Theo thống kê của Bộ Y tế, đến chiều 14/8, hơn 4.300 bệnh nhân Covid-19 tại TP HCM tử vong (trong tổng số 5.437 ca trên cả nước). Phó chủ tịch UBND Dương Anh Đức cho biết, chiến lược giảm F0 tử vong đang được thành phố quan tâm nhất vì trung bình những ngày gần đây có đến 241 ca mỗi ngày.
"Biến chủng Delta khiến diễn biến của người bệnh có nhiều thứ không thể ngờ", Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn (Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ chống dịch tại TP HCM) nói với VnExpress về nguyên nhân nhiều người đã tử vong. Đặc tính của chủng Delta vừa lây lan nhanh vừa diễn biến nhanh khiến TP HCM dù đã chuẩn bị trước để bệnh nhân tiếp cận hệ thống cấp cứu, điều trị nhưng không theo kịp diễn tiến của dịch bệnh.
Hiện, thành phố điều trị 32.608 bệnh nhân; trong đó có 2.182 trẻ em dưới 16 tuổi, 1.671 bệnh nhân nặng phải thở máy và 15 bệnh nhân can thiệp ECMO. 10.000 F0 không triệu chứng đang được điều trị tại nhà; hơn 12.000 F0 đã được điều trị tại cơ sở y tế trên 7 ngày và tải lượng virus thấp, đủ điều kiện để cách ly theo dõi tại nhà.
Nguyên nhân khác khiến F0 tử vong cao, theo ông Sơn, là tình trạng quá tải ở các cơ sở thu dung, điều trị do lượng bệnh mới quá lớn - khoảng 3.000 ca mỗi ngày. Nguồn nhân lực và trang thiết bị tại một số đơn vị chưa đủ nên bệnh nhân chưa được chăm sóc, điều trị tốt nhất. F0 khi bắt đầu trở nặng thì diễn tiến nhanh, dễ tử vong nếu không được hỗ trợ oxy và sử dụng các loại thuốc kháng đông, kháng viêm sớm sẽ có nguy cơ tăng nặng và tử vong.
Theo Thứ trưởng Sơn, trong mô hình điều trị tháp 5 tầng TP HCM đang triển khai, tỷ lệ tử vong ở tầng trên chiếm khoảng 20%. Ngoài ra, các tầng dưới "còn lỗ hổng" nên bệnh nhân tử vong cũng nhiều.
Để giảm số F0 tử vong, ngành y tế phải có những biện pháp bổ sung thêm nguồn lực, mở rộng các cơ sở nhằm mục tiêu tất cả đơn vị tham gia điều trị Covid-19 đều phải tiếp nhận F0 cấp cứu. Những nơi này phải có sẵn oxy cho bệnh nhân ngay khi họ cần cấp cứu. "Vũ khí quan trọng" khác là thuốc kháng viêm, corticoid, thuốc kháng đông. Tất cả phải chuẩn bị rất sẵn sàng để bệnh nhân không phải chạy hết nơi này đến nơi khác.
"Cũng cần chuẩn bị cả thuốc kháng virus được đưa vào áp dụng gần đây như Remdesivir. Dự kiến, khi thuốc này về nhiều, Bộ Y tế sẽ phân bổ đến tất cả các tuyến bệnh viện để điều trị người bệnh hiệu quả nhất", ông Sơn nói.
Về nhân lực, ông Sơn cho biết, Bộ Y tế gần như đã huy động tối đa từ tất cả tỉnh thành, bệnh viện trung ương, các chuyên gia giỏi nhất vào các tỉnh phía Nam. Quan trọng là sử dụng nguồn nhân lực hiệu quả trên nguyên tắc một nhóm điều trị sẽ có người dẫn dắt, phân công nhiệm vụ phù hợp để các thành viên phối hợp điều trị tốt nhất cho người bệnh.
"Một giải pháp quan trọng để khống chế dịch, giảm số ca nặng và tử vong là đến cuối tháng 8 TP HCM phải đạt được kết quả tiêm vaccine cho tối thiểu 70% người trên 18 tuổi, như kế hoạch đã đề ra", Thứ trưởng Sơn nói.
