Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 09:13 (GMT +7)
Chiến lược phát triển xanh của ngành Than
Thứ 4, 21/04/2021 | 07:15:05 [GMT +7] A A
Đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho công tác bảo vệ môi trường mỗi năm, xử lý ô nhiễm bụi, tiếng ồn, đổi mới công nghệ khai thác theo hướng thân thiện với môi trường…, là những chủ trương lớn mà TKV triển khai thời gian gần đây. Qua đó, từng bước giải quyết dứt điểm những “điểm nóng” liên quan đến môi trường trong hoạt động sản xuất than, góp phần quan trọng vào mục tiêu tăng trưởng xanh của tỉnh.
Tuyến băng tải Khe Ngát - Điền Công (Công ty Kho vận Đá Bạc - Vinacomin) đạt công suất vận chuyển 6 triệu tấn than/năm. |
Hiệu quả từ Đề án đảm bảo môi trường cấp bách
Ngành công nghiệp, nhất là khai thác than, đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, quá trình khai thác than tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn và ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Đợt mưa lũ lịch sử diễn ra vào cuối tháng 7, đầu tháng 8/2015 trên địa bàn tỉnh, đã làm thiệt hại nặng nề đối với ngành Than như: Sạt lở bãi thải; trôi lấp đất đá; bồi lấp sông suối thoát nước, mặt bằng sản xuất, khu dân cư… Dự báo thời gian tới, những hình thái thời tiết cực đoan sẽ tiếp tục xảy ra trên địa bàn tỉnh. Đây là những nguyên nhân quan trọng để TKV đẩy nhanh xây dựng, thực hiện Đề án đảm bảo môi trường cấp bách ngành Than trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020.
Đề án xác định các công trình môi trường trọng điểm cần triển khai giai đoạn 2016-2020. Trong đó, tập trung vào các vấn đề phát sinh như đợt mưa lũ lịch sử cuối tháng 7, đầu tháng 8/2015 gây ra. Quan điểm xuyên suốt thực hiện Đề án là đưa ra giải pháp, dự án, công trình cấp bách cụ thể để sớm khắc phục những tác động tiêu cực do hoạt động khai thác than, ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường sống của người dân trên địa bàn tỉnh.
Hệ thống máy phun sương dập bụi cao áp được Công ty CP Than Cọc Sáu - Vinacomin lắp đặt tại khu sàng 1 để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. |
Trước năm 2016, những xe chở than từ 3 mỏ thuộc các đơn vị: Công ty CP Than Vàng Danh Vinacomin, Công ty Than Uông Bí - TKV, Công ty Than Nam Mẫu - TKV ra cảng Điền Công (TP Uông Bí) là nỗi ám ảnh của nhiều hộ dân nằm dọc tuyến đường vận chuyển. Bụi than, tiếng ồn, tắc nghẽn giao thông vào giờ cao điểm trở thành vấn đề bức xúc nhất của những hộ dân sinh sống xung quanh phải gánh chịu trong nhiều năm. Một số hộ thường xuyên phải “cửa đóng, then cài” cả ngày đêm để tránh bụi bay vào nhà.
Trước thực trạng trên, thực hiện Đề án đảm bảo môi trường cấp bách ngành Than trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020, từ giữa năm 2016, TKV đã đầu tư hơn 1.291 tỷ đồng thực hiện Dự án tuyến băng tải Khe Ngát - Điền Công. Tuyến băng tải có chiều dài gần 8km, công suất vận chuyển 6 triệu tấn than/năm. Cuối tháng 11/2017, Dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng, giúp Công ty Kho vận Đá Bạc - Vinacomin (đơn vị quản lý, vận hành tuyến băng tải) giảm được hoạt động thường xuyên của 300 đầu ô tô, hơn 500 toa tàu sắt vận chuyển than hằng tháng.
Bên cạnh giá trị về mặt kinh tế, công trình này còn góp phần mang lại hiệu quả lớn trong việc đảm bảo an sinh xã hội, an toàn giao thông, đặc biệt là giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường địa bàn TP Uông Bí.
