Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 17:30 (GMT +7)
“Chiến hạm” kiêu hãnh hướng ra biển Đông
Chủ nhật, 06/08/2023 | 06:28:59 [GMT +7] A A
Nói đến núi Hạm trên địa bàn phường Hồng Hà thì cả dân Hòn Gai xưa và Hạ Long nay gần như ai cũng biết. Thế nhưng, không mấy người hiểu được, cái tên núi Hạm xuất phát từ đâu và có ý nghĩa là gì.
Ông Phạm Lê Hưng, người sống lâu năm dưới chân núi Hạm đưa ra nhận định rằng, nếu so về tuổi tác, tầm vóc thì có lẽ núi Hạm cũng chẳng kém gì núi Bài Thơ. Chỉ có một điều khác là không có bài thơ vua Lê khắc trên vách đá và vào năm 1930 cũng chẳng có ai cắm cờ trên ngọn núi này. Thế nhưng, với tầm vóc và chiến công của mình, núi Hạm vẫn xứng đáng được lưu danh, ca tụng.
Mái nhà chung che chở trước đạn bom
Núi Hạm vẫn kiêu hãnh, tự hào vì đã cưu mang, che chở nhân dân một thời đạn bom, khói lửa. Vào những năm chiến tranh, xung quanh núi Hạm có nhiều hang động, người dân khu vực sống quanh đó cứ có còi báo động máy bay đến gần thị xã là ùa nhau vào hang ẩn nấp.
Thời đó, trường liên cấp cấp 1, 2 Cột 8 nằm sát chân núi. Mỗi lớp học được dựng bằng tranh tre nứa lá đơn sơ. Bên trong lớp học, kê dãy bàn thô mộc, có khi được làm bằng những thân tre gác tạm. Ông Hưng kể: Cuộc sống thời đó đơn giản và tạm bợ qua ngày. Tất thảy đều mong sao hàng ngày lắng tiếng bom đạn, không phải chứng kiến quê hương hoang tàn do chiến tranh khốc liệt gây ra.
Mỗi khi máy bay kéo đến, sau tiếng gầm rú xé toang bầu trời tĩnh lặng là tiếng bom nổ. Nhà cháy, người chết, bộ đội hy sinh, thiệt hại không sao kể hết. Rồi bom đạn qua đi, bộ đội và dân quân tự vệ đi khắc phục hậu quả. Người dân núi Hạm lại xây dựng quê hương từ chính đống đổ nát hoang tàn.
Ông Hưng nhớ về ngày được kết nạp vào đội Thiếu niên tiền phong dưới chân núi Hạm, giữa sân trường đất nện, gió rét căm căm trong manh áo cũ mỏng tang các ông cảm nhận sự khắc nghiệt của thời tiết, chiến tranh. Ông và chúng bạn tự nhủ lòng mình phải cố gắng nhiều hơn để không phụ lòng lớp cha anh đã vắt kiệt sức lực vì chiến tranh và cuộc sống khó nghèo, hiểm nguy.
Ông Phạm Lê Hưng xúc động nhớ lại: Ngoài giờ đi học, mấy đứa nhỏ lại ăn ngủ dưới chân núi Hạm. Có bà cụ Sầm, là mẹ đẻ ông Trần Sầm (thời đó gọi tên bố mẹ theo con-PV). Ông Sầm sau là Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh. Cụ Sầm lúc đó đã già lắm rồi nhưng vẫn thay mặt gia đình các cháu nấu cơm chăm sóc cho lũ trẻ sơ tán ở đây.
Mỗi khi tiếng còi ủ báo động có máy bay đang đến gần thì cụ lại thúc giục các cháu leo lên cái cầu thang bằng gỗ tròng trành để chui tọt vào cái hang núi Hạm, còn gọi là hang Tỉnh ủy, ở lưng chừng núi. Đứa nào chậm chạp là bị roi vụt quắn đít phải chạy cho nhanh. Cụ Sầm đi xa mấy chục năm rồi, nhưng thế hệ thiếu niên xưa nay đã gần bằng tuổi cụ vẫn còn nhớ mãi.
Theo sách “Lịch sử Đảng bộ thành phố Hạ Long”, thực ra, việc sơ tán là một chủ trương rộng khắp, có cả kế hoạch của Tỉnh ủy ban hành vào tháng 4/1965. Theo đó, phương án sơ tán lâu dài về nông thôn, tham gia sản xuất, sơ tán khẩn cấp ra khu vực ven thị xã, sơ tán khẩn cấp trong trường hợp máy bay địch oanh tạc. Năm 1965, Ban Vận động sơ tán của thị xã đã đưa 2.508 người về các tỉnh bạn, còn lại thì sơ tán vào những nơi quy định. Riêng cơ quan Thị ủy thì sơ tán vào núi Hạm cột 8.
