Chủ mưu vụ ám sát ông Haniyeh có thể đã lợi dụng lỗ hổng an ninh để cài bom từ trước trong tòa nhà tại Tehran, rồi kích nổ từ xa khi thủ lĩnh Hamas đến nơi.
Thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh bị ám sát trong vụ nổ tại nhà khách Basij al-Zahra dành cho cựu binh ở phía bắc thủ đô Tehran của Iran rạng sáng 31/7. Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cho hay vụ nổ do một "quả đạn từ trên không" tạo ra, trong khi truyền thông nhà nước Iran dẫn các nguồn tin nói rằng đây là một tên lửa được phóng từ ngoài lãnh thổ Iran, qua cửa sổ vào phòng ngủ của ông Haniyeh.
Những thông tin do giới chức Iran đưa ra gây nhiều hoài nghi, do loại tên lửa có thể vượt quãng đường gần 1.000 km và độ chính xác gần như tuyệt đối như vậy thường sẽ có sức công phá lớn, đủ sức phá hủy toàn bộ nhà khách. Trong khi đó, hình ảnh được công bố cho thấy nhà khách này chỉ bị hư hại một góc tại căn phòng ở tầng 4, những vị khách khác ở trong cùng tòa nhà không bị tổn thương.
Đến ngày 1/8, một số hãng tin lớn của Mỹ dẫn lời các quan chức ở Trung Đông và Mỹ cho hay Haniyeh cùng một cận vệ thiệt mạng do quả bom được cài sẵn trong nhà khách, không phải do tên lửa.
Theo 5 quan chức Trung Đông, quả bom được giấu trong tòa nhà từ khoảng hai tháng trước. Nó dường như được cài sau vụ tổng thống Iran khi đó là Ebrahim Raisi thiệt mạng trong vụ rơi trực thăng ngày 19/5.
Bên tấn công biết rõ Iran sẽ tổ chức bầu tổng thống mới sau cái chết của ông Raisi và thủ lĩnh Hamas chắc chắn sẽ được mời tới Tehran dự lễ nhậm chức của tân lãnh đạo với vai trò thượng khách. Các quan chức Trung Đông cho biết ông Haniyeh đã nhiều lần ở nhà khách này trong các chuyến công tác tới Tehran.
Nhà khách Basij al-Zahra là công trình kiên cố nằm trong khu phức hợp Neshat ở phía bắc thủ đô Tehran. IRGC là bên quản lý và chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh cho cơ sở này.
TrangAxioscủa Mỹ dẫn các nguồn tin cho hay "tình báo Israel" đã biết rõ nhà khách sẽ là nơi lưu trú của ông Haniyeh khi thủ lĩnh Hamas tới Tehran chúc mừng tân Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian hôm 30/5. Điệp viên Mossad của Israel thậm chí còn biết rõ ông Haniyeh sẽ ở phòng nào khi đến cơ sở này.
Theo nguồn tin, quả bom được cài trong nhà khách là thiết bị nổ công nghệ cao, thậm chí được trang bị trí tuệ nhân tạo (AI). Hiện chưa rõ AI đóng vai trò như thế nào trong việc che giấu quả bom trong thời gian dài, cũng như duy trì thiết bị nổ ở trạng thái sẵn sàng kích hoạt bất cứ lúc nào.
Chưa rõ chi tiết cách bên tổ chức ám sát đưa quả bom vào bên trong nhà khách. Các quan chức Trung Đông cho biết công tác chuẩn bị cho vụ ám sát phải mất nhiều tháng và đòi hỏi bên tập kích phải có nhân sự giám sát chặt chẽ tòa nhà. Trong khi đó, hai quan chức Iran nói họ không biết quả bom được cài thế nào và từ khi nào.
Israel đến nay không bác bỏ cũng không thừa nhận cáo buộc mà Iran đưa ra rằng họ đứng sau vụ ám sát ông Haniyeh. Tuy nhiên, nguồn tin của Axios nói rằng các điệp viên Mossad đã hiện diện trên lãnh thổ Iran sau khi nhận được tin tình báo xác nhận Haniyeh đã ở trong căn phòng cài bom. Họ đã kích hoạt quả bom bằng thiết bị điều khiển từ xa.
Quả bom phát nổ vào khoảng 2h sáng 31/7, các quan chức Trung Đông và Iran cho biết. Theo hai quan chức Iran, vụ nổ khiến tòa nhà rung chuyển, làm vỡ nhiều cửa sổ và đánh sập một phần bức tường bên ngoài. Ảnh chụp được các kênh Telegram liên kết với IRGC công bố ngày 31/7 cho thấy một số thiệt hại của công trình.
Thiệt hại bên ngoài tòa nhà ở mức tối thiểu, giống tác động khi một tên lửa lao trúng mục tiêu. Đây có thể là lời giải thích cho giả thuyết được IRGC đưa ra ban đầu rằng ông Haniyeh đã bị ám sát bằng tên lửa.
Những người làm việc ở tòa nhà hoảng hốt, chạy đi tìm vị trí phát ra tiếng nổ và tới căn phòng mà ông Haniyeh ở. Đội y tế tại nhà khách nhanh chóng tới hiện trường, tuyên bố ông Haniyeh đã tử vong. Họ cố gắng cấp cứu cho cận vệ canh gác trước cửa phòng, nhưng người này qua đời sau đó.
