4
531
/
1100167
Chiến lược “5K + Truyền thông + Công nghệ + vắc-xin”
longform

Trước bối cảnh tình hình dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, số lượng ca lây nhiễm tăng nhanh ở nhiều địa phương trong nước, Quảng Ninh đã chỉ đạo đẩy mạnh việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã có những chỉ đạo quyết liệt, sát sao, toàn diện trong công tác phòng chống dịch, trong đó tập trung kiểm soát tốt số người ngoại tỉnh vào địa bàn và việc chấp hành các quy định về công tác phòng chống dịch của người dân, nhất là việc thực hiện thông điệp 5K của Bộ Y tế.

Tìm hiểu tại TP Móng Cái, chúng tôi nhận thấy công tác phòng, chống dịch được địa phương quyết liệt triển khai và thực hiện tương đối hiệu quả. Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của thành phố và các phường thường xuyên xuống địa bàn kiểm tra, tuyên truyền nhắc nhở người dân đeo khẩu trang, tránh tập trung đông người làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Trong đó, đã tập trung công tác tuyên truyền, nhắc nhở các cơ sở kinh doanh phải trang bị đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ phòng, chống dịch; tuyên truyền, nhắc nhở, yêu cầu người dân và nhân viên đeo khẩu trang, sát khuẩn tay cũng như giữ khoảng cách để đảm bảo an toàn trong hoạt động kinh doanh và thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch. Từ đó, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế”.

Đặc biệt, để giữ địa bàn an toàn, TP Móng Cái đã tăng cường ra quân xử lý, dẹp bỏ các quán vỉa hè và xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Điển hình là trong tối ngày 23/8/2021, phường Ka Long, TP Móng Cái đã kiểm tra, xử phạt 11 trường hợp không thực hiện 5K với số tiền là 24 triệu đồng. Đồng thời căng dây và đình chỉ, đóng cửa Quán ốc Cô Oanh (ngõ 112 Yết Kiêu, khu 5, phường Ka Long) để xử lý nghiêm theo quy định. Ngày 24/8, Chủ tịch UBND xã Hải Tiến, TP Móng Cái đã xử phạt hành chính mức hai triệu đồng và buộc đi cách ly tập trung tự trả phí 14 ngày đối với ông Đ.K.T, SN 1976, thường trú tại Khu 8, phường Hải Hòa do đã có hành vi vi phạm hành chính khai báo y tế không trung thực. Ông T có lịch trình di chuyển từ Hải Phòng về nhưng lại khai đi từ Cảng Hòn Gai (TP Hạ Long) về TP Móng Cái.

Không chỉ riêng TP Móng Cái mà trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của tỉnh về triển khai các biện pháp cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn, các huyện, thị xã, thành phố đã tăng cường công tác kiểm tra, tuần tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện các cá nhân, tổ chức, các hộ kinh doanh không tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch theo quy định. Trong đó, chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp không thực hiện yêu cầu 5K của Bộ Y tế (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế); nhất là các trường hợp không đeo khẩu trang, tụ tập đông người ở khu vực công cộng (công viên, quảng trường, chợ, bến xe…), các quán ăn, nhà hàng không thực hiện đầy đủ các quy định phòng, chống dịch. Trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm, chỉ đạo, tổ chức ghi hình và đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Hệ thống đài truyền thanh của huyện và cơ sở, trên Cổng thông tin điện tử và mạng xã hội để thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người dân tại địa phương trong công tác phòng, chống dịch. Về cơ bản, đa phần người dân đồng tình và ủng hộ các biện pháp phòng, chống dịch của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương; chấp hành nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế khuyến cáo.

