Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:36 (GMT +7)
Chiến dịch tiêm chủng của 'Vương quốc hạnh phúc' Bhutan đã thành công như thế nào?
Thứ 3, 05/10/2021 | 15:40:27 [GMT +7] A A
Vương quốc nhỏ bé ẩn mình bên dãy núi Himalaya hùng vĩ đã vượt qua những thách thức về mặt hậu cần và tâm lý hoài nghi vaccine bằng sự đoàn kết và các chính sách hiệu quả dựa trên khoa học.
Theo kênh CNA, cho đến nay, dù gần một nửa dân số thế giới đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine COVID-19, con số này không đồng đều giữa các quốc gia. Trong khi những nước trong nhóm thu nhập cao đang dẫn trước ở cuộc đua miễn dịch cộng đồng với COVID-19, một số nước thu nhập thấp và trung bình chỉ vừa bắt đầu chiến dịch tiêm chủng. Nhưng Bhutan, quốc gia nhỏ bé trên dãy Himalaya lại là một ngoại lệ. Tính đến cuối tháng 7, “Vương quốc hạnh phúc” đã tiêm phòng đầy đủ cho 90% dân số trưởng thành.
Mặc dù Bhutan có rất ít bác sĩ và y tá, nhưng chỉ trong 3 tuần vào mùa hè, vương quốc này đã tiêm mũi vaccine thứ 2 cho hầu hết người trưởng thành. Với thành tựu ấy, Bhutan được ca ngợi là câu chuyện tiêm chủng thành công đáng chú ý trong số những quốc gia kém phát triển nhất thế giới.
Bộ trưởng Y tế Dechen Wangmo đã đánh giá cao tinh thần đoàn kết, việc hoạch định chính sách tiêm chủng quy mô nhỏ dựa trên khoa học trong thành công của chiến dịch tiêm chủng ở Bhutan.
Nguồn viện trợ vaccine quốc tế
Song chiến dịch tiêm chủng của Bhutan không thể thành công nếu không có sự hợp tác quốc tế. Ấn Độ là quốc gia đã viện trợ những lô vaccine đầu tiên cho Bhutan. Tính đến tháng 3/2021, Ấn Độ đã gửi 450.000 liều vaccine AstraZeneca, đủ để tiêm mũi đầu tiên cho tất cả người trưởng thành đủ điều kiện ở Bhutan vào mùa xuân.
Nhiều quốc gia có thu nhập thấp và trung bình khác cũng đang dựa vào nguồn cung vaccine từ Ấn Độ, nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, để bắt đầu tiêm chủng cho người dân và chấm dứt sự bùng phát của đại dịch. Tuy nhiên, sự phụ thuộc này lại khiến Bhutan gặp trở ngại với nguồn cung mũi vaccine thứ 2 cho người dân. Làn sóng dịch COVID-19 thứ hai đã càn quét Ấn Độ sớm hơn dự kiến, khiến nước này phải ưu tiên tiêm chủng trong nước và dừng xuất khẩu vaccine.
Nguồn cung vaccine của Bhutan ngay lập tức cạn kiệt, trong khi đó nguy cơ virus SARS-CoV-2 lây lan từ Ấn Độ qua biên giới Ấn Độ sang nước này gia tăng nhanh chóng.
Sau một thời gian chờ đợi căng thẳng, Bhutan đã nhận được 500.000 liều vaccine Moderna từ Mỹ thông qua sáng kiến chia sẻ vaccine COVAX. Sau đó, quốc gia này cũng nhận được thêm 250.000 liều vaccine AstraZeneca từ Đan Mạch, tiếp đó là nguồn cung vaccine AstraZeneca, Pfizer và Sinopharm từ Bulgaria, Croatia, Trung Quốc và các quốc gia khác.
Thách thức phân phối vaccine đến vùng xa xôi
Có được vaccine là một thành công lớn, song việc phân phối vaccine như thế nào lại trở thành thách thức lớn khác. Bhutan rất xa xôi, chỉ có thể tiếp cận đất liền bằng một số con đường từ Ấn Độ.
Vaccine từ cơ chế COVAX đã được vận chuyển đến Sân bay Quốc tế Paro bằng đường hàng không. Đây là một trong những hành trình vận chuyển khó khăn nhất trên thế giới, khi Paro nằm trong một thung lũng sâu, các đỉnh núi xung quanh cao tới 5.500m.
Việc vận chuyển vaccine nội địa cũng gặp nhiều thách thức. 750.000 dân Bhutan sống rải rác trong một khu vực có diện tích rộng gần bằng Thụy Sĩ. Song không phải tất cả các khu vực miền núi đều có thể tiếp cận bằng đường bộ. Do đó, Bộ Y tế đã phải lên kế hoạch chi tiết làm thế nào để tất cả người trưởng thành được tiêm đủ 2 mũi vaccine càng nhanh càng tốt.
