Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 02:31 (GMT +7)
Chiến sĩ Binh đoàn Than năm ấy...
Thứ 5, 03/11/2016 | 10:12:46 [GMT +7] A A
Năm 1967, khoảng 2.000 người con của Quảng Ninh đã tham gia Binh đoàn Than và lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam. Họ đã chiến đấu anh dũng, kiên cường, lập chiến công xuất sắc... Trở về sau chiến tranh, nhiều người trong số họ là những thương, bệnh binh. Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn vất vả, nhưng bằng ý chí, nghị lực vươn lên, những người lính Binh đoàn Than năm nào vẫn hăng hái lao động, sản xuất, đóng góp sức mình xây dựng quê hương, đất nước.
Các CCB Binh đoàn Than thắp hương tưởng nhớ đồng đội tại Nghĩa trang Liệt sĩ Hà Tu (TP Hạ Long). |
Rất nhiều CCB ở TP Hạ Long đã từng tham gia Binh đoàn Than năm nào. Mỗi người một hoàn cảnh, một số phận, nhưng ở họ đều có sự gắn bó, nặng lòng với Vùng mỏ Quảng Ninh, với ngành Than. CCB Chu Văn Đích, thương binh hạng 2/4, ở khu 4, phường Hà Lầm (TP Hạ Long), kể: Khi ông đang là thợ Nhà máy cơ khí Hòn Gai thì làm đơn xung phong nhập ngũ chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Hết chiến tranh ông Đích có cơ hội ở lại trong quân đội nhưng nhất định xin chuyển ngành để về với Vùng mỏ. Ông về lại Nhà máy cơ khí Hòn Gai làm công tác công đoàn. Năm ông 37 tuổi được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Công đoàn Nhà máy cơ khí Hòn Gai, trẻ nhất của ngành Than thời bấy giờ. Ông gắn bó với ngành Than cho đến khi về hưu. Hay như trường hợp CCB Lưu Văn Quý ở phường Hồng Hải (TP Hạ Long), tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam, mức thương tật 3/4, ông được đưa ra Bắc điều trị. Khi sức khoẻ phục hồi, ông có mong mỏi là về Quảng Ninh vào mỏ Hà Tu tiếp tục công tác. Ông làm thợ kỹ thuật, có nhiều sáng kiến nâng cao năng suất lao động, được tín nhiệm bầu là Bí thư Đoàn Thanh niên Mỏ than Hà Tu. Cũng giống như CCB Chu Văn Đích, CCB Lưu Văn Quý đã gắn bó với ngành Than mấy chục năm cho đến khi nghỉ hưu.
Một số CCB Binh đoàn Than trở về sau thời gian chiến đấu ở chiến trường, vì sức khoẻ yếu, không thể trở lại mỏ làm nhiệm vụ, nhưng vẫn quyết tâm vượt qua khó khăn để lao động sản xuất, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. CCB Nguyễn Văn Thiềng (phường Hà Lầm, TP Hạ Long), năm 1965, từ Hà Tây (nay là Hà Nội) ra Vùng mỏ lập nghiệp. Hai năm sau, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông tham gia Binh đoàn Than vào chiến trường miền Nam. Năm 1975 trở về từ chiến tranh, ông đã chọn Quảng Ninh là quê hương thứ hai của mình để gắn bó. Ông Thiềng lập gia đình, sinh con, nhưng rồi nỗi đau da cam đã lần lượt cướp đi 3 con của ông. Hiện hai vợ chồng ông dồn hết tình yêu thương vào người cháu nội duy nhất. Cuộc sống khó khăn vất vả là thế, nhưng ông không đầu hàng số phận. Vợ chồng ông thuê đất ở phường Hà Lầm (TP Hạ Long) để trồng rau, trồng phong lan phát triển kinh tế, tạo nguồn thu cho gia đình.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hải Hiệp, Trưởng Ban Liên lạc Binh đoàn Than, cho biết: Lúc bấy giờ anh em ra đi là thợ mỏ thì sau chiến tranh, họ trở về lại làm thợ mỏ. Nhiều anh em còn có cơ hội làm công tác khác, nhưng vẫn nặng lòng quay về với ngành Than. Một số ít anh em ở lại trong quân ngũ thành đạt, có người mang đến quân hàm cấp đại tá, có người làm đến lãnh đạo Quân đoàn. Nhìn chung anh em kinh tế ổn định, có tinh thần sáng tạo cao, dám nghĩ dám làm.
Thể hiện sự đồng tâm, đồng lòng của thợ mỏ, những CCB Binh đoàn Than đã tập hợp nhau lại hình thành Ban Liên lạc Binh đoàn Than. Thành lập được 20 năm nay, với gần 200 hội viên, một trong những công tác trọng tâm của Ban Liên lạc là đền ơn đáp nghĩa, làm nhịp cầu nối với các cấp, các ngành quan tâm giải quyết chế độ chính sách cho đồng đội. Tham gia công tác trong Ban Liên lạc, nhiều CCB không ngại bỏ công, bỏ sức, dành hết thời gian của mình để đi tìm hài cốt đồng đội, đưa trở về quê hương Vùng mỏ yên nghỉ. Trưởng Ban Liên lạc Binh đoàn Than cho biết thêm: “Anh em trong Binh đoàn Than năm xưa nay đều đã luống tuổi nhưng vẫn gắn bó với nhau, tương trợ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn như những ngày xông pha nơi tuyến lửa chống quân thù. Một số anh em tự nguyện đóng góp công sức, kinh phí tổ chức các cuộc đi tìm hài cốt đồng đội, tặng quà cho Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thăm lại chiến trường xưa. Đến nay, chúng tôi đã tìm được 30 hài cốt của đồng đội đưa về quê hương...”.
Huỳnh Đăng
Liên kết website
Ý kiến ()