hoạch chiến lược này thể hiện quyết tâm, thống nhất cao của cả hệ thống chính trị, từ đó lan tỏa lợi ích, tư duy nhận thức mới, động lực mới trong chiến lược phát triển của Quảng Ninh. Sự đồng bộ và thống nhất của các quy hoạch đã bảo đảm cho tỉnh phát triển mang tính chất liên vùng cao trong xu thế hội nhập; đáp ứng mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng phát triển kinh tế xanh, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh. Quảng Ninh cũng là địa phương đầu tiên ở vùng Đồng bằng sông Hồng được phê duyệt Quy hoạch cấp tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây được coi như một chỉ dẫn quan trọng để định vị những giá trị, cơ hội, cùng thách thức đặt ra cho Quảng Ninh trong quá trình phát triển ở giai đoạn mới.
Trên hành trình cải cách, tỉnh đã và đang kiên trì lấy 3 đột phá chiến lược về đầu tư hoàn thiện hạ tầng, đẩy mạnh CCHC, tập trung phát triển nguồn nhân lực là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, lâu dài. Trong đó, tỉnh đã tận dụng tốt tính ưu việt của hình thức đối tác công - tư (PPP), thực hiện tốt phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư” để hoàn thiện hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông chiến lược, hạ tầng các KCN, KKT, hạ tầng đô thị và các hạ tầng xã hội trên địa bàn tỉnh. Tỉnh cũng xác định tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện đại hóa nền hành chính, từ đó tạo ra sự đột phá trong CCHC. Bên cạnh những nội dung trọng tâm như cải cách TTHC, cải cách thể chế, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, cải cách chế độ công vụ và tài chính công…
Tỉnh đang đẩy mạnh phát triển chính quyền điện tử, xây dựng chính quyền số; ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong tất cả các ngành, lĩnh vực để xây dựng nền hành chính ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp, đem lại sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, ưu tiên dồn lực tập trung thực hiện trong giai đoạn hiện nay là phát triển nguồn nhân lực, gắn với tăng quy mô và chất lượng dân số với những cơ chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động theo định hướng, quy hoạch phát triển KT-XH trong giai đoạn mới, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao…
Chinh phục đỉnh cao trên hành trình cải cách
Dù đạt nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên Quảng Ninh vẫn luôn nhìn nhận để gỡ bỏ những điểm nghẽn, khai thác những dư địa cải cách với phương châm xuyên suốt “cải cách hành chính chỉ có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc, chỉ có nhìn về phía trước để tiến lên”, “lấy sự hài lòng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư làm thước đo hiệu quả công việc” trên tinh thần “5 thật, 6 dám”.
Quảng Ninh hiện là địa phương đầu tiên và duy nhất đến thời điểm này đưa mục tiêu giữ vị trí nhóm đầu 4 chỉ số cải cách vào Nghị quyết Đại hội XV của tỉnh và ban hành riêng nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về vấn đề này.
Đây không chỉ là đưa ra mục tiêu giành điểm số, vị trí cao nhất của các chỉ số, mà quan trọng là hướng đến xây dựng hình ảnh địa phương đi đầu đổi mới, sáng tạo, xây dựng văn hóa cam kết, văn hóa đồng hành, văn hóa thực thi của chính quyền với người dân và doanh nghiệp. Với quyết tâm chính trị ở mức cao nhất đó, cả hệ thống chính quyền Quảng Ninh đã “dám nhìn thẳng sự thật”, tập trung CCHC toàn diện với quyết tâm thực hiện thành công nhiều mô hình, cách làm chưa có tiền lệ.
Tỉnh là địa phương đi đầu trong việc xây dựng bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) một cách chuyên nghiệp, bài bản. Từ DDCI, tỉnh đã tìm ra cách để “truyền lửa” cải cách từ cấp tỉnh xuống các sở, ban, ngành và địa phương; chủ động để các địa phương thi đua lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm mục tiêu của mọi sự phục vụ.
Với tâm thế đó, sau khi đạt được những bước tiến mới, Quảng Ninh lại nhanh chóng nhìn nhận, phân tích những kết quả đạt được và đưa ra những mục tiêu mới cao hơn, lập ra kế hoạch triển khai kỹ lưỡng, bài bản và quyết liệt thực hiện để vượt qua những thử thách mới.
Ngay sau khi đứng trên bục vinh quang nhận cúp quán quân PCI lần thứ 6 liên tiếp, tỉnh ngay lập tức tổ chức Hội nghị phân tích chuyên sâu Chỉ số PCI với sự tham dự của các chuyên gia đầu ngành, có kinh nghiệm trong phân tích và khuyến nghị năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Tại Hội nghị, các chỉ số, chỉ tiêu của tỉnh có điểm số còn thấp, như: Chi phí gia nhập thị trường; thời gian thanh, kiểm tra và thực hiện các TTHC; các khoản chi phí không chính thức; môi trường cạnh tranh; tính năng động, sáng tạo của chính quyền tỉnh; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp… đã được thẳng thắn chỉ rõ. Đồng thời, một số nguyên nhân chính dẫn đến việc giảm điểm, giảm hạng cũng được nhận diện; các ý kiến tham vấn của các chuyên gia cũng được đưa ra để tỉnh tiếp thu và đặt ra giải pháp giải quyết triệt để những hạn chế, góp phần nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh và lợi thế thu hút đầu tư của tỉnh.
Tháng 5/2023, tỉnh tiếp tục tổ chức hội nghị phân tích chuyên sâu kết quả các chỉ số cải cách, gồm PAR-INDEX, SIPAS, DGI, ICT năm 2022. Các chuyên gia của Bộ Nội vụ, Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) cũng đưa ra những phân tích chuyên sâu về các chỉ số và những khuyến nghị một số giải pháp nhằm nâng cao các chỉ số trong năm 2023 và các năm tiếp theo.
Ngay tại hội nghị, tỉnh đã đề ra yêu cầu mới đối với các cơ quan đầu mối phụ trách các chỉ số cải cách. Trước hết cần chủ động rà soát nghiên cứu kỹ các chỉ số thành phần chưa được đánh giá cao, khẩn trương nghiên cứu các giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả gắn với đổi mới cách làm, sáng kiến và kiểm tra, đôn đốc, giám sát... Đồng thời, thường xuyên rà soát văn bản quy phạm pháp luật để kiến nghị hoặc tham mưu sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc thay thế; cắt giảm thời gian giải quyết TTHC nhất là lĩnh vực xây dựng, tài nguyên, môi trường, đất đai, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; tập trung số hóa hồ sơ, giấy tờ và tái sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC…
Trên chặng đường phát triển mới, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu tiếp tục dẫn đầu ở các chỉ số cải cách không đơn thuần là thành tích với những điểm số, mà phải thực sự xây dựng và giữ vững được thương hiệu, hình ảnh Quảng Ninh là một trong những địa phương điển hình trong xây dựng thành công nền hành chính nhà nước hội tụ đầy đủ các yếu tố: Dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, khoa học, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch, thông suốt, kỷ luật, kỷ cương, hiệu lực, hiệu quả; phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, hài lòng hơn.
Quyết tâm chính trị ở mức cao nhất; sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát nhất, quyết liệt nhất của người đứng đầu; sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và những giải pháp, hành động cụ thể đã và đang được tỉnh triển khai trong thời gian qua chính là “chìa khóa” để Quảng Ninh tiếp tục chinh phục các đỉnh cao trên hành trình cải cách.
Song Hà
Liên kết website
Ý kiến ()