Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 23:39 (GMT +7)
Chi tiết hướng dẫn khai báo y tế cho hoạt động vận tải hành khách
Thứ 7, 30/10/2021 | 09:38:26 [GMT +7] A A
Bộ Giao thông Vận tải đang nghiên cứu những giải pháp khai báo y tế nhằm giảm thiểu các khâu trung gian đối với hành khách trong di chuyển nội địa trên cả 5 hình thức vận tải.
Bộ Giao thông Vận tải cho biết, trong thời gian vừa qua, Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế để đưa ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức vận tải gắn với phòng chống dịch.
Đặc biệt, Bộ Giao thông Vận tải đang nghiên cứu những giải pháp khai báo y tế nhằm giảm thiểu các khâu trung gian đối với hành khách trong di chuyển nội địa trên cả 5 hình thức vận tải hàng không, đường sắt, đường bộ, đường thủy và đường biển.
Hành khách đi máy bay khai báo y tế điện tử trên ứng dụng COVID-19
Theo đó, về lĩnh vực hàng không, ông Uông Việt Dũng, Phó Chánh Văn phòng Bộ Giao thông Vận tải cho biết, trong thời gian từ ngày 1/10 đến nay, việc tổ chức lại các hoạt động vận tải hành khách trên các chuyến bay nội địa thường lệ có nhiều chuyến biến tích cực. Đây là nỗ lực rất lớn của ngành giao thông vận tải và các doanh nghiệp hàng không.
Để đơn giản hơn các thủ tục nhằm tổ chức các chuyến bay hiệu quả, nhanh chóng, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc di chuyển của người dân bằng đường hàng không, Bộ Giao thông Vận tải vừa có hướng dẫn mới nhất về khai báo y tế cho hành khách di chuyển bằng đường hàng không.
Theo đó, thay vì vừa phải khai báo y tế, vừa hoàn thành bản cam kết theo mẫu và chuyển cho đại diện hãng hàng không khi làm thủ tục tại điểm xuất phát, hành khách sẽ chỉ phải thực hiện khai báo y tế điện tử mục Khai báo di chuyển nội địa tại ứng dụng PC-COVID, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực của các thông tin khai báo.
Đặc biệt, khuyến khích hành khách chủ động khai báo từ trước khi làm thủ tục hàng không. Hành khách không được tham gia chuyến bay khi có các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng, mất vị giác...
Trong trường hợp hành khách không có thiết bị hoặc gặp khó khăn khi sử dụng các thiết bị điện tử thông minh, hãng hàng không có trách nhiệm bố trí nhân lực, thiết bị để hướng dẫn, hỗ trợ người dân cài đặt ứng dụng và khai báo.
Đại diện Bộ Giao thông Vận tải thông tin thêm, hiện nay, hệ thống PC-COVID và các giải pháp kỹ thuật đã đảm bảo để có thể trích xuất dữ liệu di chuyển nội địa của hành khách theo từng chuyến bay. Với việc các hành khách đều được khai báo di chuyển nội địa trên duy nhất một ứng dụng cũng sẽ giúp thống nhất để trích xuất dữ liệu di chuyển của hành khách trực tiếp từ ứng dụng PC-COVID.
Bên cạnh đó, quy định mới cũng chỉ yêu cầu các hãng hàng không cung cấp danh sách hành khách cho Cảng vụ để chuyển cho địa phương vào 2 khung giờ mỗi ngày (14h00 và 22h00) thay vì trước mỗi chuyến bay như trước đây.
Như vậy, sẽ giúp thời gian làm thủ tục của hành khách, việc trích xuất dữ liệu cũng nhanh chóng hơn; giảm thiểu áp lực về nhân lực đối với các đơn vị hàng không. Mọi quy định mới sẽ được áp dụng kể từ 0h00 ngày 29/10/2021.
Để di chuyển bằng đường hàng không trong giai đoạn hiện nay, hành khách phải bên cạnh việc khai báo y tế điện tử trên ứng dụng COVID-19, hành khác phải đáp ứng tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 (thẻ xanh trên Sổ Sức khoẻ điện tử/PC-COVID hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vaccine của cơ quan có thẩm quyền cấp, liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày).
Hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19; có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên máy bay; không tham gia chuyến bay khi có các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng…
Trong quá trình di chuyển từ cảng hàng không về nơi cư trú, lưu trú: hành khách luôn thực hiện 5K, sử dụng ứng dụng PC-COVID, hạn chế dừng và không tiếp xúc nơi đông người; chủ động thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú, lưu trú; tự theo dõi sức khoẻ hoặc thực hiện cách ly tại nơi cư trú, lưu trú theo quy định cụ thể của từng địa phương về các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 kể từ ngày về địa phương; thực hiện 5K.
