Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 11:07 (GMT +7)
Chìa khoá phát triển bền vững
Chủ nhật, 26/09/2021 | 06:28:59 [GMT +7] A A
Để thúc đẩy phát triển KT-XH bền vững, góp phần nâng cao chất lượng sống của của nhân dân, Quảng Ninh đã và đang tích cực cải thiện chất lượng môi trường sống, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu... Qua đó, góp phần bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, hình thành các điều kiện cơ bản cho nền kinh tế xanh.
Thời gian qua, công tác quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị toàn tỉnh vào cuộc quyết liệt. Trong giai đoạn 2016-2020, ngân sách nhà nước được bố trí tăng hàng năm, đảm bảo không dưới 3% tổng chi ngân sách nhà nước cho hoạt động sự nghiệp môi trường, cao hơn mức quy định của Trung ương. Cùng với đó, các doanh nghiệp trên địa bàn đã chủ động bố trí kinh phí đầu tư các hạng mục giám sát quan trắc tự động; thu gom, xử lý chất thải, cải tạo, phục hồi môi trường; chủ động trang sắm trang thiết bị, đổi mới công nghệ sản xuất thân thiện môi trường...
Công tác xã hội hóa lĩnh vực môi trường cũng được thúc đẩy với nhiều mô hình hiệu quả, trong đó nổi bật là cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường. Trong 5 năm qua, tỉnh xúc tiến thành công các nguồn vốn hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường, trong đó Nhật Bản vẫn là đối tác cung cấp ODA nhiều nhất thông qua việc tài trợ, hỗ trợ thực hiện các dự án. Nhờ có các nguồn lực trên, Quảng Ninh đã giải quyết một số vấn đề môi trường đáp ứng nhu cầu về phát triển KT-XH bền vững của tỉnh. Hiện trên địa bàn tỉnh không còn cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Việc thu gom xử lý rác thải, nước thải tập trung tại các trung tâm đô thị có nhiều chuyển biến tích cực; ô nhiễm môi trường không khí đã được kiểm soát chặt chẽ hơn thông qua hệ thống quan trắc môi trường tự động. Phong trào giảm thiểu rác thải nhựa đã nhận được sự đồng tình và hưởng ứng tích cực của người dân, các đơn vị, doanh nghiệp.
Cùng với các giải pháp trên, công tác quản lý tài nguyên khoáng sản cũng được tăng cường. Đến nay, đã cơ bản chấm dứt tình trạng khai thác, vận chuyển và chế biến kinh doanh than trái phép; quy hoạch, quản lý và bảo vệ tài nguyên nước, bảo đảm an ninh nguồn nước đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH nhanh, bền vững... Công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn do bão, lũ lụt, sạt lở đất gây ra đã được thực hiện chủ động, tích cực góp phần hạn chế tối đa thiệt hại về người và của.
Những nỗ lực, cố gắng trong công tác bảo vệ môi trường của tỉnh thời gian qua đã được nhân dân, doanh nghiệp trên địa bàn ghi nhận, đánh giá cao. Trong cả năm 2019 và 2020, chỉ số Quản trị môi trường của tỉnh đều đứng thứ 2/63 tỉnh thành phố và là một trong 8 chỉ số góp phần vào thứ hạng của Bộ chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh; PAPI của Quảng Ninh đứng thứ 3 năm 2019 và thứ nhất năm 2020 trên 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Để phát triển bền vững, nâng cao chất lượng sống của của nhân dân, Quảng Ninh luôn xác định quan điểm bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu giữ vị trí trung tâm của các quyết định phát triển.
Theo đó, một trong những định hướng giai đoạn 2020-2025, hướng đến năm 2030 của tỉnh là chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững dựa vào ba trụ cột (thiên nhiên, con người, văn hóa), kết hợp với xu thế hòa bình, hợp tác, hội nhập... đi đôi với nhiệm vụ: Phát triển KT-XH nhanh, bền vững, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đồng thời tại Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh cũng đã thông qua 15 đề án, chương trình trọng điểm trong nhiệm kỳ 2020-2025, trong đó có Đề án Bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Để sớm cụ thể hóa các định hướng chiến lược, mục tiêu đề ra, hiện nay, tỉnh đang xây dựng Đề án và dự thảo Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh về bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu của Đề án và nghị quyết nhằm ngăn chặn, đẩy lùi xu hướng gia tăng ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên, suy giảm đa dạng sinh học; cải thiện chất lượng môi trường sống; sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai; hình thành các điều kiện cơ bản cho nền kinh tế xanh, ít phát thải, các-bon thấp, góp phần xây dựng tỉnh Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại, phát triển nhanh, bền vững gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh và trong nhóm các địa phương đi đầu cả nước về thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh.
Dự thảo đề án và Nghị quyết cũng đặt ra 10 mục tiêu cụ thể đến năm 2025 và 6 mục tiêu đến năm 2030; đồng thời xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; xây dựng, hoàn thiện, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế chính sách; nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; đẩy mạnh hợp tác khu vực và quốc tế; thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, phát triển năng lượng tái tạo, chuyển đổi số ngành tài nguyên môi trường, quản trị an ninh phi truyền thống...
Cho ý kiến về đề án và dự thảo Nghị quyết trên tại hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh ngày 9/9, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. Trong đó, yêu cầu phải huy động được mức đầu tư hợp lý từ khu vực tư nhân, doanh nghiệp kết hợp nguồn lực từ ngân sách cho bảo vệ môi trường, xử lý vấn đề về rác thải; khắc phục tình trạng đầu tư cho bảo vệ môi trường còn thấp từ khu đô thị trong thời gian qua. Tỉnh cũng không đánh đổi công bằng, tiến bộ xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Quảng Ninh phải là một trong những địa phương đi đầu thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững theo Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về tài nguyên môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Việc sớm hoàn thiện Đề án và ban hành được Nghị quyết về bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 sẽ đem lại hiệu quả cao về kinh tế và xã hội, góp phần quan trọng trong việc hiện thực hóa các nội dung và nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đặt ra.
Thu Chung
- Công ty CP Than Đèo Nai: Giải pháp cấp bách bảo vệ môi trường
- Quảng Ninh: Song hành phát triển hạ tầng với bảo vệ môi trường
- Ưu tiên bảo vệ môi trường trong thi công các dự án hạ tầng
- Tăng cường quan trắc, bảo vệ môi trường
- Bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp ở Móng Cái
- Phụ nữ chung tay bảo vệ môi trường: Lan toả nhiều cách làm hiệu quả
- Nông dân Quảng Ninh chung tay bảo vệ môi trường
Liên kết website
Ý kiến ()