Giới chức đã bắt đầu các chuyến thăm thực địa đến các huyện vùng sâu vùng xa, để lập bản đồ và xác định các địa điểm có thể tiêm chủng. Bhutan cũng đã thiết lập biện pháp vận chuyển vaccine đến các địa điểm này bằng đường bộ, đường hàng không và thậm chí đi bộ đến những khu vực khó tiếp cận nhất.Trường học, tu viện và các tòa nhà công cộng khác đều được sử dụng làm trung tâm tiêm chủng.
Việc bảo quản vaccine tại những khu vực dân cư thưa thớt cũng là một thách thức. Do đó, Bhutan đã thành lập các trung tâm tiêm chủng cấp huyện trên toàn quốc để bảo quản và phân phối đến các khu vực nhỏ hơn khi cần thiết. Các chuyến bay nội địa và dịch vụ vận chuyển vaccine bằng trực thăng đã được sử dụng để phân phối vaccine trên khắp đất nước.
Bên cạnh đó, nền tảng kỹ thuật số - Hệ thống Tiêm chủng Bhutan – cũng đã góp phần đẩy nhanh việc triển khai tiêm mũi vaccine thứ 2. Nền tảng này cho phép người dân đăng ký tiêm chủng trực tuyến giúp tiết kiệm thời gian điền thông tin cá nhân khi đến các trung tâm tiêm chủng.
Với việc chỉ có 376 bác sĩ trong cả nước, giai đoạn lập kế hoạch cũng đã sớm xác định tình trạng thiếu nhân lực y tế. Vì vậy, 50 bác sĩ đã đang ở nước ngoài đã được kêu gọi về nước hỗ trợ chiến dịch tiêm chủng. Bộ Y tế cũng đã tổ chức các cuộc họp trực tuyến với các nhân viên y tế và chính quyền cấp huyện và cấp thôn bản để nêu rõ những thách thức dự kiến. Đồng thời, bộ cũng vận động, tập huấn cho cán bộ y tế tiêm chủng và theo dõi bệnh nhân.
Các y tá và nhân viên chăm sóc sức khỏe cũng nhận được sự hỗ trợ từ các tình nguyện viên, được biết đến là những “chiến binh bảo vệ hòa bình". Đây là chương trình dịch vụ quốc gia đã được thực hiện ở Bhutan trong suốt thập kỷ qua và có 4.500 thành viên. Những tình nguyện viên này có nhiệm vụ khuyến khích mọi người đi tiêm chủng và giúp quản lý các trung tâm tiêm chủng.
Vượt qua sự do dự tiêm chủng
Khả năng lãnh đạo tốt cũng là một dấu hiệu nổi bật trong việc triển khai vaccine ở Bhutan. Người dân ở quốc gia này rất tin tưởng vào các nhà lãnh đạo của đất nước. Thủ tướng và Bộ trưởng Y tế Bhutan đã dành rất nhiều thời gian cho các hoạt động ứng phó với COVID-19.
Ngoài ra, không thể không nhắc đến vai trò của Quốc vương Jigme Khesar Namgyel Wangchuck. Quốc vương Bhutan được rất nhiều người tôn kính. Ông đã đi khắp các vùng sâu vùng xa để giám sát các biện pháp phòng dịch COVID-19. Quốc vương đã có chuyến đi 5 ngày đến gặp gỡ và cảm ơn các nhân viên y tế tuyến đầu. Khi trở về, ông đã tuân thủ quy tắc cách ly trong một khách sạn để làm gương cho người dân.
Các chính trị gia của Bhutan cũng nỗ lực vận động công chúng đi tiêm chủng nhằm khắc phục tình trạng do dự vaccine. Trong đó, giới chức đã tập trung vào việc truyền đạt những lợi ích khoa học của vaccine, thông qua những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội cũng như các diễn viên truyền hình.
Không phải quốc gia nào cũng có thể đạt được những thành tựu tương tự Bhutan. Dân số ít và sự tin tưởng cao vào các nhà lãnh đạo đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai chương trình tiêm chủng.
Bhutan là minh chứng rõ ràng rằng việc triển khai vaccine nhanh chóng và công bằng có thể thực hiện được ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Trong đó, cộng đồng quốc tế phải hợp tác cùng nhau trong việc cung cấp vaccine, như hỗ trợ quản lý phân phối vì việc đưa vaccine đến các vùng xa xôi của các quốc gia kém phát triển nhất trên thế giới là một thách thức lớn.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()