Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:37 (GMT +7)
Chiêu lừa tiền người Việt của nhiều web tín dụng đen Trung Quốc
Thứ 6, 03/02/2023 | 15:11:09 [GMT +7] A A
Theo các chuyên gia, đây thậm chí còn không phải website tín dụng đen đúng nghĩa. Đó đều là những trang web được kẻ xấu dựng lên nhằm lừa đảo nạn nhân chuyển tiền.
Thời gian gần đây, tại Việt Nam xuất hiện nhiều trang web tín dụng đen được dựng lên nhằm mục đích lừa đảo tài sản và thông tin danh tính. Trong bối cảnh tiếp cận vốn tín dụng còn gặp nhiều khó khăn, không ít người đã sập bẫy của các trang web tín dụng đen.
Cuối tháng 1 vừa qua, dự án phi lợi nhuận Chống lừa đảo đã ghi nhận sự xuất hiện của 15 trang web vay tiền tín dụng đen sử dụng tên miền “.vn”.
Có thể kể ra một số website như yfcredit[.]vn, salobank[.]vn, shina[.]vn, supi[.]vn, vayday[.]vn, sago[.]net[.]vn, f668[.]vn, vayfast[.]com[.]vn,...
Đại diện dự án Chống lừa đảo cho biết, tuy cung cấp dịch vụ tín dụng online, các website này có giao diện rất sơ sài và chỉ hiển thị tốt trên điện thoại.
“Các trang web tín dụng đen đều sử dụng chung mã nguồn bằng tiếng Trung với hạ tầng máy chủ đặt tại Trung Quốc. Thông tin liên hệ của các trang web không rõ ràng, ngữ pháp, câu chữ lủng củng, nhìn thiếu chuyên nghiệp”, đại diện dự án Chống lừa đảo nói.
Sau quá trình nghiên cứu, xác minh, chuyên gia bảo mật Ngô Minh Hiếu cho hay, đây đều là các trang web tín dụng đen, có dấu hiệu lừa đảo người dùng.
Thủ đoạn của những đối tượng này là tiếp cận người có nhu cầu vay vốn bằng cách nhắn tin riêng hoặc chạy quảng cáo trên các mạng xã hội như Zalo, Facebook,...
Kẻ lừa đảo đánh vào tâm lý của những người đang cần vay nóng, đó là muốn thủ tục nhanh gọn, không mất thời gian và có thể vay số tiền lớn theo yêu cầu.
Sau khi trao đổi qua lại, bên cho vay sẽ gửi giấy tờ (giả) làm cơ sở thuyết phục khách hàng chuyển phí đảm bảo hồ sơ vay, phí bảo hiểm khoản vay… Họ cũng có thể lấy lý do tài khoản bị đóng băng, CMND/CCCD khách hàng có trong danh sách đen của ngân hàng… để yêu cầu nạn nhân chuyển khoản.
Đi kèm với yêu cầu chuyển khoản thường là những lời hứa hẹn về việc “số tiền này sẽ được ngân hàng, công ty tài chính trả lại cùng với khoản vay”. Tuy nhiên, sau khi gửi phí cho các trang web tín dụng đen, nhiều người mới nhận ra mình đã mất tiền oan vì chẳng bao giờ thấy khoản giải ngân về ví.
Theo chuyên gia bảo mật Ngô Minh Hiếu, thông thường nạn nhân hay có suy nghĩ ngại báo công an bởi số tiền cũng nhỏ, hơn nữa lại sợ mất uy tín. Ở những vụ việc như thế này, kẻ lừa đảo thường liên hệ bằng nick ảo, Telegram, do đó việc truy tìm thủ phạm gặp nhiều khó khăn. Đa phần nạn nhân bị lừa không thể lấy lại số tiền đã mất.
Trước tình trạng các website giả danh dịch vụ tín dụng có dấu hiệu hoạt động mạnh, người dùng mạng cần hết sức thận trọng và cảnh giác khi tiếp xúc với các dịch vụ vay vốn online.
Khi có nhu cầu vay vốn, người dân nên tìm tới các ngân hàng, tổ chức tín dụng uy tín. Tuyệt đối không tin tưởng vào những lời quảng cáo có cánh của các website cho vay vốn trên mạng, tránh tình trạng tiền mất tật mang. Trong trường hợp không may trở thành nạn nhân, người dân cần liên hệ khai báo với cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý.
Theo ICT News
Liên kết website
Ý kiến ()