Từ đầu năm đến nay, Quảng Ninh đã ban hành 38 văn bản của Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống dịch, trong đó có 2 Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Chỉ thị số 08-CT/TU, ngày 03/02/2021 về việc tăng cường triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình hiện nay; Chỉ thị số 09-CT/TU, ngày 03/5/2021 về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đợt cao điểm phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. UBND tỉnh đã ban hành 05 Công điện số 03, 04, 05, 06, 07-CĐ/UBND triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19. Hằng tuần và đột xuất khi cần thiết, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng ban họp trực tuyến với 13 đơn vị cấp huyện, 177 đơn vị cấp xã và thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện tại cơ sở, nhất là các địa bàn, khu vực có nguy cơ cao xảy ra dịch bệnh với quan điểm “phòng là chính, là nhiệm vụ trực tiếp, thường xuyên, hằng ngày, cơ bản, chiến lược, lâu dài, có ý nghĩa quyết định; chống là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách”, tinh thần “chống dịch như chống giặc”.

Với những quyết sách chính xác, kịp thời, tỉnh Quảng Ninh đã nhanh chóng dập tắt ổ dịch Vân Đồn, khóa chặt ổ dịch Đông Triều, hạn chế đến mức thấp nhất số ca lây nhiễm trong cộng đồng, kiểm soát hoàn toàn tình hình dịch bệnh chỉ sau 01 tuần (đến ngày 10/02/2021 tức 28 Tết) trong đợt dịch thứ 3; cô lập ca bệnh liên quan đến bệnh viện K Tân Triều ở phường Cao Xanh, thành phố Hạ Long không để mầm bệnh lây lan trong cộng đồng trong đợt dịch thứ 4; giữ vững địa bàn “An toàn - Ổn định trong trạng thái bình thường mới”. Cách làm sáng sáng tạo, khoa học, thực tiễn của tỉnh Quảng Ninh là cơ sở để các địa phương khác áp dụng đạt hiệu quả, đóng góp cách làm thực tiễn của Quảng Ninh cho Trung ương.

Trước diễn biến vô cùng phức tạp dịch bệnh Covid-19 ở trong nước, nguy cơ dịch xâm nhập vào địa bàn và lây nhiễm trong cộng đồng rất cao, tỉnh Quảng Ninh xác định công nghệ thông tin là 1 trong 4 mũi tấn công hiệu quả để giúp ngăn chặn dịch từ xa, kiểm soát tốt các ca mắc Covid-19 từ bên ngoài vào địa bàn, không để dịch lây lan ra cộng đồng.

Bản đồ dịch tễ Covid-19 tỉnh Quảng Ninh (covidmaps.quangninh.gov.vn) là ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Đi vào vận hành từ tháng 1/2021, Bản đồ số phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh lại cập nhật hàng ngày về số liệu số ca F0, F1, F2, F3, F4 của từng xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh; cung cấp thông tin về các huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn, tổ dân, khu phố bị phong tỏa, cách ly; hiển thị trực quan số lượng người xét nghiệm dịch vụ Covid-19 chi tiết đến từng địa phương trong tỉnh.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông, hiện bản đồ đang cập nhật thông tin trạng thái của 93 ca bệnh phát hiện tại Quảng Ninh; vị trí của 29 điểm cách ly tập trung đang có người cách ly và 18 cơ sở y tế.

Qua số liệu chi tiết được cung cấp trực quan, công khai trên bản đồ đã giúp người dân toàn tỉnh biết được mức độ nguy hiểm của từng địa bàn để có giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả. Cũng nhờ có bản đồ số phòng, chống dịch bệnh Covid-19 này đã cung cấp thông tin cho người dân trong và ngoài tỉnh, doanh nghiệp về các vùng an toàn trên địa bàn tỉnh để yên tâm đến làm việc.

Bên cạnh Bản đồ dịch tễ Covid-19 tỉnh, Bản đồ số phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tỉnh Quảng Ninh cũng thông qua các hạ tầng nền tảng công nghệ thông tin và viễn thông của hệ thống Chính quyền điện tử của tỉnh như: Cổng dịch vụ công của tỉnh, hệ thống email công vụ, hệ thống Wi-Fi công cộng… để phát đi các thông điệp, diễn biến trong phòng, chống dịch cũng như công tác chỉ đạo điều hành của tỉnh; cung cấp thông tin về phòng, chống dịch cho cơ quan báo chí, truyền thông cũng như các hệ thống thông tin cơ sở, kể cả những nội dung thông tin liên quan đến công tác truy vết.

