Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 14/01/2025 01:24 (GMT +7)
Chiêm ngưỡng cánh đồng cói thơ mộng ở Bình Định
Thứ 4, 10/05/2023 | 14:46:12 [GMT +7] A A
Cánh đồng cói ở Bình Định trải dài vô tận như một tấm lụa khổng lồ màu xanh mướt đã gây ấn tượng mạnh với nhiều du khách.
Hơn 800 hộ dân ở phường Hoài Châu Bắc, thị xã Hoài Nhơn (Bình Định) bao đời nay vẫn gắn bó với nghề trồng và làm chiếu cói, có từ cách đây hàng trăm năm.
Cói cũng giống như lúa, người dân sẽ trồng và thu hoạch hai mùa mỗi năm, nếu thuận lợi sẽ được ba mùa. Cói được coi là "chín" là khi thân đồng loạt ngã rạp, lúc ấy là đã đến lúc thu hoạch.
Mùa cói "chín" cũng là thời điểm cái nóng mùa hè tháng 4-6 miền Trung như chảo lửa. Bởi vậy, từ sáng sớm, khi bình minh vừa lên, le lói những tia sáng dịu dàng đầu ngày xuống không gian, những người nông dân cần mẫn đã tấp nập ra đồng thu hoạch cói.
Thu hoạch cói có 2 cách đó là dùng máy và thủ công. Dùng máy cũng như máy cắt cỏ bình thường, còn thủ công là những người quen tay và kinh nghiệm sử dụng lưỡi mác dài, lưỡi liềm dài sắc bén cỡ lớn để cắt cói. Cây cói tươi được dựng buộc thành từng bó, đứng giữa đồng trông giống những chiến binh
Cói không thu hoạch như lúa luôn một lần mà làm nhiều lần, cắt đến đâu thì lọc lấy thân chính bên trong đến đó.
Trong màn sương sớm, người dân gồng gánh giữa cánh đồng cói bạt ngàn, tạo nên bức tranh quê đẹp như cõi mơ.
Nghề dệt chiếu cói ở Hoài Nhơn Bình Định sở hữu quy mô sản xuất lớn bậc nhất miền Trung.
Giữa không gian bạt ngàn một màu xanh ngát, thấp thoáng những chiếc áo đẫm mồ hôi của các bác nông dân, vẽ nên bức tranh lao động tuyệt đẹp.
Chiếc máy chẻ cói thủ công gắn bó bao đời của người dân nơi đây. Ngay phía sau 2 trục gỗ phía trước (trên và dưới) là dao cắt cao 6cm gồm nhiều lưỡi xếp cạnh nhau dọc theo chiều dài giữa 2 trục gỗ. Vì còn làm thủ công nên muốn vận hành máy cần phải có 2 người (máy được vận hành tại ruộng cói), 1 người ngồi phía trước cho cói vào chẻ, 1 người ngồi phía sau băng tải để kéo cói ra.
Cói sau khi thu hoạch xong nhanh chóng đưa về nhà hoặc xưởng sản xuất, nếu để lâu cói sẽ không còn tươi giòn mà sẽ dai, người dân sẽ khó chẻ ra thành sợi để làm chiếu.
Có những hộ dân sau khi thu hoạch cói, dựng lều, chẻ cói và phơi ngay tại đồng. Thời tiết nắng nóng của miền Trung là thích hợp nhất để phơi cói. Nếu cói dính phải nước mưa thì sợi cói sẽ bị giảm giá trị và mất mã rất nhiều, không cho ra sợi cói bền nhất.
Người dân trồng cói ở Hoài Nhơn đã có một hành trình vất vả để biến vùng đất bị nhiễm phèn chua thành một cánh đồng cói bạt ngàn mang đặc trưng thương hiệu. Thị xã Hoài Nhơn có các thôn trồng và làm chiếu nổi tiếng như thôn Chương Hòa, thôn chiếu Gia An, chiếu Quy Thuận, chiếu Gia An Đông,…
Để làm ra chiếc chiếu, người dân phải trải qua bao “mưa nắng gió sương”: từ việc thu hoạch cói trên ruộng, đến việc phơi khô sợi cói, rồi “thời trang” cho chúng với công đoạn nhuộm nhúng màu, sau đó lại đem phơi khô lần nữa… sau đó mới được đưa về dệt chiếu.
Vào mùa chiếu cói, về phường Hoài Châu Bắc nơi đâu cũng thấy người làng phơi sợi cói khô với đủ màu sắc. Các sợi cói được nhuộm các màu như: đỏ, vàng, xanh lá, tím là chủ yếu.
Chiếu cói ở Hoài Nhơn có hai loại là chiếu trơn và chiếu hoa. Chiếu trơn được dệt từ cói trắng mộc mạc, bình dị. Còn chiếu hoa được dệt từ các sợi cói trắng xen kẽ các sợi cói đã được nhuộm màu để tạo ra một chiếc chiếu có hoa văn độc đáo, thậm chí là theo mẫu của người thu mua. Làng nghề làm chiếu cói Hoài Nhơn đã được UBND tỉnh Bình Định công nhận là làng nghề truyền thống.
Theo VTC
Liên kết website
Ý kiến ()