Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 20:45 (GMT +7)
Chiến lược bảo vệ môi trường
Thứ 6, 22/07/2022 | 08:03:20 [GMT +7] A A
Những năm qua, bên cạnh tập trung nguồn lực phát triển các ngành, lĩnh vực trọng điểm, tỉnh Quảng Ninh luôn dành sự quan tâm đặc biệt và nguồn lực thỏa đáng cho công tác bảo vệ môi trường. Tỉnh nhất quán quan điểm "không đánh đối môi trường lấy tăng trưởng nóng”, phát triển KT-XH phải bền vững và giữ gìn môi trường tự nhiên cho tương lai…
Kiên định trong lãnh đạo, chỉ đạo
Phát triển KT-XH gắn với bảo vệ môi trường là mục tiêu xuyên suốt tỉnh Quảng Ninh nỗ lực thực hiện thời gian qua. Tỉnh đã nhất quán đề ra các giải pháp, lộ trình thực hiện bài bản nhằm chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, quyết tâm thực hiện các giải pháp bảo vệ mội trường tự nhiên. Điều này được thể hiện rõ nét trong các quy hoạch quan trọng của tỉnh, điển hình là Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH, Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của tỉnh do tư vấn Hoa Kỳ lập; Quy hoạch môi trường tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do tư vấn Nhật Bản lập. Nghị quyết 236/NQ-HĐND (ngày 12/12/2015) của HĐND tỉnh khóa XII về những chủ trương, giải pháp tăng cường công tác bảo vệ môi trường tỉnh giai đoạn 2016-2020 cũng đã ban hành Bộ quy chuẩn bảo vệ môi trường phù hợp với điều kiện, đối tượng trên địa bàn tỉnh. Trong đó, công tác quản lý môi trường tập trung vào 7 nhiệm vụ: Quản lý môi trường nước; quản lý chất lượng không khí; quản lý chất thải rắn; quản lý rừng; bảo tồn đa dạng sinh học; thích ứng với biến đổi khí hậu và giám sát môi trường.
5 năm qua thực hiện Nghị quyết số 236 của HĐND tỉnh, công tác quản lý bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh được các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt. Nhận thức, ý thức trách nhiệm về công tác bảo vệ môi trường của người dân, tổ chức, doanh nghiệp đã được nâng lên rõ rệt. Môi trường trên địa bàn tỉnh nhìn chung được cải thiện, mức độ ô nhiễm môi trường ở nhiều khu vực được kiểm soát; việc thu gom xử lý rác thải, nước thải tập trung tại các trung tâm đô thị có nhiều chuyển biến tích cực; ô nhiễm môi trường không khí đã được kiểm soát chặt chẽ hơn thông qua hệ thống quan trắc môi trường tự động.
Các vụ việc gây ô nhiễm môi trường được phản ánh qua hệ thống đường dây nóng, truyền thông, dư luận, kiến nghị cử tri, người dân đã cơ bản kịp thời được các cơ quan, ban, ngành, địa phương tiếp nhận, giải quyết. Các phong trào giảm thiểu rác thải nhựa đã nhận được sự đồng tình và hưởng ứng tích cực của người dân, các đơn vị, doanh nghiệp…
Triển khai cụ thể hóa Nghị quyết đã thực sự tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ và đột phá trong công tác quản lý bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh; tạo động lực cho cả hệ thống chính trị, người dân toàn tỉnh tiếp tục chung tay, góp sức bảo vệ môi trường trong công cuộc xây dựng tỉnh Quảng Ninh phát triển bền vững.
Hằng năm, tỉnh dành không dưới 3% tổng chi ngân sách địa phương cho sự nghiệp môi trường để thực hiện tốt 7 nhiệm vụ đã đặt ra. Để tăng nguồn kinh phí cho hoạt động bảo vệ môi trường tại các địa phương, ngày 7/12/2016, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 38/2016/NQ-HĐND quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ % phân chia các khoản thu giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương; định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương thời kỳ ổn định ngân sách 2017- 2020. Theo đó, phí bảo vệ môi trường từ khai thác than được điều tiết 100% cho ngân sách các địa phương để thực hiện nhiệm vụ về môi trường.
