Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 22:40 (GMT +7)
"Chìa khóa" để nông nghiệp phát triển
Thứ 6, 24/12/2021 | 09:42:16 [GMT +7] A A
Xác định ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) là giải pháp then chốt để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, thực hiện hiệu quả kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp của tỉnh, thời gian qua, hệ thống khuyến nông trên địa bàn đã không ngừng nỗ lực chuyển giao các tiến bộ KHKT cho người nông dân. Đến nay, nhiều chương trình, dự án, mô hình ứng dụng đã góp phần giảm chi phí đầu tư, gia tăng giá trị sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Năm 2021, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai thực hiện 12 mô hình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trên địa bàn tỉnh, trong đó có 3 mô hình trồng trọt, 1 mô hình chăn nuôi, 1 mô hình lâm nghiệp và 7 mô hình thủy sản. Các mô hình đều ứng dụng các KHKT mới và tập trung vào những đối tượng sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, từ đó tạo đà phát triển các vùng sản xuất lớn. Trong đó, một số mô hình, dự án được địa phương đánh giá có hiệu quả cao như sản xuất ổi VietGAP tại xã Sơn Dương (TP Hạ Long). Theo đó, tham gia mô hình, 45 hộ dân của xã Sơn Dương được chia thành 6 nhóm để thuận tiện cho việc tổ chức quản lý, giám sát. Quá trình triển khai thực hiện từ tháng 2/2021, các hộ được đào tạo, tập huấn đầy đủ về các nội dung trong quy trình sản xuất VietGAP như: Nhận thức chung về tiêu chuẩn; hướng dẫn sơ cứu và bảo vệ môi trường; hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV… Đối với các mẫu đất, nước và sản phẩm được mang đi phân tích mối nguy về sinh học, vật lý, hóa học.
Ông Vi Văn Tuyên (trưởng nhóm tham gia mô hình), cho biết: Mô hình áp dụng kỹ thuật cắt tỉa để kích thích, tạo quả rải vụ thu hoạch liên tục, hạn chế quả chính vụ vào tháng 6-7 (thời điểm này quả thường bị chua đầu cuống lại trùng với thời điểm thu hoạch nhiều loại quả khác nên giá thấp). Sau khi tham gia mô hình, chúng tôi đã tăng cường tạo quả rải vụ từ tháng 8 đến tháng 4 năm sau, đây là thời điểm quả có chất lượng tốt, ít bị áp lực thị trường, giá thành cao hơn khoảng 4-5 lần so với chính vụ. Cụ thể, giá ổi tháng 6/2021 đạt 6.000 đồng/kg nhưng tháng 11/2021, giá ổi tăng lên 20.000-25.000 đồng/kg. Thu nhập của chúng tôi nhờ thế mà cao hơn và không lo biến động thị trường như trước.
Từ 9ha ổi VietGAP cho kết quả cao, xã Sơn Dương đã vận động các hộ dân liên kết, thành lập hội nghề nghiệp "Trồng, chăm sóc cây ổi Đài Loan theo tiêu chuẩn VietGAP". Dự kiến, trong năm 2022, diện tích trồng ổi theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn xã sẽ được mở rộng lên gấp đôi, tiếp tục khẳng định là sản phẩm OCOP chủ lực của TP Hạ Long.
