"Một lần nữa cán cân quyền lực thế giới sẽ được định hình lại. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có sức mạnh và quyền lực vô song trong trật tự toàn cầu", đương kim Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói với đám đông người ủng hộ tại Ankara ngày 28/5, sau khi ông được xác định là người chiến thắng trong cuộc bầu cử vòng hai, sau khi đánh bại đối thủ Kemal Kilicdaroglu.
Ông Erdogan, 69 tuổi, bắt đầu lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 2003 với tư cách Thủ tướng, sau đó là Tổng thống. Với chiến thắng lần này, ông sẽ nắm quyền trong ít nhất 25 năm liên tục. Là lãnh đạo tại vị lâu nhất của Thổ Nhĩ Kỳ, ông đã chứng minh được sức hấp dẫn của thương hiệu chính trị cá nhân đối với hàng triệu người ủng hộ.
"Ông ấy bình tĩnh khi đối mặt áp lực. Ông ấy biết mình đang làm gì và thể hiện mình sẽ là người chịu trách nhiệm. Điều đó thu hút hầu hết cử tri, đặc biệt là người dân Thổ Nhĩ Kỳ", Jim Jeffrey, cựu đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ, nói.
Erdogan đã vượt qua các đối thủ thuộc phong trào Hồi giáo ở Istanbul để trở thành thị trưởng thành phố vào những năm 1990. Được ca ngợi vì đã mang lại những dịch vụ thiết yếu như nước sinh hoạt và khí đốt cho người nghèo, ông Erdogan trở thành Thủ tướng và thúc đẩy sự bùng nổ kinh tế ở Thổ Nhĩ Kỳ, đưa hàng triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu và thúc đẩy tham vọng biến đất nước này thành cường quốc.
Cuộc bầu cử năm nay là thử thách chính trị khó khăn nhất với ông Erdogan sau hai thập kỷ cầm quyền. Theo đuổi tham vọng tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá, ông Erdogan đã gây áp lực với ngân hàng trung ương để cắt giảm lãi suất bất chấp lạm phát cao.
Chính sách đó đã khiến đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ mất gần 80% giá trị so với USD trong 5 năm qua, trong khi chi phí sinh hoạt tăng vọt, khiến ngay cả những người ủng hộ trung thành nhất cũng cảm thấy bất an về ông.
Thảm họa động đất hồi tháng 2 khiến hơn 56.000 người chết ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria cũng làm tăng thêm hoài nghi về nhiệm kỳ của ông Erdogan. Dưới thời ông, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã cho phép các nhà thầu thi công ồ ạt những công trình không đáp ứng tiêu chuẩn, coi đây là một động lực để phát triển kinh tế. Nhiều tòa nhà trong số đó đã đổ sụp trong thảm họa, khiến Thổ Nhĩ Kỳ hứng chịu thương vong nặng nề.
"Tôi cầu mong được tha thứ", ông nói trong chuyến thăm thành phố Adiyaman bị động đất tàn phá hồi tháng 2.
Nhưng khi bước vào cuộc bầu cử, ông Erdogan đã quyết liệt thực thi các chính sách đối nội quan trọng để thu hút cử tri. Ông tận dụng nguồn lực nhà nước để khởi công xây dựng các tòa nhà mới cho nạn nhân động đất với tốc độ cực nhanh, tăng lương tối thiểu và đãi ngộ với công chức.
Gần tới ngày bầu cử, ông quyết định cung cấp khí đốt miễn phí cho người dân cả nước trong một tháng. Những quyết định chi tiêu mạnh tay này đã làm cạn kiệt ngân khố đất nước, nhưng cũng làm dịu những rắc rối tài chính đang diễn ra.
"Tất nhiên không ai có thể nói nền kinh tế đang trong trạng thái tốt, nhưng chúng tôi tin ông ấy sẽ khắc phục nó. Chúng tôi cho ông ấy thêm một cơ hội", Rasim Turan, chủ cửa hàng ở khu phố Suleymaniye của Istanbul, giải thích về quyết định bỏ phiếu cho ông Erdogan.
Ông Erdogan cũng tìm cách đề cao chủ nghĩa dân tộc trong lòng cử tri, khi điều TCG Anadolu, tàu đổ bộ đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ, tới eo biển Bosphorus, thể hiện sự phát triển của ngành công nghiệp vũ khí và sức mạnh quân sự của nước này.
"Đây là lần đầu tiên trong một thế kỷ, Thổ Nhĩ Kỳ có thể làm được như vậy. Thành công này đã tác động tới lá phiếu của tôi", Ramazan Ibis, người bầu cho ông Erdogan, nói khi xếp hàng chờ chiêm ngưỡng con tàu mới.