Trước bối cảnh lượng F0 liên tục tăng, tỷ lệ tử vong cao, Phó bí thư Thành ủy TP HCM Phan Văn Mãi cho biết trong 30 ngày tới thành phố tập trung chiến lược điều trị theo 2 trụ cột.
Đầu tiên là điều trị F0 tại nhà và cộng đồng. Ngành y tế phải nắm được danh sách, đảm bảo mỗi F0 được kết nối với tư vấn viên để được thăm hỏi, theo dõi sức khỏe hàng ngày. Sau khi xác định F0, bệnh nhân sẽ có túi thuốc điều trị theo chỉ định của Bộ Y tế, tiếp cận với thuốc từ giai đoạn đầu. Như vậy, người bệnh sẽ có tinh thần tốt, chủ động cải thiện sức khỏe, hạn chế việc trở nặng và giảm áp lực lên tầng trên.
Hai nội dung quan trọng trong chiến lược này là phản ứng nhanh của y tế cơ sở trong trường hợp diễn tiến nặng, hệ thống hóa ứng dụng công nghệ kết nối F0 tại nhà với các tầng điều trị. "Nếu thực hiện đồng bộ hiệu quả các nội dung trên sẽ quản lý được 80-90% F0, chỉ còn 10% có nhu cầu điều trị, chỉ 5-7% chuyển nặng", ông Mãi nhận định.
Trụ cột thứ hai là điều trị F0 tại bệnh viện. Thành phố sẽ trang bị đầy đủ oxy, cấp thuốc theo chỉ định của Bộ Y tế, để bệnh viện cấp cứu sớm cho F0 khi có triệu chứng. "Trong thời gian tới, hệ thống các bệnh viện sẽ có sự phối hợp với nhau, tổ chức lại nguồn lực để tăng hiệu quả điều trị", ông Mãi nói.
Thông tin thêm, Phó chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức cho biết, để giảm người tử vong, thành phố sẽ phân loại F0 hiệu quả hơn ở cả 5 tầng trong hệ thống điều trị. Phân loại kết hợp với điều phối hiệu quả Trung tâm 115, khai thác tối đa nguồn lực và khả năng điều trị.
"Yếu tố tiên quyết lúc này là phải giảm các ca F0 chuyển nặng tại tầng 2 và 3", ông Đức nói và cho biết thành phố đã nâng cấp các bệnh viện dã chiến thu dung ở tầng 2 lên tầng 3 để huy động nguồn lực và có thể điều trị bệnh nhân trở nặng, nhằm giảm áp lực cho tầng trên.
Được Bộ Y tế, các địa phương, các bệnh viện tuyến đầu của cả nước hỗ trợ, TP HCM đã đưa vào hoạt động 4 Trung tâm hồi sức tích cực (ICU) với quy mô 1.750 giường. Thành phố cũng nâng năng lực của Trung tâm cấp cứu 115, thành lập 5 cơ sở cấp cứu vệ tinh, kiện toàn các Tổ phản ứng nhanh để cấp cứu F0 từ phường, xã, thị trấn. Hệ thống taxi được bố trí để phục vụ việc cấp cứu tại các địa phương.
Hiện, TP HCM đã lập 312 tổ phản ứng nhanh chăm sóc F0 cách ly tại nhà ở một số quận huyện. Tối 13/8, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên khi đến thăm các y bác sĩ trường Đại học Y dược TP HCM phụ trách mô hình này tại quận 10 đã đánh giá mô hình này "rất hay và hiệu quả", giảm áp lực cho tuyến trên, giảm số ca tử vong. Ông đề nghị UBND TPHCM sớm triển khai ở tất cả các quận huyện.
TP HCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 từ 0h ngày 31/5. Sau 37 ngày, số ca mắc liên tục tăng, thành phố phải giãn cách theo Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7. Hôm qua, Phó bí thư Phan Văn Mãi cho biết thành phố có thể kéo dài giãn cách đến 15/9.
Ý kiến ()