Song song với các ứng dụng đó, cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước, tỉnh Quảng Ninh đã tích cực tuyên truyền đến các cơ quan, tổ chức, người dân và doanh nghiệp cài đặt và sử dụng các ứng dụng khai báo y tế, như: Bluezone, NCOVI, Vietnam Health Declaration... Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai tạo lập quét mã QR code tại trụ sở cơ quan, đơn vị, khu công cộng...

Đến nay, toàn tỉnh có gần 570.000 lượt cài đặt và sử dụng ứng dụng Bluezone trên điện thoại thông minh, chiếm hơn gần 43% số dân tỉnh, đứng thứ 3 trong 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tổng số tờ khai y tế trong toàn tỉnh là trên 1,1 triệu, đạt tỷ lệ 83,64% người dân khai báo y tế. Chỉ tính riêng từ ngày 15/8-22/8 đã có trên 13.400 lượt người đến Quảng Ninh thực hiện khai báo y tế điện tử qua tokhaiyte.vn. Đối với việc thực hiện việc quét mã QR code để quản lý thông tin người ra vào tại các cơ quan, đơn vị, cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh, theo số liệu từ hệ thống http://quanly.bluezone.gov.vn/, đến nay đã có trên 34.140 lượt đăng ký điểm kiểm soát dịch bằng mã QR code.

Để đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19, tỉnh Quảng Ninh cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin thông qua việc sử dụng phần mềm “Sổ sức khỏe điện tử” tạo thuận lợi cho người dân đăng ký tiêm chủng. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có gần 31.000 người đăng ký tiêm vắc-xin phòng Covid-19 trực tuyến. Đặc biệt, ngày 17/8/2021, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2747/QĐ-UBND về việc thành lập Tổ công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Ninh. Tổ có nhiệm vụ tham mưu, triển khai và áp dụng các giải pháp công nghệ đế phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, là đầu mối phối hợp với Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia và các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp công nghệ liên quan để triển khai các giải pháp công nghệ phòng, chống Covid-19 và triển khai nhanh, hiệu quả các nền tảng công nghệ bắt buộc dùng chung để phòng, chống dịch Covid-19 trên toàn quốc.

Trải qua các đợt dịch, việc ứng dụng mạnh mẽ các nền tảng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã cho thấy hiệu quả rõ rệt, góp phần giúp Quảng Ninh ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh, khoanh vùng dịch một cách chính xác, hiệu quả khi có ca bệnh; giữ địa bàn an toàn trong thời điểm số lượng ca mắc Covid-19 tại các tỉnh, thành phố trong cả nước tăng cao. Tính từ ngày 28/6 đến nay, Quảng Ninh đã qua gần 60 ngày không phát hiện ca nhiễm cộng đồng, bảo vệ an toàn sức khỏe cho nhân dân.

Với hiệu quả mang lại, thời gian tới công nghệ thông tin tiếp tục là giải pháp hữu hiệu để Quảng Ninh cùng cả nước chung tay đẩy lùi đại dịch Covid-19.

Thực hiện chiến lược “5K + Vắc xin + Truyền thông + Công nghệ thông tin” trong phòng chống dịch Covid-19, Quảng Ninh đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch. Công tác truyền thông tạo sự đồng thuận, mang trở lại niềm tin, sức chiến đấu chống dịch bệnh, ủng hộ những nỗ lực chung của toàn xã hội. Qua đó, góp phần giữ vững địa bàn an toàn, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn.