Và thực tế, trong núi Hạm còn rất nhiều hang đá được đặt tên để ghi nhớ về giai đoạn này, như: Hang Cao, hang Công đoàn, hang bà Soạn, hang 67, hang Cây Si, hang Tỉnh ủy. Để có thể phục vụ nhu cầu xây dựng và sửa chữa nhà ở của nhân dân, đồng thời tận dụng tài nguyên thiên nhiên, thị trấn Cột 5 đã thành lập hợp tác xã xây dựng và sản xuất vôi ở chân núi Hạm cột 8. Hợp tác xã này hoạt động cho đến ngày thành lập phường Hồng Hà.
Bà Đỗ Thị Nga, cư dân ở tổ 6, khu 6, phường Hồng Hà, kể: Năm 1968, nghe theo lời kêu gọi thiêng liêng của Đảng, Bác Hồ và với nhiệt huyết tràn đầy của tuổi trẻ, chúng tôi là thế hệ học sinh của Ninh Bình đã tạm biệt quê hương để ra Vùng mỏ. Chúng tôi cùng với nhân dân các dân tộc Quảng Ninh và công nhân đã đoàn kết một lòng góp sức sản xuất, khơi dòng điện sáng phục vụ cho sản xuất và đời sống dân sinh Vùng mỏ. Ngày ấy, lần đầu tiên tôi bước xuống Hòn Gai, trước mắt tôi là ngọn núi Hạm cao sừng sững. Người ta bảo núi cao và dài như một chiến hạm hiên ngang hướng ra biển Đông nên gọi là núi Hạm.
Thầy giáo của chúng tôi đưa chúng tôi vào núi Hạm để nghỉ ăn trưa. Thầy ân cần giới thiệu rằng, cả Vùng mỏ đang rực lửa bom đạn Mỹ trút xuống. Ngày, đêm Vùng mỏ căng mình kiên cường chiến đấu chống chiến tranh phá hoại. Hang núi Hạm là nơi công nhân nhà máy điện cột 5 vào sơ tán. Chúng tôi từ quê ra đây buồn vui lẫn lộn, nhưng không một ai lo sợ bom đạn của Mỹ.
Anh bạn lớp trưởng của chúng tôi viết vội bài thơ. Chúng tôi cùng nhau giành lấy tờ giấy đó để đọc. Đến giờ, tôi không nhớ rõ từng câu, từng chữ nhưng đại ý là: “Mẹ ơi, con ra hang núi Hạm/ Con đã về Đất mỏ thân thương/ Núi Hạm - Mái nhà chung che chở/ Cho chúng con qua bom đạn quân thù/ Ở quê nhà mẹ yên tâm, mẹ nhé/ Hết giặc rồi con lại về với mẹ, mẹ ơi”.
Ngày còn chiến tranh, mặc cho bom gầm đạn xé, xung quanh Núi Hạm vẫn còn chim kêu, vượn hót, nhất là loài chim "bắt cô trói cột" kêu vào chiều tối. Vào mùa xuân, chim én vẫn bay rợp trời quanh núi Hạm. Mùa xuân, hoa xoan nở ra tím ngát, hoa rụng bay đầy trời như thách thức khói bom đạn nổ của giặc.
Chân núi là la liệt nhà dân che tạm chỗ ở sơ tán, nhưng cũng còn có cửa hàng bách hóa, sân chiếu phim ngoài trời. Gần trường học có đồi pháo phòng không bắn máy bay Mỹ. Sau này, dưới chân núi Hạm có trường chính trị của tỉnh được nhiều người đặt tên là "Học viện núi Hạm" đã đào tạo được rất nhiều cán bộ chủ chốt của tỉnh qua nhiều thế hệ.
Bà Phạm Thị Mận, thủ nhang chùa Núi Hạm, kể cho chúng tôi biết rằng chùa Núi Hạm tên chữ là Già Lam Bảo Liên tự, vốn là đất liền kề với hai gia đình ông Phạm Văn Ngân và ông Trịnh Quang Đạm ở tổ 2, khu 8, phường Hồng Hà.
Những năm 60 của thế kỷ trước, khi Bác Hồ có sắc lệnh khuyến khích những kiều bào ta định cư ở Thái Lan hồi hương, thời điểm đó Khu Hồng Quảng có 30 gia đình trở về. Họ được phân đất ở khu tập thể Lán Mới cột 5 TX Hòn Gai. Mỗi gia đình bốc thăm một ô đất dọc theo Quốc lộ 18A để tăng gia trồng khoai sắn. Các gia đình đã phát hiện ra một ngôi miếu nhỏ có bát hương thờ thần linh ở trong hang núi Hạm.