Kiên định mục tiêu đã đề ra, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp phù hợp, quyết liệt, có trọng tâm trọng điểm, xử lý triệt để những vấn đề “nóng” liên quan đến công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Điển hình như đầu năm 2019, TKV đã chính thức chấm dứt hoạt động của Nhà máy tuyển than Nam Cầu Trắng (TP Hạ Long). Tỉnh cũng hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ đảm đảo thực hiện di dời các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư, đưa vào CCN tại các địa phương. Hiện nay, đã có hàng trăm cơ sở sản xuất di chuyển vào các CCN: Hà Khánh, Kim Sen, Nam Sơn, Cẩm Thịnh...; thực hiện đóng cửa, cải tạo phục hồi môi trường các bãi chôn lấp rác thải; xử lý xong 12 điểm ô nhiễm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật. Tỉnh cũng có chủ trương di dời 2 dự án xi măng Hạ Long 2 và Thăng Long 2 sang địa điểm mới để phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh, bảo vệ môi trường cho khu vực di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.
Đến nay, các chỉ tiêu về môi trường đặt ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2015-2020) đã được tỉnh hoàn thành tốt, như: Tỷ lệ che phủ rừng đạt 53-54%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom trên 92%; tỷ lệ chất thải y tế được thu gom, xử lý đạt 100%; tỷ lệ dân cư thành thị được sử dụng nước sạch trên 98% và dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh trên 98%. Các thông số quan trắc môi trường cơ bản đều nằm trong giới hạn cho phép.
Bảo vệ môi trường bền vững ở những ngành, lĩnh vực trọng điểm
Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.
Là một trong những ngành chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế, thu ngân sách của tỉnh, thời gian qua, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã quyết liệt thực hiện, chỉ đạo các đơn vị thành viên triển khai những giải pháp để từng bước giảm thiểu ảnh hưởng của quá trình khai thác, chế biến than, khoáng sản đến môi trường; đưa công nghiệp khai khoáng trở thành ngành kinh tế phát triển hài hòa, thân thiện với môi trường cộng đồng. Trung bình mỗi năm, tổng chi phí cho công tác bảo vệ môi trường của TKV là hơn 1.000 tỷ đồng, trong đó 50% dành cho đầu tư các công trình bảo vệ môi trường, 50% dành cho các công việc bảo vệ môi trường thường xuyên.
Giai đoạn 2017-2020, các đơn vị khai thác than đã triển khai Đề án đảm bảo môi trường ngành Than với tổng kinh phí thực hiện gần 5.000 tỷ đồng. Ngoài ra, TKV còn thực hiện bổ sung các hạng mục, công trình ngoài đề án với tổng kinh phí trên 127 tỷ đồng. Tính trong năm 2021, TKV đã chi 1.160 tỷ đồng cho công tác bảo vệ môi trường, riêng vùng Quảng Ninh là 1.076 tỷ đồng, trong đó chi phí xử lý nước thải 552 tỷ đồng; các công trình, phương án bảo vệ môi trường 266,4 tỷ đồng, các công việc môi trường thường xuyên 260,7 tỷ đồng.
Trong năm 2021, TKV đã phê duyệt và triển khai 5 phương án bảo vệ môi trường tổng thể tại các khu vực sản xuất dễ phát sinh nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh: Mỏ than Hà Tu, bãi thải Bàng Nâu, nhà máy tuyển than và cảng Cửa Ông, cảng Làng Khánh, cảng Km6; bổ sung lập phương án bảo vệ môi trường tổng thể khu vực mặt bằng 56 Mạo Khê; chỉ đạo xây dựng mô hình và lập phương án bảo vệ môi trường tổng thể Cụm Khe Chàm… TKV cũng đã và đang duy trì nghiêm túc việc trồng cây phủ xanh cải tạo phục hồi môi trường; duy trì hoạt động ổn định nhà máy xử lý chất thải nguy hại; thu gom xử lý triệt để nước thải mỏ và các loại chất thải khác tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường…
Bên cạnh ngành Than, bảo vệ môi trường trong ngành Du lịch – dịch vụ, trong đó trọng tâm là hoạt động du lịch gắn với Di sản – Kỳ quan thiên nhiên Vịnh Hạ Long cũng là một trong những vấn đề được tỉnh hết sức quan tâm. Tại các hang động, điểm tham quan, khu vực từ bến cập tàu, trên đường dẫn khách tham quan được bố trí thùng rác có nắp đậy, đảm bảo vệ sinh, thẩm mỹ. Rác thải trên bờ hay rác trên mặt nước được nhân viên vệ sinh thu gom thường xuyên và vận chuyển ra ngoài đầu bến vào cuối ngày để đơn vị phụ trách thu gom, vận chuyển về bờ xử lý. Nước thải được thu gom vào hệ thống bể chứa tự hoại... Ngoài ra, công tác phòng, chống rác thải nhựa trên Vịnh Hạ Long được Ban Quản lý Vịnh triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, đặc biệt yêu cầu sự vào cuộc nghiêm túc của các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên Vịnh. Đến nay đã giảm trên 90% rác thải nhựa trong các hoạt động tham quan, du lịch trên Vịnh Hạ Long.
