Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 05:22 (GMT +7)
Chiến lược xây tổ đón "đại bàng" khi thuế không còn là lợi thế?
Thứ 5, 23/02/2023 | 10:08:21 [GMT +7] A A
15% là mức thuế tối thiểu toàn cầu dành cho các tập đoàn, công ty đa quốc gia lớn dự kiến sẽ áp dụng vào năm sau.
Với những quốc gia trong đó có Việt Nam, ưu đãi thuế thấp hấp dẫn thấp hơn mức 15% sẽ phải điều chỉnh ra sao, chiến lược thu hút vốn FDI sẽ phải thay đổi khi thuế không còn là lợi thế?
Theo đó, ưu đãi thuế tới đây sẽ không hoàn toàn là lợi thế để thu hút nhà đầu tư, tập đoàn đa quốc gia bởi khi năm sau "Quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu" nằm trong khuôn khổ chương trình hành động chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận sẽ thực thi. Đây là thoả thuận đa phương với sự tham gia của hơn 140 quốc gia trên toàn thế giới với mức thuế tối thiểu thống nhất là mức 15% đối với các tập đoàn đa quốc gia có tổng doanh thu từ 750 triệu Euro trở lên.
Mới đây nhất, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) vừa công bố chi tiết bản hướng dẫn cuối cùng đối với chính phủ các nước về cách thức đưa thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu vào các văn bản luật, tiến gần hơn tới việc thực hiện cải cách này vào năm sau. OECD dự kiến cải cách trên sẽ giúp tạo ra thêm 220 tỷ USD thu nhập thuế trên toàn cầu.
Trước đó tháng 12 năm ngoái, các nước Liên minh châu Âu (EU) nhất trí mức thuế tối thiểu này trong toàn khối. Quốc hội Hàn Quốc cũng đã thông qua Đạo luật điều chỉnh Thuế trong đó sẽ áp dụng cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu từ 2024. Chính phủ Nhật Bản cũng đã thông báo Dự thảo cải cách thuế, tiến tới việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm tài chính 2024. Đây là các quốc gia có nguồn vốn đầu tư nước ngoài lớn vào Việt Nam và do đó, việc chính thức áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu sẽ có nhiều tác động tới các doanh nghiệp có vốn đầu tư ngoài (FDI) tại Việt Nam.
Liên quan đến quá trình triển khai thuế tối thiểu toàn cầu, ông Robert King - Lãnh đạo dịch vụ thuế thị trường Đông Dương, Công ty tư vấn EY Việt Nam cho biết, nhiều quốc gia đang triển khai nội luật hoá thuế tối thiểu toàn cầu, các công ty con của các tập đoàn đa quốc gia cũng đang chờ đợi xem phải trả thêm khoản thuế như thế nào. Do đó, vấn đề đặt ra là sớm hay muộn các công ty đó phải trả thêm thuế để đảm bảo mức tối thiểu 15%. Nơi nào các công ty sẽ trả, ở quốc gia nơi đặt công ty mẹ hay là tại nơi họ đang hoạt động?
"Việt Nam là một trong những nơi đặt trụ sở công ty con của nhiều tập đoàn đa quốc gia. Việt Nam nếu chậm triển khai sẽ mất cơ hội này. Cùng với đó là lợi thế cạnh tranh sẽ bị ảnh hưởng nếu không có phương án hấp dẫn nhà đầu tư tương xứng", ông Robert King cho biết
Còn theo PGS.TS Vũ Minh Khương - Đại học Quốc gia Singapore, Việt Nam đang hội nhập rất sâu với nền kinh tế thế giới khi tỷ lệ thương mại/GDP sấp sỉ 200%. Đặc biệt Việt Nam chú trọng vào các ngành công nghệ chế tạo có dòng công nghệ cao và thương mại với những nước tiên tiến, tham gia sâu vào toàn cầu.
"Việc gấp rút thực thi thuế tối thiểu toàn cầu là vấn đề đặc biệt quan trọng mà chính phủ nên sâu sát với các chuyên gia, tư vấn cũng như các tập đoàn đã đầu tư vào Việt Nam có lợi nhuận lớn. Mức thuế tối thuế là 15% mà Việt Nam không có phương sách gì cụ thể, họ sẽ chuyển ra nước ngoài", ông Khương lưu ý.
