Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 09:06 (GMT +7)
Chiếc "phao cứu sinh" của hàng không
Thứ 7, 26/06/2021 | 18:35:39 [GMT +7] A A
Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, các hãng hàng không trong nước đã linh hoạt chuyển hướng sang chở hàng hóa để có thêm doanh thu, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tuy không đủ bù đắp doanh thu mất đi từ vận tải khách, nhưng vận tải hàng hóa đã giúp duy trì mạng lưới bay quốc tế, trở thành chiếc "phao cứu sinh" hiệu quả của ngành hàng không trong mùa dịch.
Vải thiều "ngồi" ghế hành khách
Giữa tháng 6 vừa qua, chuyến bay VN7217 bằng "siêu máy bay" Boeing 787-9 của Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) cất cánh từ Hà Nội đã "cõng" hơn 40 tấn vải thiều Bắc Giang vào TP Hồ Chí Minh tiêu thụ. Ðây là lần đầu tiên VNA bố trí riêng máy bay thân rộng chỉ để chở vải thiều tới tay người tiêu dùng và cũng là lần đầu tiên, những thùng vải thiều được bố trí "ngồi" cả vào ghế hành khách để tăng tải trọng vận chuyển, ngoài chất xếp trong khoang hàng hóa.
Trước đó, vào cuối tháng 5, gần 10 tấn vải thiều của Bắc Giang cũng đã đến Nhật Bản trên các tàu bay thân rộng của VNA. Hãng duy trì các đường bay vận tải hàng hóa quốc tế để phục vụ giao thương, nhiều tàu bay được cải biến khoang khách thành tàu bay chở hàng chuyên dụng, giúp nâng tải trọng chở hàng gấp từ hai đến bảy lần. Vải thiều Bắc Giang năm nay được mùa lớn, sản lượng tăng hàng chục nghìn tấn so với năm trước. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã gây khó khăn trong khâu tiêu thụ, trong khi vận chuyển cần phải rất nhanh chóng, khả năng bảo quản tốt để vải thiều đến tay người dùng vẫn giữ được chất lượng tươi mới. Trước yêu cầu này, đường hàng không đã được huy động tối đa, dù dịch bệnh khiến số lượng chuyến bay sụt giảm, tàu bay phải nằm đất, nhưng hãng hàng không quốc gia đã cam kết bố trí nguồn lực để đáp ứng tối đa nhu cầu vận chuyển vải quả, bảo đảm lưu thông chuyên chở vải đi khắp vùng miền đất nước và xuất khẩu ra nước ngoài.
Các giải pháp logistics của hàng không đã tạo điều kiện thuận lợi rất lớn cho việc tiêu thụ vải thiều. Bên cạnh đáp ứng điều kiện bảo quản vải thiều trong suốt chuyến bay, các chuyến bay chở hàng của VNA cũng tuân thủ tiêu chuẩn phòng, chống dịch hết sức chặt chẽ, phi hành đoàn, nhân viên hàng hóa đều trang bị bảo hộ y tế khi tác nghiệp,…
Hãng hàng không Vietjet cũng nhanh chóng triển khai các chuyến bay đưa vải thiều Bắc Giang cùng các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của Việt Nam đến các thị trường quốc tế lớn như Nhật Bản, Thái Lan, Singapore (Xin-ga-po),... và nhiều quốc gia khác trên khắp thế giới. Tại thị trường trong nước, Vietjet kết hợp Công ty vận chuyển Swift247 mang vải thiều đến tận tay khách hàng tại thị trường TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam. Thời gian nhận đơn hàng đến cuối tháng 7 khi mùa vải thiều kết thúc.
Phó Tổng Giám đốc Vietjet Ðỗ Xuân Quang chia sẻ: "Vải thiều chất lượng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh được Vietjet chuyên chở bằng tàu bay hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn vận chuyển cao nhất. Cùng các đối tác danh tiếng trên toàn cầu, hàng hóa được tàu bay Vietjet vận chuyển tới khắp trong nước, thế giới với chi phí hợp lý, chất lượng, thuận tiện cho khách hàng. Hãng đã hỗ trợ vận chuyển hàng nghìn tấn trang thiết bị y tế, nhu yếu phẩm, nông sản cho người dân vùng ảnh hưởng dịch...".