Hiện Ban Quản lý Vịnh Hạ Long tích cực tham vấn các chuyên gia, đơn vị tư vấn xây dựng đề án thành lập khu bảo tồn thiên nhiên cho vùng lõi di sản Vịnh Hạ Long và xây dựng đề án bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học phục vụ bảo tồn di sản và phát triển du lịch bền vững Vịnh Hạ Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cùng với các ngành, lĩnh vực trọng điểm, tỉnh cũng đã và đang tập trung đầu tư, dành nguồn lực thỏa đáng cho công tác bảo vệ môi trường nguồn nước, biển, hải đảo. Trong đó, tỉnh đã đầu tư mạnh cho hệ thống quan trắc môi trường tự động trên địa bàn, gồm: 7 trạm giám sát chất lượng môi trường nước biển ven bờ, 5 trạm giám sát chất lượng nước mặt, 76 trạm giám sát nước thải... nhằm tăng cường quản lý, giám sát chất lượng môi trường biển.
Đồng thời đầu tư, đưa vào vận hành khu xử lý chất thải rắn Trường Xuân (xã Đồng Tiến, huyện Cô Tô); tiếp tục đầu tư khu xử lý chất thải rắn cho các xã đảo Thanh Lân (huyện Cô Tô) và các xã Minh Châu, Quan Lạn, Ngọc Vừng (huyện Vân Đồn); triển khai thực hiện dự án xử lý nước thải sinh hoạt tại TP Hạ Long, TP Móng Cái; tiếp tục xúc tiến đầu tư dự án thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt cho các khu vực đô thị tập trung tại Cẩm Phả, Vân Đồn, Quảng Yên... nhằm hạn chế nước sinh hoạt xả thải trực tiếp ra biển.
Đến nay, 100% nước sinh hoạt từ các khu đô thị mới trên địa bàn tỉnh đều có hệ thống xử lý tập trung đạt quy chuẩn trước khi xả ra môi trường; riêng TP Hạ Long có một số khu đô thị mới, nước thải sinh hoạt được thu gom, xử lý cục bộ sau đó đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của thành phố. Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã thu gom, xử lý hơn 6.000 tấn rác thải tại các luồng, tuyến, khu vực dịch vụ, chân đảo, bãi cát... lắp đặt các thiết bị xử lý nước thải, thùng rác nổi cỡ lớn và các thùng rác tại các điểm tham quan. Tất cả các tàu du lịch trên địa bàn đều lắp đặt thiết bị phân lý dầu - nước. Người dân nuôi trồng thủy sản cũng đang thay thế dần vật liệu phao xốp bằng các vật liệu bền vững, thân thiện với môi trường…
Trong bảo vệ nguồn nước, giai đoạn 2022-2025, tỉnh sẽ đầu tư xây dựng mới nhiều hồ chứa nước trên địa bàn, trong đó khu vực phía Tây gồm các địa phương Hạ Long, Uông Bí, Quảng Yên dự kiến đầu tư nâng công suất Nhà máy nước Hoành Bồ thêm 10.000m3/ngày đêm; xây dựng tuyến ống hòa mạng với mạng lưới cấp nước của Nhà máy nước Đồng Ho; huyện Ba Chẽ đầu tư xây dựng hồ Khe Tâm, dung tích 1,2 triệu m3; huyện Hải Hà đầu tư xây dựng, nâng cấp hồ Tài Chi, dung tích 7 triệu m3 và hồ Quảng Thành dung tích 5 triệu m3... Còn khu vực phía Đông TP Hạ Long và TP Cẩm Phả đề xuất triển khai xây dựng Nhà máy sản xuất nước sạch từ nguồn nước thải mỏ khu vực Cẩm Phả, với tổng kinh phí dự kiến đầu tư xây mới các hồ khoảng hơn 2.000 tỷ đồng. Ngoài ra, để bảo đảm an toàn và phát huy hiệu quả các công trình hiện có giai đoạn này, tỉnh sẽ sửa chữa, nâng cấp 37 hồ chứa, 36 đập dâng, 5 trạm bơm với tổng kinh nhu cầu phí gần 1.000 tỷ đồng…
Với quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt, nhất quán các mục tiêu đã đặt ra và các phương hướng, giải pháp phù hợp, khoa học, công tác bảo vệ bền vững môi trường tự nhiên, hài hòa với lợi ích từ phát triển nhanh, mạnh KT-XH sẽ được Quảng Ninh tiếp tục thực hiện tốt trong thời gian tới.
Song Hà
Liên kết website
Ý kiến ()