Từ đó, mọi người xung quanh đều đến đây hương khói quanh năm. Vào năm 1966, Đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, một quả bom rơi trúng nóc miếu nhưng may mắn không ai bị thương. Cạnh đó có một cái hang có thể chứa đến 100 người. Hang này được Tỉnh ủy và UBND tỉnh dùng làm nơi sơ tán và chỉ huy quân dân Quảng Ninh bắn rơi máy bay Mỹ. Nhân dân trong vùng quen gọi đó là hang Tỉnh ủy.
Ngay khi máy bay Mỹ ngừng ném bom, nhân dân địa phương và Phật tử gần xa đã quyên góp tài lực, vật lực để sửa chữa lại ngôi miếu. Trước sự băng hoại của thời gian và sự tàn phá của chiến tranh, ngôi miếu ngày càng xuống cấp. Cỏ cây mọc lên um tùm, che lấp cả lối đi. Rắn rết, muỗi bọ trú ngụ ở ngôi miếu hoang tàn. Đến năm 2011, nhân dân và phật tử gần xa, các công ty, xí nghiệp, cộng đồng con em quê quán ở Hồng Hà đã phát tâm công đức để khởi công tôn tạo lại. Ngày 20/8/2011, nhân dân địa phương đã thỉnh tượng đức Phật và bát hương bài vị thành hoàng làng, thổ địa thổ thần long mạch cùng an vị trong ngôi chùa và miếu này.
Mừng vui nhìn quê hương đổi mới
Chiến tranh đã lùi xa mấy chục năm. Cuộc sống mới đã thay đổi toàn diện bộ mặt xã hội. Núi Hạm vẫn đứng đó sừng sững, uy nghi để khẳng định sự vững bền của đá núi ngàn năm và lòng người Hòn Gai anh dũng, kiên trung cho dù thời cuộc có biến đổi, xoay vần.
Khi xưa chưa có dự án xây dựng khu đô thị ven biển, thủy triều vẫn dâng mấp mé chân núi hàng ngày. Chiều chiều, nhiều thực khách thích thú với cảm giác được ngồi ở cái quán gió Nga - Vơn sát mép nước mà uống bia mực khô, thõng luôn cả đôi chân khỏa nước mát rượi của Vịnh Hạ Long. Thực khách ngắm nhìn phía xa kia là trập trùng biển xanh núi biếc mà cảm nhận rằng vùng đất này xứng danh là một kiệt tác của thiên nhiên ban tặng người Vùng mỏ. Và những ai được sinh ra, sống và gắn bó với nơi đây cũng là một may mắn của đời người.
Cái quán gió Nga Vơn là được đặt theo tên ghép của bà Nga và chồng. Sau này, bà Nga còn mở thêm nhà hàng Thanh Nga ở gần chân núi Hạm. Bà Nga bảo rằng, gần 6 thập niên đã qua, bà không đi đâu xa quanh chân núi Hạm. Nhà cửa có chuyển đi chuyển lại nhiều lần thì bóng núi vẫn phủ xuống sân nhà bà.
Kể từ ngày trú bom ở chân núi Hạm, bà đã biết rằng định mệnh cuộc đời bà gắn với ngọn núi này. Và cũng là duyên số, bà lấy ông Nguyễn Minh Vơn là một chiến sĩ hải quân cả cuộc đời binh nghiệp gắn với biển đảo, với những chiến thuyền, hạm đội. Ông Vơn cũng từng là chiến sĩ hải quân tham gia đánh Mỹ trong Chiến thắng trận đầu. Núi Hạm thân thương là một phần máu thịt không thể tách rời của cuộc đời bà Nga.
Đến nay, sau 30 năm xây dựng, thành phố Hạ Long đã trở thành một đô thị đẹp, có địa thế phong thủy vững chắc, chân đạp biển, lưng tựa vào núi Bài Thơ, núi Hạm. Chắc chắn vùng đất này sẽ mãi mãi phồn thịnh và thanh bình.
Còn riêng núi Hạm vẫn lặng lẽ, trầm tư hoài niệm về lịch sử thăng trầm hàng trăm năm qua, nay nhìn quê hương đổi mới, chứng kiến dòng chảy cuộc sống hiện đại đang không ngừng chuyển động nhưng vẫn không quên về những ngày gian khó.
Bà Đỗ Thị Nga thì phấn khởi cho rằng, dưới chân núi Hạm, đường bao biển mở rộng, nối vòng tay lớn lại nối với Cẩm Phả - Vân Đồn nối ra Móng Cái, nối Việt Nam với Trung Quốc, Đông Nam Á và quốc tế, góp phần đưa Quảng Ninh phát triển đi lên giàu mạnh hơn.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()