Công ty CP Than Cao Sơn - TKV phát động trồng cây xanh tại mặt bằng +50, bãi thải Bàng Nâu, tháng 2/2021. |
Theo Đề án này, TKV sẽ đầu tư 75 công trình đảm bảo môi trường, tổng kinh phí hơn 3.800 tỷ đồng. Trong đó có các dự án: Đê đập ngăn đất đá (8 công trình); cải tạo phục hồi môi trường bãi thải (9 công trình); nạo vét hệ thống thoát nước (33 công trình); di dời dân cư (10 công trình); xử lý nước thải mỏ, rửa xe và quan trắc (10 công trình); băng tải than, cầu vượt và giảm thiểu bụi, ồn (5 công trình). Đến nay, các công trình trên đã cơ bản hoàn thành theo đúng cam kết. Đáng chú ý, giai đoạn 2017-2020, TKV đã trồng cây cải tạo phục hồi môi trường gần 600ha; thực hiện di dời 398 hộ dân tại 9 khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập lụt nguy hiểm do ảnh hưởng từ các khu vực khai thác, đổ thải theo Đề án di dân tổng thể của tỉnh, đảm bảo an toàn dân cư trong mùa mưa bão.
Từ khi thực hiện các công trình thuộc Đề án, môi trường vùng than trên địa bàn tỉnh được cải thiện rõ rệt. Qua đó, đảm bảo an toàn cho dân cư, giảm tác động đến môi trường đô thị do các hoạt động sản xuất than trên địa bàn tỉnh, nhất là trong mùa mưa bão. Đề án giúp tăng tính chủ động trong công tác bảo vệ môi trường, đảm bảo sự phát triển của ngành Than hài hòa với môi trường, cộng đồng và các ngành kinh tế khác trên địa bàn tỉnh.
Sản xuất “xanh”
Chuyển đổi mô hình tăng trưởng, hướng tới kinh tế "xanh" bền vững là mục tiêu chiến lược của tỉnh đang kiên trì theo đuổi. Đồng hành với mục tiêu của tỉnh, TKV đang thực hiện nhiều giải pháp để hiện thực hóa mô hình tăng trưởng này. Cùng với không ngừng nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, TKV còn tập trung nguồn lực bảo vệ môi trường, nhằm giảm tác động xấu đến môi trường Vùng mỏ. Theo thống kê của TKV, từ năm 2016-2020, ngành Than đã chi 4.800 tỷ đồng cho công tác bảo vệ môi trường.
Công nhân Phân xưởng Khai thác 11 (Công ty Than Uông Bí - TKV) vận hành giàn chống trong lò chợ. |
Mỗi năm TKV khai thác 40-42 triệu tấn than nguyên khai; thải ra môi trường trên 100 triệu m3 nước thải mỏ. Quá trình khai thác than, nhất là ở các mỏ lộ thiên, bụi than dễ phát sinh trên nhiều tuyến đường vận chuyển và các khu dân cư lân cận. Để khai thác than lộ thiên, hằng năm ngành Than thải ra môi trường khoảng 300-500 triệu m3 đất đá. Nguy cơ cao ô nhiễm môi trường, đòi hỏi phải được khẩn trương khắc phục, nếu không sẽ ảnh hưởng lớn đến phát triển các ngành kinh tế có tính bền vững là du lịch, dịch vụ và kinh tế biển đảo của tỉnh.
Để giảm thiểu tối đa bụi phát tán ra môi trường xung quanh, từ năm 2018 đến nay, TKV đã yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh đầu tư lắp đặt hệ thống máy phun sương dập bụi quạt cao áp thay thế dần phương pháp tưới nước bằng xe chuyên dụng truyền thống trước đó. Tính đến hết năm 2020, các đơn vị TKV đã đầu tư hơn 70 máy phun sương dập bụi cao áp tại tất cả các vị trí trọng yếu để tăng hiệu quả chống bụi đến khu dân cư, đô thị.
