Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:54 (GMT +7)
Chiêm ngưỡng Bảo vật Quốc gia gốm thời Lý ở Bảo tàng Quảng Ninh
Chủ nhật, 24/01/2021 | 15:05:34 [GMT +7] A A
Kỳ lạ thay, chỉ là những đồ gốm mỏng manh mà trải qua bao mưa nắng, thăng trầm của cả nghìn năm lịch sử vẫn nguyên vẹn đến hôm nay. Hơn thế, đó còn là các tác phẩm nghệ thuật chứa đựng nhiều giá trị độc đáo, rất đặc sắc đã được công nhận Bảo vật Quốc gia dịp cuối năm vừa qua…
Hiện vật tôi muốn nhắc đến ở đây chính là 3 sản phẩm gốm thời Lý, đang được trưng bày tại Bảo tàng Quảng Ninh, gồm: Thạp gốm hoa nâu, Bình gốm hoa sen và Bình gốm hoa nâu Kinnari.
Trong đó, lớn nhất, nặng nhất là thạp gốm cao tới 35,5cm và có trọng lượng tới 9,3kg; tiếp đó là bình hoa sen cao 24,2cm và nặng tới 6,6kg, còn nhỏ xinh nhất là bình gốm Kinnari chỉ cao 12,1cm và nặng 250g, có thể cầm gọn trong lòng tay. Các hiện vật còn khá nguyên vẹn về cả cấu trúc, hình dáng và hoa văn trang trí, trừ bình hoa sen chỉ còn phần thân (thiếu nắp).
Thạp gốm hoa nâu thời Lý còn nguyên vẹn về cả cấu trúc, hình dáng và hoa văn trang trí. |
Ông Kiều Đinh Sơn, Giám đốc Bảo tàng Quảng Ninh, cho biết: Sở dĩ khẳng định các hiện vật trên đều có niên đại thế kỷ XI - XII không chỉ bởi dòng gốm hoa nâu mà hình dáng, chất liệu, kỹ thuật chế tác, tô điểm men và hoa văn trang trí đều thể hiện rõ nét đặc trưng văn hoá thời Lý. Cách đây cả nghìn năm nhưng những người thợ gốm xưa đã sử dụng kỹ thuật nung một lần với nhiệt độ nung đạt từ 1.100 - 1.2000C. Sản phẩm gốm có độ chín đồng đều trên cả xương, men và màu, các dị tật cũng ít thấy đã chứng tỏ sự phát triển trong kỹ thuật sản xuất.
Tạo hình, trang trí độc đáo
Qua tìm hiểu được biết, đồ gốm hoa nâu thời Lý - Trần còn lại đến hiện nay khá nhiều với các loại hình đa dạng và phức tạp nhưng hiện vật có tạo hình độc đáo như 3 sản phẩm kể trên thì cực hiếm. Việc tạo dáng cũng như trang trí phức tạp, đòi hỏi nhiều kỹ thuật điêu luyện của nghệ nhân gốm.
Cụ thể, thạp gốm được tạo dáng từ việc chuốt tay trên bàn xoay đồ gốm, nhưng việc sửa dáng, chạm khắc các loại hoa văn từ trên vai thạp cho tới chân đế vẫn cần bàn tay tài hoa của người nghệ nhân. Cùng với đó, phần chân đế còn có kỹ thuật in khuôn 12 hình em bé của thế giới cực lạc, rồi gắn vào 12 trụ của chân đế...
Bình gốm hoa nâu Kinnari thời Lý có hình dáng khác lạ và hiếm có với hình tượng đầu người mình chim. |
Còn bình gốm Kinnari vốn có hình dáng khác lạ và hiếm có với hình tượng đầu người mình chim (biểu tượng của một vị thần trong văn hóa Phật giáo Việt thời Lý - Trần) hoàn toàn được làm bằng tay. Người thợ gốm sau khi tạo dáng bình với chân đế thì mới tạo tác hình tượng đầu người mình chim. Các bộ phận được làm rời rồi mới gắn kết lại với nhau.
Tương tự như vậy, các bộ phận của bình gốm hoa sen, vốn là tạo hình sen độc đáo nhất trong hệ thống ấm gốm men thời Lý, cũng được tạo hình bằng các phương pháp riêng, cuối cùng ghép lại thành một sản phẩm hoàn thiện trước khi phơi và tráng men. Trong đó, thân bình được tạo dáng như bông sen mười cánh, mỗi cánh cong nổi như đang ôm lấy đài sen; vai bình chạm nổi bằng cánh sen kép (cánh to xen cánh nhỏ); đầu rồng, chim anh vũ được trang trí cách điệu thành vòi và quai ấm.
Ngoài tạo hình độc đáo, bình gốm hoa sen còn là biểu tượng gắn liền với Phật giáo. Bởi lẽ, đề tài cánh sen - biểu trưng cho Phật giáo là quốc giáo thời kỳ này, được lấy làm tổng thể hình dáng và bố cục họa tiết hoa văn thân bình.
Các hình tượng trên bình đều là những hình tượng liên quan chặt chẽ đến hình tượng Đức Phật: Hoa sen tượng trưng cho sự thanh cao gắn liền với sự đản sinh của Đức Phật, chim anh vũ nhiều lần là tiền thân của Đức Phật và là một loài chim truyền pháp thoại của chư Phật, hình tượng rồng cũng gắn liền với hình ảnh Đức Phật đản sinh.
Vật dụng trong các nghi lễ
Qua tìm hiểu cho thấy, các Bảo vật Quốc gia gốm thời Lý kể trên đều thuộc dòng gốm nặng lửa (nung ở nhiệt độ cao), có lẽ vậy mà trải qua cả nghìn năm đến nay vẫn còn bền chắc và nguyên vẹn với đường nét hoa văn tinh tế, hoàn mỹ.
Bình gốm hoa sen cùng với tạo hình độc đáo còn là biểu tượng gắn liền với Phật giáo. |
Bên cạnh đó, lý giải về sự bền vững với thời gian của các Bảo vật gốm, các nhà khoa học cho rằng đây có thể là các vật dụng được dùng trong việc thực hiện nghi lễ tín ngưỡng, tôn giáo thời Lý.
Ông Sơn phân tích: Căn cứ vào cấu trúc, hình dáng, kích thước, hoa văn trang trí được tạo tác công phu, tỷ mỷ, chúng tôi nhận định thạp gốm, bình gốm hoa sen cũng như bình gốm Kinnari có thể là đồ dùng của tầng lớp quyền quý, hoặc là đồ lễ khí (tế khí) trong các hoạt động nghi lễ của đời sống cung đình (miếu/đường) hoặc đời sống tôn giáo (chùa) thời Lý. Trong các giai đoạn lịch sử sau, các sản phẩm gốm này có thể vẫn tiếp tục được sử dụng trong các hoạt động nghi lễ nên mức độ bảo quản đến ngày nay còn rất tốt.
Các hiện vật này cùng nhiều đồ gốm cùng thời khác, đã đánh dấu một bước phát triển đỉnh cao của kỹ - mỹ - nghệ thuật sản xuất gốm thời Lý, là một trong những biểu tượng cho đỉnh cao sáng tạo văn hóa của dân tộc ta thời độc lập tự chủ sau đêm trường Bắc thuộc.
Ngọc Mai
Liên kết website
Ý kiến ()