Các địa phương trong tỉnh đã phát huy vai trò của MTTQ, các hội đoàn thể, các tổ tự quản và đội ngũ cán bộ ở cơ sở trong việc vận động nhân dân tích cực tham gia phòng, chống dịch tại từng khu dân cư. Với phương châm "Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng", đội ngũ cán bộ ở cơ sở đã phối hợp chặt chẽ với MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thường xuyên tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Thông qua các hình thức tuyên truyền như: Tuyên truyền tại các hội nghị, phát tờ rơi đến các hộ dân, phối hợp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống mạng xã hội, đăng tải trên trang thông tin điện tử của địa phương…, người dân trên địa bàn tỉnh được tiếp cận với các văn bản quy định của Trung ương, của tỉnh về các biện pháp phòng, chống dịch và các kiến thức, thông tin liên quan đến dịch bệnh. Đặc biệt, ở các khu vực biên giới, các địa phương đã thường xuyên tuyên truyền, khuyến khích người dân đặc biệt là người dân khu vực biên giới đường bộ; khu vực ven biển thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về hoạt động xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu; không xuất nhập trái phép, không bao che, tiếp tay xuất nhập cảnh trái phép; không tổ chức đưa đón, môi giới xuất nhập cảnh trái phép; khi phát hiện người xuất, nhập cảnh trái phép hoặc ở vùng dịch trở về, thông báo ngay cho trưởng xóm, y tế thôn, bản, chính quyền địa phương, bộ đội biên phòng để tổ chức cách ly, xử lý kịp thời.

Trung tâm Truyền thông tỉnh cũng đã phát huy vai trò là cơ quan báo chí truyền thông chính thống của tỉnh, chung sức, đồng lòng, tham gia đồng bộ, vào cuộc quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tất cả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, của tỉnh Quảng Ninh về công tác phòng, chống dịch; những khuyến cáo, diễn biến tình hình dịch bệnh... được Trung tâm thông tin, tuyên truyền nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ trên tất cả các hạ tầng truyền thông, góp phần quan trọng trong việc định hướng dư luận, giúp người dân có cái nhìn chính xác, không hoang mang, chủ quan, thờ ơ trước tình hình dịch bệnh, đồng thời yên tâm và tin tưởng về hoạt động phòng, chống dịch của các cấp uỷ, chính quyền. Nhiều bài viết, chương trình của Trung tâm Truyền thông tỉnh đã góp phần lan toả những cách làm hay, khẩn trương, giải pháp sáng tạo, quyết liệt của tỉnh trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trong 6 tháng đầu năm 2021, thông tin tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch Covid-19 chiếm từ 40-50% thời lượng chương trình Thời sự hằng ngày trên các hạ tầng phát thanh, truyền hình; 20-30% diện tích trên báo in; 30-40% số lượng tin, bài trên báo điện tử; 40-50% số lượng tin, bài, clip mutext trên QTVtube-QuangNinh TV và Fanpage QMG-Tin tức Quảng Ninh 24/7.

Song song với đó, Quảng Ninh sử dụng hiệu quả các cổng thông tin và mạng xã hội để tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch bệnh. Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có hệ thống Cổng thông tin điện tử gồm 5 Cổng thành phần cấp 1 (Cổng chính, tiếng Anh, tiếng Trung, Du lịch, Doanh nghiệp), 62 Cổng TTĐT thành phần cấp 2 (gồm các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội) và 140 Cổng TTĐT thành phần cấp 3 (gồm các xã, phường, thị trấn thuộc 12 huyện, thị xã, thành phố) và 23 trang thông tin điện tử (website) liên kết. Đồng thời, có gần trăm trang mạng xã hội do các sở, ban, ngành, tỉnh, huyện quản lý với vài nghìn đến hàng trăm nghìn lượt thành viên tham gia. Qua đó, đã chuyển tải kịp thời các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là thông tin về tình hình dịch Covid-19 hiện nay đến người dùng. Từ đó có nhiều thông tin có hàng chục ngàn lượt chia sẻ, bình luận tích cực của người dùng mạng xã hội, đáp ứng nhu cầu của người dùng trên nền tảng công nghệ số như facebook, zalo, youtube…

Chị Lê Ánh Ngọc, phường Yên Thanh, TP Uông Bí, cho biết: Tôi thấy rất may mắn khi mình là người Quảng Ninh. Công tác phòng chống dịch được tỉnh thực hiện rất tốt. Đến nay, Quảng Ninh vẫn là địa bàn an toàn về dịch bệnh, người dân được công tác, sinh hoạt trong trạng thái bình thường mới. Đặc biệt, các thông tin về dịch bệnh, về các chỉ đạo của tỉnh được thông tin rất nhanh và chính xác trên các hạ tầng truyền thông, trên mạng xã hội. Qua đó, người dân chủ động nắm và điều chỉnh cuộc sống, tích cực tham gia phòng chống dịch.