Cần đội bay chuyên dụng chở hàng
Theo đại diện VNA, mục tiêu lớn của hãng trong thời gian tới là xây dựng VNA Cargo với đội máy bay chuyên dùng chở hàng hóa. Ðể thực hiện mục tiêu này, VNA đang khẩn trương nghiên cứu đề án xây dựng và đưa vào khai thác đội máy bay chuyên dùng chở hàng, chủ động đưa vào sử dụng 12 tàu bay thân rộng chuyên chở hàng hóa thuần túy trên khoang khách (cabin) và khoang bụng (belly); đồng thời tháo ghế hai tàu bay thân hẹp Airbus 321 để chở hàng.
Ðây chính là những bước tập dượt cho quá trình xây dựng, khai thác đội bay chuyên dùng chở hàng trong tương lai. Tuy nhiên, theo các chuyên gia hàng không, máy bay thương mại được tận dụng để vận chuyển hàng hóa khó đạt hiệu quả về lâu dài bởi chở hàng dưới khoang bụng thì khối lượng không lớn, chỉ từ hai đến 10 tấn, còn bỏ bớt ghế trên khoang hành khách để chở hàng chỉ phù hợp bối cảnh đại dịch khi chở hàng hóa thiết yếu phục vụ chống dịch, hàng viện trợ,… Bên cạnh đó, hệ thống logistics của Việt Nam chưa phát triển, chi phí vận chuyển hàng hóa cao, chỉ có hai sân bay lớn Tân Sơn Nhất, Nội Bài có trung tâm kho hàng hóa quốc tế nên đánh mất nhiều cơ hội về cạnh tranh thị phần. Do đó, để vận tải hàng hóa hàng không phát triển, các hãng cần có đội bay cargo chuyên dụng và xây dựng được mạng lưới logistics hàng không đủ lớn, trải đều ở các vùng miền.
Mới đây, Công ty cổ phần IPP Air Cargo - thành viên của Tập đoàn IPPG đã có văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cùng các bộ, ngành liên quan xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án thành lập Hãng vận tải hàng không IPP Air Cargo, tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng (khoảng 100 triệu USD). IPP Air Cargo dự kiến trong năm đầu sẽ khai thác năm tàu bay hàng hóa, sau đó tăng lên bảy chiếc vào năm thứ hai và 10 chiếc vào năm thứ ba. Hãng lên kế hoạch vận chuyển khoảng 115 nghìn tấn hàng hóa, đạt doanh thu 71 triệu USD. IPP Air Cargo dự kiến bắt đầu có lãi từ năm thứ tư kể từ khi cất cánh chuyến bay đầu tiên. IPP Air Cargo cũng nêu mục tiêu nếu được phê duyệt dự án đầu tư, có giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không vào quý III tới và lấy chứng chỉ nhà khai thác vào quý IV, sẽ thực hiện bay thương mại ngay trong quý II-2022.
Nhận định về triển vọng năm 2021, Hiệp hội Vận tải hàng không thế giới (IATA) cho rằng, hàng không thế giới có thể tiếp tục lỗ hơn 38 tỷ USD, cao gần gấp hai lần so dự báo mà IATA đưa ra trước đó. Sớm nhất phải sang năm 2024, hàng không mới phục hồi quy mô ngang bằng năm 2019. Doanh thu từ vận tải hàng hóa của các hãng bay sẽ tăng 15% so năm 2019, đạt gần 118 tỷ USD.
Hiện có khoảng 50% lượng hàng hóa qua đường hàng không được vận chuyển bằng máy bay chở khách. Nắm bắt xu hướng mới, nhiều hãng hàng không lên kế hoạch biến hàng loạt máy bay chở khách cũ thành máy bay vận chuyển hàng hóa, tạo cơ hội về việc làm cho các công ty chuyên làm công việc hoán đổi. Dự báo, trong năm nay, số lượng máy bay chở khách chuyển đổi sang vận tải hàng hóa trên thế giới sẽ tăng lên 90 chiếc (36%) và 109 chiếc trong năm 2022.
Tổng Giám đốc IATA Alexandre de Juniac (A-lếch-xan-đơ đờ Giu-ni-ắc) đánh giá, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, các hãng hàng không đã tăng đội tàu chở hàng cả về kích thước cũng như tần suất sử dụng.
Vận chuyển hàng hóa là yếu tố có tính sống còn, giúp các hãng bay duy trì mạng lưới quốc tế. Do tác động của dịch Covid-19, mua sắm trực tuyến trở thành trào lưu, vận tải hàng hóa sẽ là điểm sáng duy nhất và là chiếc "phao cứu sinh" hiệu quả của ngành hàng không trên toàn cầu.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()