Ông Erdogan còn thực thi chính sách đối ngoại vừa mềm dẻo vừa cứng rắn, giúp nâng tầm ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực, trong bối cảnh xung đột quyền lực giữa Nga và phương Tây gia tăng.
Trong năm qua, ông đã củng cố hình ảnh bản thân như lãnh đạo thế giới quan trọng, bằng cách trở thành cầu nối cho các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine. Ông đồng ý bán vũ khí cho Kiev, nhưng cũng tăng cường hợp tác kinh tế với Moskva. Ông tiếp tục ngăn Thụy Điển gia nhập NATO, lập trường được ủng hộ ở Thổ Nhĩ Kỳ, bất chấp những xích mích và bất đồng với các đồng minh phương Tây.
"Chúng tôi đã trở thành quốc gia có nhiều tiếng nói hơn trên thế giới. Ông ấy giúp Thổ Nhĩ Kỳ giảm phụ thuộc vào nước ngoài", Murat Sisko, kỹ thuật viên điện tử 22 tuổi, nói về Tổng thống Erdogan.
Bước vào thập kỷ nắm quyền thứ ba, Tổng thống Erdogan sẽ đối mặt với loạt thách thức ngày càng tăng, theo giới quan sát. Dự trữ ngoại hối ròng của Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ (CBT) lần đầu tiên giảm xuống mức âm kể từ năm 2002, ở mức -151,3 triệu USD vào ngày 19/5.
Các nhà kinh tế nói rằng ông Erdogan có thể sẽ tiếp tục sử dụng các biện pháp can thiệp vào hoạt động của CBT, cùng khả năng bơm tiền mặt từ Nga và vùng Vịnh để giúp đất nước không rơi vào tình trạng mất thanh khoản thanh toán.
"Ông ấy sẽ tìm cách ngăn nền kinh tế sụp đổ bằng cách tìm kiếm nguồn tiền từ nơi nào đó", Ayhan Sefer Ustun, cựu nghị sĩ đảng AKP của Tổng thống Erdogan, nói.
Trong khi triển vọng kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ không rõ ràng, phương Tây sẽ phải làm quen với việc ông Erdogan vẫn là một lãnh đạo cứng rắn trên trường quốc tế trong ít nhất 5 năm tới.
Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên lâu năm của NATO, nhưng ông Erdogan nhiều khả năng sẽ tiếp tục chính sách đối ngoại độc lập hơn, để Ankara không còn phụ thuộc vào Washington và các đồng minh phương Tây.
Năm 2017, Thổ Nhĩ Kỳ ký thỏa thuận mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga trong bối cảnh quan hệ giữa Ankara và Moskva nồng ấm hơn. Mỹ đã cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ rằng một thành viên NATO không nên mua các thiết bị quân sự của Nga, song Ankara vẫn làm xúc tiến hợp đồng này. Để đáp trả, Mỹ đã áp lệnh trừng phạt với Thổ Nhĩ Kỳ và loại nước này khỏi chương trình tiêm kích F-35 của Washington, khiến quan hệ song phương thêm rạn nứt.
Xung đột Ukraine cũng cho thấy chính sách đối ngoại độc lập của Thổ Nhĩ Kỳ đã khoét thêm chia rẽ giữa Ankara và phương Tây. Thổ Nhĩ Kỳ không ủng hộ lệnh trừng phạt Nga mà các đồng minh phương Tây tung ra và vẫn mua dầu giá rẻ của Moskva.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ không muốn đoạn tuyệt hoàn toàn với phương Tây, mà muốn làm mọi thứ theo cách của mình.
"Tổng thống Erdogan coi cuộc bầu cử là cơ hội để phương Tây thiết lập lại quan hệ theo các điều khoản mà ông ấy đưa ra", Nicholas Danforth, thành viên Tổ chức Hellenic về Chính sách Đối ngoại và châu Âu, nói.
Các chuyên gia nhận định ông Erdogan có thể coi chiến thắng trong cuộc bầu cử lần này như một bệ phóng để tiếp tục nâng tầm vị thế quốc tế của Thổ Nhĩ Kỳ. "Tầm nhìn chính sách đối ngoại của ông ấy là làm cho Thổ Nhĩ Kỳ vĩ đại trở lại", Merve Tahiroglu, giám đốc chương trình Thổ Nhĩ Kỳ tại tổ chức Dự án Dân chủ Trung Đông ở Washington, nói.
Ý kiến ()