Thông qua công tác tuyên truyền, người dân trên địa bàn tỉnh đã có nhận thức đúng đắn, đầy đủ về tính chất, mức độ nguy hiểm của dịch Covid-19; nắm vững, tự giác chấp hành nghiêm quy định, thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho bản thân và cộng đồng. Từ đó, góp phần tạo nên một sức mạnh đặc biệt - sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong cuộc chiến chống Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Để giữ vững địa bàn “An toàn - Ổn định trong trạng thái bình thường mới” một cách chủ động, hiệu quả, tiêm vắc-xin phòng Covid-19 được xem là nhiệm vụ chiến lược, có ý nghĩa rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Xác định rõ điều này, tỉnh Quảng Ninh đã và đang dốc toàn lực nhằm đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, sớm hoàn thành mục tiêu hết năm 2021 đạt miễn dịch cộng đồng.

Cùng với chiến lược 5K, truyền thông, công nghệ, tỉnh Quảng Ninh xác định vắc-xin là “vũ khí” quan trọng trong phòng, chống dịch Covid-19 mang tính dài hạn và quyết định. Do đó, ngay từ đầu năm, Quảng Ninh đã dành nguồn lực khoảng 500 tỷ đồng ngân sách cùng với nguồn lực xã hội hóa dành cho phòng, chống dịch và tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho nhân dân. Mục tiêu đặt ra là: Triển khai tiêm chủng vắc-xin nhanh nhất, hiệu quả nhất, an toàn nhất cho toàn dân, đảm bảo không để lãng phí; số người tiêm càng nhiều càng tốt, đến hết năm 2021 có trên 90% dân số đủ điều kiện tiêm được tiêm chủng...

Để đảm bảo tiêm an toàn cho 2,2 triệu mũi tiêm, tỉnh chỉ đạo ngành y tế tích cực chuẩn bị các điều kiện cho công tác triển khai thực hiện. Đến nay, toàn ngành đã tổ chức tập huấn công tác tiêm chủng cho 3.038 người tại các đơn vị y tế đủ nhân lực đáp ứng được 195 điểm tiêm; thành lập 500 đội tiêm chủng đáp ứng công tác triển khai tiêm diện rộng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, huy động tối đa các đội, kíp cấp cứu thường trực tại điểm tiêm chủng đảm bảo mỗi điểm tiêm chủng bố trí tối thiểu 1 kíp cấp cứu; bố trí 90 đội thường trực cấp cứu lưu động gồm những y bác sỹ có chuyên môn hồi sức tích cực của các đơn vị tuyến tỉnh đi hỗ trợ trong các buổi tiêm. Về năng lực thực hiện tiêm chủng, khi huy động tổng thể các cơ sở tiêm chủng tham gia; năng lực tiêm chủng của toàn hệ thống có thể tiêm được 10.000 mũi/ngày, 300.000 mũi tiêm/tháng.

Với cách làm bài bản, chuyên nghiệp, từ tháng 4/2021 tỉnh Quảng Ninh bắt đầu triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho các đối tượng mà được quy định tại Nghị quyết 21 của Chính phủ. Tính đến ngày 22/8/2021, với 326.950 liều vắc-xin đã nhận, trải qua 8 đợt tiêm chủng, Quảng Ninh đã tiêm an toàn 277.710 liều vắc-xin phòng Covid-19. Trong đó, có 172.261 người tiêm 1 mũi và 105.449 người tiêm đủ 2 mũi. Các đợt tiêm vắc-xin đều được thực hiện hết sức bài bản, nghiêm túc, đảm bảo an toàn, chỉ có trường hợp có phản ứng nhẹ và một số phản ứng thông thường sau tiêm, không có trường hợp phản ứng nặng cũng như tử vong do tiêm vắc-xin.