Về vấn đề làm sao để Việt Nam dành quyền thu thuế, theo ông Robert King - Lãnh đạo dịch vụ thuế thị trường Đông Dương, Công ty tư vấn EY Việt Nam, Việt Nam cần nghiên cứu và triển khai sớm thuế tối thiểu nội địa, thuế bổ sung nội địa phải tính toán lợi nhuận và nghĩa vụ thuế bổ sung cơ bản như thuế tối thiểu toàn cầu. Hiểu đơn giản khi đó mọi doanh thu của công ty hay tập đoàn đó sẽ ưu tiên bị đánh thuế tại nơi công việc đó được thực hiện, ở đây là Việt Nam.
Với việc áp dụng thuế bổ sung như vậy, nhà đầu tư có thể thấy môi trường đầu tư kém hấp dẫn hơn, làm sao để môi trường đầu tư hấp dẫn hơn? Về vấn đề này theo ông Robert King, mức thuế tối thiểu toàn cầu áp dụng cho các tập đoàn lớn có tổng doanh thu từ 750 triệu USD. Các doanh nghiệp có mức thu nhập dưới mức này sẽ không bị ảnh hưởng. Do đó chính sách thuế ưu đãi thấp và hấp dẫn vẫn có thể được thực hiện với các nhà đầu tư đó.
Tuy nhiên theo ông Robert King, cần lưu ý nguyên tắc khi doanh nghiệp đóng thuế tối thiểu 15% thì quốc gia đó không được trả quyền lợi hay bất cứ hình thức hỗ trợ nào ngược lại và tương xứng cho các doanh nghiệp đó. Đây là điểm thúc đẩy quốc gia, các địa phương phải cân nhắc sử dụng phần thuế đóng thêm đó sao cho hiệu quả vào cơ sở hạ tầng, quy trình quản lý, qua đó nâng cao môi trường đầu tư.
Còn theo PGS.TS Vũ Minh Khương - Đại học Quốc gia Singapore, cần trích một phần phần thuế thu thêm được từ thuế tối thiểu toàn cầu cho công cuộc phát triển, xây tổ "đại bàng". Trước hết là nâng cao năng lực của những cán bộ công nhân làm việc trực tiếp với khu vực đầu tư nước ngoài. Thứ hai là đổi mới sáng tạo cho toàn quốc, thứ ba là những vấn đề công nghiệp bản địa hỗ trợ cho đầu tư nước ngoài, cuối cùng là vấn đề nâng cao năng suất.
Theo PGS.TS Vũ Minh Khương, cần nâng cao năng lực của những cán bộ công nhân làm việc trực tiếp với khu vực đầu tư nước ngoài, đổi mới sáng tạo cho toàn quốc, nâng cao chất lượng công nghiệp bản địa hỗ trợ cho đầu tư nước ngoài, cũng như nâng cao năng suất
Hiện ưu đãi thuế dựa trên thu nhập đối với nhà đầu tư tại Việt Nam là 7-9%, nhưng khi phải áp thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tăng lên mức tối thiểu 15%. Việt Nam sẽ cần sẵn sàng kế hoạch thu hút đầu tư mới với lợi thế cạnh tranh như cơ sở hạ tầng, chất lượng và hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư.
Các nước và vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư như Indonesia, Malaysia, hay Hong Kong (Trung Quốc)… cũng đang tích cực chuẩn bị cho việc chính thức áp dụng chính sách Thuế tối thiểu toàn cầu từ 2024.
Thời gian thực thi Thuế suất tối thiểu toàn cầu càng gần, đòi hỏi Việt Nam phải đẩy nhanh tiến trình nghiên cứu các chính sách và giải pháp cho việc thực thi quy tắc Thuế suất tối thiểu toàn cầu. Một là để không bị đánh mất quyền thu thuế. Hai là đồng thời đảm bảo hài hoà lợi ích giữa nhà nước và nhà đầu tư, khuyến khích các nhà đầu tư duy trì, mở rộng hoạt động đầu tư tại Việt Nam và tiếp tục thu hút được các dự án đầu tư trọng điểm phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn mới.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()