Lãnh đạo tổ chức Jihad Hồi giáo Palestine (PIJ) Ziyad al-Nakhalah ở ngay cạnh phòng ông Haniyeh, các quan chức Iran cho biết. Tuy nhiên, phòng của ông al-Nakhalah không bị hư hại nặng trong vụ nổ, điều này cho thấy bên tổ chức ám sát đã lên kế hoạch chính xác nhằm vào thủ lĩnh Hamas.
Hai quan chức Iran cho biết các thành viên IRGC được thông báo về vụ ám sát xác nhận có vụ nổ trong phòng ông Haniyeh, điều tra sơ bộ cho thấy thiết bị nổ được đặt tại đây từ trước.
Khalil al-Hayya, phó chỉ huy của Hamas ở Dải Gaza, cũng có mặt tại Tehran và tới hiện trường sau khi ông Haniyeh thiệt mạng. Trong số những người được thông báo ngay lập tức có chuẩn tướng Esmail Qaani, tư lệnh đặc nhiệm Quds thuộc IRGC. Tướng Qaani sau đó đánh thức và thông báo cho lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei về vụ nổ.
4 tiếng sau khi vụ nổ xảy ra, IRGC thông báo thủ lĩnh Hamas đã thiệt mạng. Vào 7h sáng 31/7, ông Khamenei triệu tập các thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran tới dinh thự để họp khẩn và ra lệnh tấn công trả đũa Israel, ba quan chức Iran cho biết.
Truyền thông Mỹ nhận định bên tổ chức ám sát có thể đã phát hiện và khai thác lỗ hổng an ninh tại khu phức hợp được bảo vệ nghiêm ngặt. Lỗ hổng này có thể do sự lơ là của lực lượng an ninh, cũng có thể do nội gián, cho phép họ tuồn quả bom vào bên trong và lắp đặt tại nhà khách nhiều tuần trước.
Ba quan chức Iran thừa nhận đây là thất bại thảm hại về tình báo và an ninh của nước này. Đây cũng là nỗi hổ thẹn lớn của IRGC, khi lực lượng này chịu trách nhiệm bảo vệ khu phức hợp chuyên đón khách nổi tiếng như thủ lĩnh Hamas.
Sự việc càng khiến Iran mất thể diện hơn trong bối cảnh họ đã siết an ninh tại thủ đô Tehran cho lễ nhậm chức của Tổng thống Pezeshkian, sự kiện có quan chức cấp cao, chỉ huy quân đội và chức sắc từ 86 quốc gia tham dự. Trong buổi lễ, ông Haniyeh đã ôm tân Tổng thống Iran sau bài phát biểu nhậm chức, hai người giơ tay tạo thành dấu hiệu chiến thắng.
Các thành viên IRGC nhận định chiến thuật gài bom này rất tinh vi và hoạt động hiệu quả, tương tự tổ hợp súng điều khiển từ xa dùng công nghệ AI mà tình báo Mossad của Israel được cho là đã sử dụng để ám sát nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran là Mohsen Fakhrizadeh vào năm 2020.
Trong vụ ám sát Fakhrizadeh, chiếc xe chở nhà khoa học hạt nhân này bị phục kích trên tuyến cao tốc vắng vẻ tại thành phố Absard, phía đông tỉnh Tehran ngày 27/11/2020. Giới chức Iran cho hay Fakhrizadeh "bị sát hại bằng súng điều khiển từ xa hoặc tự động" được đặt trên một xe bán tải và "không có tay súng nào tại hiện trường".
Thiếu tướng Ali Fadavi, phó tư lệnh IRGC, sau đó cho biết tổ hợp súng điều khiển từ xa dùng để ám sát Fakhrizadeh được gắn trên một chiếc xe bán tải Nissan. Tổ hợp súng này được trang bị một hệ thống vệ tinh tình báo có thể zoom cận cảnh vào Fakhrizadeh và sử dụng công nghệ AI để xử lý tình huống.
Khi chiếc xe chở Fakhrizadeh xuất hiện, AI được kích hoạt để nhận diện nhà khoa học này và điều khiển khẩu súng chỉ nhắm vào ông. "Vợ của Fakhrizadeh ngồi cách đó 25 cm không bị bắn trúng", tướng Fadavi nói. "Không một sát thủ nào xuất hiện tại hiện trường. Toàn bộ 13 viên đạn được bắn từ khẩu súng trên chiếc xe bán tải".
Sau khi thực hiện vụ ám sát, khối thuốc nổ được cài sẵn trên chiếc xe bán tải được kích hoạt để xóa dấu vết về tổ hợp súng điều khiển từ xa và công nghệ của nó.
Israel không bình luận về cáo buộc của Iran, song một quan chức nói nước này nên được "cảm ơn" vì đã ám sát Fakhrizadeh. TờJewish Chroniclecủa Israel dẫn các nguồn tin tình báo cho biết chiến dịch ám sát Fakhrizadeh là "nhiệm vụ của Mossad" và khẩu súng đặc biệt được dùng trong cuộc phục kích được "chuyển lậu từng phần" vào Iran trong năm 2020. Hơn 20 điệp viên Israel được cho là đã tham gia chiến dịch ám sát Fakhrizadeh, bao gồm công dân Israel và Iran, với "kế hoạch tỉ mỉ".
Mossad là cơ quan tình báo đặc biệt của Israel, chủ yếu thực hiện các chiến dịch ám sát bên ngoài lãnh thổ nước này. Giám đốc Mossad David Barnea hồi tháng 1 tuyên bố cơ quan này sẽ "truy lùng và hạ sát từng lãnh đạo Hamas", bất kể họ ở đâu.
Ý kiến ()