Trường hợp có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác... thì thông báo ngay cho cơ quan y tế để theo dõi và triển khai quy trình xử lý dịch bệnh theo quy định.
Là một người dân di chuyển từ Tp. Hồ Chí Minh về Hà Nội, anh Vũ Việt An trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, anh vừa có việc đột xuất vào Tp. Hồ Chí Minh công tác sau khi hoàn thành nhiệm vụ đã quay trở lại Hà Nội. Anh An cho biết, việc khai báo y tế trong lĩnh vực hàng không khá thuận lợi. Ngay sau khi về Hà Nội anh đã được phường nơi anh cứ trú gọi điện và trực tiếp hướng dẫn anh đảm bảo các biện pháp phòng dịch sau chuyến bay.
Hành khách đi tàu chỉ cần khai thông tin theo mẫu
Trong lĩnh vực vận tải đường sắt, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, qua hơn 2 tuần thực hiện khôi phục các đoàn tàu chở khách thường lệ, bước đầu đã đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân và cơ bản kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19.
Theo quy định mới nhất của Bộ Giao thông Vận tải tại công văn 11290/BGTVT-CYT ngày 26/10 về việc thực hiện các biện pháp phòng dịch trong tổ chức chạy tàu khách, Bộ Giao thông Vận tải quy định hành khách đi tàu chỉ phải khai thông tin theo mẫu phiếu thông tin thay vì Bản cam kết phòng chống dịch COVID-19 như quy định trước đó.
Cụ thể, hành khách đi tàu chỉ phải cung cấp thông tin theo mẫu phiếu thông tin cho hành khách tham gia chuyến tàu cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng đường sắt. Mẫu phiếu được đăng tải trên website/app của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam hoặc kê khai tại ga làm thủ tục kiểm soát vé trước khi lên tàu. Hành khách phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực của các thông tin khai báo.
Về xét nghiệm y tế, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, chỉ yêu cầu xét nghiệm một trong các trường hợp có nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp 3; đến từ địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa); không yêu cầu xét nghiệm khi đi lại trong địa bàn.
Đối với người đã tiêm đủ liều vaccine và người đã khỏi bệnh COVID-19, chỉ xét nghiệm một trong các trường hợp: Khi có yêu cầu điều tra dịch tễ; đến từ địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc cách ly y tế vùng phong tỏa. Việc xét nghiệm SARS-CoV-2 được thực hiện bằng RT-PCR hoặc test kháng nguyên nhanh âm tính có giá trị trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu xét nghiệm tới trước thời điểm khởi hành chuyến tàu.
Khi đi tàu hành khách chú ý khai báo y tế trước khi lên tàu; thường xuyên rửa tay bằng dung dịch hoặc xà phòng sát khuẩn; đeo khẩu trang khi ra ga và trong suốt quá trình đi tàu; hạn chế đi lại giữa các toa xe nếu không thực sự cần thiết.
Ngoài ra, cần tuân thủ "Thông điệp 5K", khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế. Cùng với đó, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế.
Chỉ xét nghiệm khách đi đường bộ, đường biển và đường sông trong một số trường hợp
Theo hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải đối với vận tải hành khách đi đường bộ, đường biển và đường sông, Bộ Giao thông Vận tải chỉ yêu cầu xét nghiệm trong một số trường hợp.
Theo đó, hành khách tham gia giao thông trong lĩnh vực đường bộ, đường biển và đường sông trong một số trường hợp phải đáp ứng các yêu cầu như tuân thủ "Thông điệp 5K"; khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế.
Về xét nghiệm y tế, Bộ Giao thông Vận tải chỉ yêu cầu xét nghiệm các trường hợp có một trong các biểu hiện triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác và khứu giác, khó thở.
Đối với tất cả các cấp độ dịch, chỉ yêu cầu xét nghiệm một trong các trường hợp có nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp 3; đến từ địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc cách ly y tế vùng phong tỏa; không yêu cầu xét nghiệm khi đi lại trong địa bàn.
Đối với người đã tiêm đủ liều vaccine và người đã khỏi bệnh, chỉ xét nghiệm một trong các trường hợp: khi có yêu cầu điều tra dịch tễ; đến từ địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc cách ly y tế vùng phong tỏa./.
Theo Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()