Tương tự, để giúp người dân quản lý tốt các yếu tố môi trường, dịch bệnh, rút ngắn thời gian nuôi, tháng 5/2021, Trung tâm khuyến nông tỉnh đã phối hợp với TX Quảng Yên triển khai mô hình nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng hai giai đoạn bằng công nghệ Semi - Biofloc gắn với tiêu thụ sản phẩm. Bước đầu, mô hình được triển khai trên diện tích 1ha có 3 hộ dân tham gia với quy mô 132 vạn con tôm. Với mô hình này, các hộ dân phải tuân thủ quy trình kỹ thuật từ thiết kế hạ tầng ao nuôi, ao lắng, ao dèo, ao chứa chất thải cho đến sử dụng chế phẩm sinh học và kiểm soát chặt chẽ thức ăn theo từng giai đoạn, nhất là giai đoạn dèo tôm đảm bảo được mật độ của floc (những tế bào vi khuẩn có lợi kết dính tạo thành khối lơ lửng trong môi trường nước). Qua đó, đảm bảo tăng cường sức đề kháng và đạt tỷ lệ đầu con cao nhất cho tôm trước khi chuyển sang giai đoạn ao nuôi. Sau 72 ngày triển khai mô hình, kích cỡ tôm trung bình đạt 18g/con, tỉ lệ sống trung bình đạt 85%, sản lượng đạt 20 tấn/ha, doanh thu mô hình đạt 2,8 tỷ đồng. Nhờ rút ngắn được thời gian nuôi, tỷ lệ sống trung bình lớn, năng suất, sản lượng tăng trên một đơn vị diện tích nên mô hình đã cho lãi 1 tỷ đồng (cao khoảng 20% so với nuôi tôm thông thường). Thành công của mô hình cho thấy việc ứng dụng KHKT vào sản xuất sẽ cho hiệu quả kinh tế cao có khả năng ứng dụng phát triển mở rộng trong các vùng nuôi tôm tại Quảng Ninh.
Ngoài 2 mô hình kể trên, những mô hình còn lại cũng đang từng bước chuyển giao KHKT mới cho người dân, như: Mô hình nuôi bò lai sinh sản bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo; mô hình trồng cây dổi ăn hạt bằng cây ghép tại huyện Ba Chẽ; phát triển vùng nuôi rươi thương phẩm kết hợp canh tác lúa hữu cơ tại TX Đông Triều, TP Uông Bí, TX Quảng Yên; sử dụng đèn led trong trồng thanh long trái vụ… Cùng với đó, Trung tâm cũng đã đẩy mạnh việc phối hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc kết nối, triển khai mô hình. Trong đó, có chương trình hỗ trợ phát triển chăn nuôi lợn an toàn sinh học cho 16 hộ bị ảnh hưởng bởi bãi thải xỉ số 2 tại thôn Hà Tranh (xã Cộng Hòa, TP Cẩm Phả) của Công ty TNHH Điện lực AES Mông Dương; Công ty TNHH Hương Gia vị Sơn Hà thu mua sản phẩm quế ở các huyện Đầm Hà, Tiên Yên, Bình Liêu để xuất khẩu sang thị trường Châu Âu; hỗ trợ, tư vấn xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ quế hữu cơ cho Công ty CP Quế - Hồi Quảng Ninh; phối hợp với Công ty CP nông nghiệp hữu cơ FUSA khảo sát một số vùng sản xuất mía, quế, trà hoa vàng để định hướng xây dựng vùng nguyên liệu xuất khẩu sang Châu Âu.
Chia sẻ về thành công của các mô hình, ông Nguyễn Khắc Dũng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Rút kinh nghiệm từ những giai đoạn trước, những năm gần đây, các mô hình đều hướng mạnh đến việc chuyển giao KHKT mới vào sản xuất để thay đổi cách nghĩ, cách làm của người nông dân. Trước khi triển khai mô hình, Trung tâm cũng quan tâm đến sự phù hợp của đối tượng, công nghệ chuyển giao với điều kiện sinh thái, khả năng thích ứng của người dân để đảm bảo tính bền vững. Năm 2022, dự kiến Trung tâm sẽ triển khai trên 10 mô hình chuyển giao KHKT, chú trọng thực hiện những mô hình điểm, tập trung, có tính chất xã hội cao. Từ đó nhân rộng các mô hình có hiệu quả thông qua đề xuất các dự án hỗ trợ phát triển mở rộng để tăng tính lan tỏa của mô hình.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()