Về vấn đề xử lý đất đá thải mỏ lộ thiên, mới đây TKV khuyến khích các đơn vị đẩy mạnh khai thác lại đất đá thải tại bãi thải mỏ lộ thiên phục vụ san lấp mặt bằng một số dự án trọng điểm theo hướng kinh tế tuần hoàn. Trước mắt, trong năm 2021, Bộ TN&MT cho phép triển khai thí điểm tại vỉa 14 cánh Tây, mỏ Công ty CP Than Núi Béo - Vinacomin, với trữ lượng khoảng 700.000m3 để phục vụ cho Dự án đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả.
Trong điều kiện diện sản xuất các mỏ hầm lò và lộ thiên ngày càng xuống sâu và khó khăn, TKV đã đổi mới, ứng dụng mạnh mẽ "3 hóa" (cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa) vào các công đoạn sản xuất, kinh doanh. Từ lò chợ cơ giới hóa áp dụng đầu tiên tại Công ty Than Khe Chàm - TKV (năm 2015) đến nay, TKV đã nhân rộng 10 dây chuyền đồng bộ cơ giới hóa đang hoạt động tại 8 đơn vị. Tập đoàn còn chủ động ứng dụng tự động hóa, tin học hóa vào quá trình sản xuất, kinh doanh, công tác quản lý, điều hành. Từ TKV đến các đơn vị đều đầu tư mạng hạ tầng truyền thông số tốc độ cao, kết hợp xây dựng các trung tâm điều khiển giám sát tập trung hiện đại, có khả năng bao quát toàn mỏ và điều khiển tập trung.
TKV đang tiếp tục triển khai các phần mềm ứng dụng phục vụ điều hành sản xuất, như: Phần mềm hóa đơn điện tử; phần mềm quản lý, dự báo tâm lý an toàn, sức khỏe cho người lao động mỏ hầm lò; nhận diện cấp phát nhiên liệu thông minh tại các đơn vị khai thác lộ thiên; hệ thống giám sát lưu chuyển than… Đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất theo hướng "3 hóa" trong khai thác hầm lò, đầu tư đồng bộ thiết bị công suất lớn trong khai thác lộ thiên, đã góp phần giảm tỷ lệ tổn thất tài nguyên từ 23,5% xuống còn 20% trong khai thác hầm lò, từ 4,9% xuống còn 4,3% trong khai thác lộ thiên; năng suất lao động toàn Tập đoàn tính theo giá trị tăng bình quân 12%/năm.
Trạm xử lý nước thải +25 Núi Nhện (Công ty TNHH MTV Môi trường - TKV). |
Lắp đặt hệ thống phun sương dập bụi, tận dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp phục vụ các dự án, đổi mới công nghệ khai thác chỉ là bước khởi đầu thực hiện thí điểm xây dựng mô hình “Xanh hóa môi trường khai thác mỏ", xây dựng tiêu chí mỏ sáng - xanh - sạch tại một số đơn vị ngành Than hiện nay. Đáng chú ý, trong năm 2021, Tập đoàn sẽ hoàn thành các vành đai cây xanh ngăn bụi xung quanh khu vực chân bãi thải Bằng Nâu, Đông Cao Sơn và khu vực giáp khu dân cư; cải tạo phục hồi môi trường và trồng cây phủ xanh 90-100ha.
Theo Tổng Giám đốc TKV Đặng Thanh Hải, nhiệm vụ trọng tâm của TKV hiện nay, bên cạnh đảm bảo sản xuất, kinh doanh hiệu quả, các đơn vị trong Tập đoàn đã dần hướng trọng tâm vào việc sản xuất xanh, là xu thế tất yếu. Bởi vậy, hiện đại hóa trang thiết bị dây chuyền công nghệ, trồng cây phủ xanh tại bãi thải, khai trường kết thúc; mở rộng, nâng công suất các trạm xử lý nước thải, đảm bảo xử lý hết lượng nước thải mỏ phát sinh; thu gom, xử lý các loại chất thải… là yêu cầu bắt buộc đối với tất cả doanh nghiệp trong Tập đoàn. Qua đó, nâng cao hiệu quả sản xuất, sử dụng tiết kiệm năng lượng, tài nguyên khoáng sản, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Phạm Tăng
Liên kết website
Ý kiến ()