Là người được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 trong đợt 7, bà Nguyễn Thị Tình, tiểu thương chợ Hạ Long I cho biết: Được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 là một món quà lớn đối với người dân chúng tôi. Bản thân tôi khi tiêm xong thấy rất phấn khởi, tự tin và thoải mái, sức khỏe bình thường, ổn định. Tôi mong rằng, tới đây gia đình tôi và người dân toàn tỉnh sẽ nhanh chóng được tiêm vắc-xin để có đủ sức khỏe chống chọi với đại dịch Covid-19.

Để sớm hoàn thành mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng, hiện tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng bảo đảm nhanh nhất, hiệu quả nhất, an toàn nhất và triển khai thực hiện đúng chủ trương, hướng dẫn của Bộ Y tế, theo tinh thần vắc-xin được cấp đến đâu, Quảng Ninh thực hiện tiêm chủng an toàn đến đó, không để lãng phí.

Đồng chí Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế, cho biết, với số vắc-xin mà tỉnh đã được Bộ Y tế cấp phát là trên 300.000 liều đến thời điểm này, ngành Y tế sẽ phấn đấu tiêm đủ diện rộng mũi 1 và ưu tiên cho công dân theo quy định tại Nghị quyết 21 của Chính phủ là những người thường xuyên tiếp xúc với nhiều, di chuyển nhiều và có nguy cơ cao. Đây là thời điểm vàng để tiêm chủng, do đó, với quan điểm tiêm đến đâu, an toàn đến đó, ngành sẽ chủ động về mặt chuyên môn và lên kế hoạch cụ thể cho từng điểm tiêm. Đồng thời, phối hợp với các địa phương, các sở, ban, ngành để tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ đảm bảo tiêm an toàn.

Trong tuần qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam vẫn đang diễn biến rất phức tạp, tốc độ lây lan nhanh, số ca tử vong cao. Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 381.363 ca nhiễm, đứng thứ 66/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), Việt Nam ghi nhận 377.245 ca trong nước, 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP. Hồ Chí Minh (190.166), Bình Dương (81.182), Đồng Nai (19.728), Long An (19.046), Tiền Giang (8.155). Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến 25/8 là 9.349 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%).

Với tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại các tỉnh, thành phố trong cả nước như hiện nay, Quảng Ninh chính thức bước vào giai đoạn chống dịch cam go hơn. Chính vì thế, tỉnh đã vận hành cơ chế phòng dịch ở mức độ cao nhất từ tỉnh đến tận thôn, khu, bản, tổ phòng, chống Covid-19 cộng đồng và đến từng người dân theo tinh thần “Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi một tổ dân, gia đình là một pháo đài chống dịch”.

Bên cạnh việc kiên quyết, kiên trì ngăn chặn triệt để các nguồn lây nhiễm từ bên ngoài vào địa bàn, Quảng Ninh đã siết chặt công tác phòng dịch ở tất cả các lĩnh vực. Hiện nay, tỉnh đã tạm dừng hoạt động du lịch ở một số địa điểm và một số dịch vụ không thiết yếu; tạm dừng các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng; hoạt động bán hàng vỉa hè, quán giải khát, hoạt động dịch vụ phòng kín; yêu cầu không tụ tập, tập trung đông người tại các nơi công cộng.

Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch các cấp đã chỉ đạo quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch sát với diễn biến tình hình dịch, đồng thời đảm bảo tạo điều kiện cho việc sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hoá. Hàng tuần, các đơn vị thực hiện xét nghiệm ngẫu nhiên cho 20% số người lao động của đơn vị và xét nghiệm toàn bộ cho người lao động tham gia cung ứng dịch vụ, hàng hóa của các đơn vị liên quan. Các địa phương tăng cường kiểm soát chặt chẽ toàn tuyến đường biên giới trên đất liền, trên biển. Đến ngày 23/8, Quảng Ninh đã triển khai tiêm được 277.710 liều vắc xin Covid-19, trong đó 172.261 mũi 1 và 105.449 mũi 2 (đã có 172.261 người được tiêm vắc xin, 105.449 người tiêm đủ 2 mũi, 66.812 người tiêm 1 mũi).

Để giữ thành quả phòng, chống dịch của tỉnh thời gian qua, giảm số ca mắc, giảm số người tử vong và không để rơi vào tình trạng mất kiểm soát nếu như trên địa bàn xuất hiện tình huống có ca bệnh, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 cấp tỉnh đã yêu cầu các cấp, các ngành chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản, phương án cao nhất cho tình hình diễn biến xấu nhất. Mỗi địa bàn, mỗi xã, phường, thị trấn đến từng huyện, thị xã, thành phố, sở, ban, ngành phải bám sát chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh để đánh giá lại tình hình của địa bàn, đơn vị; đánh giá lại các giải pháp cũng như trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 phù hợp với diễn biến của dịch cũng như khuyến cáo của các chuyên gia. Phải tăng cường kỷ cương, kỷ luật ở mức cao hơn, cụ thể hóa trách nhiệm cá nhân rõ hơn, ràng buộc trách nhiệm người đứng đầu các cấp gắn với tiến độ cụ thể theo từng phương án, cấp độ dịch bệnh.

Hiện nay, các địa phương, đơn vị trong toàn tỉnh đã xây dựng phương án ứng phó với tình hình dịch bệnh ở các cấp độ, trong đó có tình huống 1.000 và 5.000 ca mắc mới Covid-19 trong cộng đồng. Ngoài việc chuẩn bị rõ các cơ chế vận hành các nhân lực, vật lực, các phương án thực hiện đều đảm bảo theo nguyên tắc phù hợp với từng tình huống, số ca mắc, dự toán kinh phí phù hợp, tổ chức mua sắm trang thiết bị đảm bảo chống dịch, hạn chế thấp nhất tử vong; không để thiếu cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị y tế, kít xét nghiệm, thiếu oxi hay máy thở.

Chỉ đạo sản xuất: Lan Hương

Thực hiện: Thùy Linh - Thu Chung

Kỹ thuật đồ họa: Hùng Sơn


"3 trước, 4 tại chỗ" - "Dĩ bất biến, ứng vạn biến"
Tròn 60 ngày, cùng với Cao Bằng, Quảng Ninh là 2/63 tỉnh, thành phố chưa xuất hiện ca nhiễm Covid-19.  
   
Quyết tâm giữ vững "Địa bàn xanh"
Quảng Ninh đang giữ được địa bàn an toàn nhờ việc chặn đứng đường lây, khoá chặt các ca bệnh, kiểm soát chặt địa bàn.   
   
Nâng cao năng lực cho tuyến đầu
Tỉnh Quảng Ninh chủ động nâng cao năng lực cho lực lượng tuyến đầu, nhất là nguồn lực, cơ sở vật chất y tế, nhân lực tinh nhuệ…    
   
Tạo những "vùng xanh" an toàn
Tiêm vắc xin được xác định là chiến lược quan trọng để phòng, chống dịch Covid-19, nhanh chóng đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới để phát triển kinh tế - xã hội.   
   
Sản xuất an toàn trong dịch bệnh
“Bằng mọi giá phải đảm bảo an toàn trong các hoạt động sản xuất” - Đây là quyết tâm lớn mà Quảng Ninh đã đặt rõ trong chiến lược ứng phó đại dịch Covid-19.   
   
Mỗi người dân là một chiến sỹ trên mặt trận chống dịch
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát đầu năm 2020 đến nay, tinh thần “Toàn dân chống dịch”, “Chống dịch như chống giặc” luôn sục sôi trong mỗi người dân đất Mỏ.    

.